Làng quê Bắc Ninh đảo lộn vì hàng nghìn trẻ lên Hà Nội khám sán lợn

Đặng Thủy ,
Chia sẻ

Thông tin hàng chục học sinh mần non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn gạo khiến cuộc sống người dân nơi đây không còn ngày bình yên. Nhiều người không dám cho con đi học, không tiếc tiền của, nóng ruột chờ kết quả khám nghiệm của con.

Khoảng 8h sáng 16/3, anh Hùng trùm áo mưa chở theo hai con nhỏ, hối hả chạy ngược chạy xuôi quanh khu vực trường mầm non và trạm y tế xã Thanh Khương. Chạy được hai lượt qua UBND xã, anh dừng lại. Tại đây, anh gặp chị Hoa, chị hấp tấp hỏi anh Hùng, địa điểm xét nghiệm bệnh sán gạo ở đâu?

Anh Hùng đáp: "Từ sáng sớm, tôi nghe tin nhiều người nói có đoàn y tế về lấy máu xét nghiệm bệnh sán gạo. Tôi bỏ việc đưa hai cháu đi nhưng không tìm thấy, vừa vào UBND xã hỏi thì cán bộ xã cho biết, thông tin trên không chính xác, nếu có đoàn y tế về xã đã có thông báo rộng rãi tới mọi người. Tôi bận quá nên chưa xếp cho các cháu đi khám được, nên tôi rất sốt ruột".

Làng quê Bắc Ninh đảo lộn vì hàng nghìn trẻ lên Hà Nội khám sán lợn - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh đưa con đi hỏi địa chỉ xét nghiệm máu.

Anh Hùng và chị Hoa là một trong những trường hợp chưa thể đưa con xuống Hà Nội làm thủ tục xét nghiệm. Sau thông tin hàng trăm phụ huynh trường mầm non Thanh Khương đưa con xuống Hà Nội xét nghiệm hôm 15/3, sau đó 53 cháu có kết quả dương tính (nhiễm) sán lợn gạo đã khiến người dân xã này thực sự lo lắng.

Sáng ngày 16/3, hàng nghìn phụ huynh khắp xã Thanh Khương, dù không có con theo học tại trường mần non trên cũng tiếp tục đưa con xuống Hà Nội khám. Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương hầu như không còn chỗ trống.

Đưa cháu từ làng Dâu, xã Thanh Khương xuống Hà Nội khám chiều 15/3, bà Nguyễn Thị Hường, vẫn lo âu vì bà chưa thể nhận được kết quả xét nghiệm, bà nói: "Tôi và mẹ đưa cháu xuống khám mất gần 1.000.000 đồng tiền xét nghiệm, chưa kể công sức và tiền đi lại. Nhưng chúng tôi không tiếc vì liên quan đến sức khỏe con cháu. Cháu nhà vẫn chưa được nhận kết quả xét nghiệm khiến tôi rất lo”.

Một người dân khác tiếp lời: "Tôi xem trên ti vi, được biết đây là bệnh do sán gây ra nên chữa được, nhưng chưa rõ nguồn gốc từ đâu và cũng chưa đi xét nghiệm cho các cháu được nên gia đình cũng thấy rất sợ".

"Từ hôm xảy ra vụ phát hiện thịt bẩn bị tuồn vào trường Thanh Khương (5/3) rồi tiếp đến thông tin nhiều cháu học ở trường bị nhiễm sán lợn đã khiến rất nhiều người không cho con đi học. Trường mầm non Thanh Khương là trường Công lập duy nhất của xã này, lại là trường đạt tiêu chuẩn Quốc gia nên cơ sở vật chất rất tốt. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng xử lý để mọi người yên tâm cho con em đi học", anh Hùng bày tỏ.

Liên quan đến vụ việc, ngày 16/3, tỉnh Bắc Ninh phát đi thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh – ông Nguyễn Tử Quỳnh tại cuộc họp về cung cấp thực phẩm tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học; có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại trường mầm non Thanh Khương và các trường học ở Thuận Thành.

Ngành y tế được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xét nghiệm cho học sinh trường Mầm non xã Thanh Khương, cung cấp thông tin chính thức cho các bên liên quan căn cứ kết quả mẫu xét nghiệm. Việc hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân, ảnh hưởng và cách phòng chống sán lợn cũng được giao cho cơ quan y tế.

Để tránh tâm lý hoang mang, hai ngành y tế và giáo dục tổ chức tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh; chỉ đạo cơ sở giáp dục chủ động phối hợp thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thức phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học.

GS.TS Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, ấu trùng bệnh sán lợn gạo có thể có trong đất, nước, thực phẩm... có thể xuất hiện ở mọi tỉnh thành của nước ta. Bệnh này đã có phác đồ điều trị nên người dân không nên quá hoang mang lo lắng, chỉ cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sỹ là người dân có thể tự điều trị dứt điểm tại nhà. Cách phòng chống tốt nhất là thực hiện vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín uống sôi. Nếu nghi ngờ có biểu hiện của bệnh mọi người có thể đi khám và nhận hướng dẫn của bác sỹ, người dân không nên quá hoang mang lo lắng.

Chia sẻ