Lạm dụng men tiêu hoá, dễ luỵ cả đời

,
Chia sẻ

Nuôi con ai cũng muốn con ăn uống ngon lành. Khi thấy con biếng ăn thì sốt ruột, tìm mọi cách để con ăn nhiều hơn, trong đó men tiêu hoá được dùng phổ biến.

Nhưng trước khi sử dụng, các bà mẹ cần hiểu rõ nguồn gốc và cơ chế tác dụng của chúng. Cần biết phân biệt loại nào là men tiêu hoá thực sự hay còn gọi là men enzym, loại nào chỉ là những chế phẩm vi sinh, hoặc là các probiotic.

 

Men tiêu hoá enzyme là gì?

 

Đây là các loại men do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra, có tác dụng để tiêu hoá và hấp thu thức ăn, ví dụ tuyến nước bọt bài tiết men Ptyalin (còn gọi anpha – amylase) có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín thành đường maltoza. Dạ dày bài tiết ra axit clohydric (HCl) và các men pepsin, lipase.

 

Men pepsin của dạ dày chỉ có tác dụng tiêu hoá được từ 10 – 20% chất đạm thức ăn, còn men lipase có tác dụng rất yếu, chỉ tiêu hoá được dạng chất béo đã nhũ tương hoá (chất béo của sữa, trứng). Tại ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch tuỵ, mật và dịch ruột.

 

Có thể sử dụng các thức ăn chứa men tiêu hoá tự nhiên như sữa chua...

 

Sự tiêu hoá sẽ hoàn tất trong lòng ruột và các tế bào niêm mạc ruột. Sau đó các sản phẩm sẽ được hấp thu tại ruột cùng với vitamin, chất khoáng và nước. Gan bài tiết ra mật, đóng vai trò quan trọng trong hoà tan các chất mỡ, tạo điều kiện cho các men lipase tiêu hoá mỡ hoạt động.

 

Quan trọng nhất là các men được bài tiết từ tuỵ tạng. Dịch tuỵ chứa đầy đủ các men tiêu hoá chất bột, chất đạm, chất béo. Men tiêu hoá tinh bột của tuỵ cũng là anpha – amylase, có cấu trúc giống men ptyalin của nước bọt nhưng tác dụng mạnh hơn nhiều lần. Nó tiêu hoá được cả tinh bột chín và tinh bột còn sống. Men tiêu hoá chất đạm của tuỵ bao gồm: trypsin, chymotrypsin, arboxypolypeptidase. Các men lipase của tụy giúp tiêu hoá mỡ (sau khi mỡ nhũ tương hoá nhờ muối mật). Các tế bào biểu mô của niêm mạc ruột non cũng chứa một số men tiêu hoá để phân giải chất dinh dưỡng (chất bột, chất đạm, chất béo) ở giai đoạn cuối cùng thành những phân tử đơn giản để hấp thu qua thành ruột vào máu.

 

Khi nào trẻ cần men tiêu hoá?

 

Chúng ta có thể hiểu rằng chỉ khi nào các tuyến tiêu hoá bị tổn thương hoặc giảm bài tiết (tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tuỵ, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật...), cơ thể sẽ thiếu các men tiêu hoá thì mới cần dùng men tiêu hoá. Trong những trường hợp này, bên cạnh cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn, trẻ cần cung cấp thêm một số men tiêu hoá như pepsin (men dạ dày), pancreatin (men tuỵ) hoặc phối hợp nhiều men. Trừ trường hợp bị tổn thương tuyến tiêu hoá bẩm sinh, còn thì chỉ nên dùng men tiêu hoá từng đợt 1 – 2 tuần, không nên dùng kéo dài; nếu không sẽ làm các tuyến tiêu hoá bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo làm cho đứa trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hoá.

 

Còn các loại như antibio, probio, bioacimin, lactomin… mà người dân quen gọi men tiêu hóa và tự mua về cho trẻ dùng thực ra chỉ là những chế phẩm vi sinh được làm từ vi khuẩn hoặc nấm. Khi bổ sung các men vi sinh này vào cơ thể, các vi khuẩn có lợi sẽ cạnh tranh không cho các vi khuẩn có hại bám vào niêm mạc ruột để gây bệnh cho trẻ, các vi khuẩn này còn giúp bình thường hoá tính thấm của niêm mạc ruột, ngăn ngừa táo bón do tăng cường hấp thu nước vào trong lòng ruột, giúp làm mềm phân, các vi khuẩn có lợi trong men vi sinh còn giúp các tế bào niêm mạc ruột tăng sản xuất các loại kháng thể, vì vậy có tác dụng rất tốt trong điều trị tiêu chảy do rotavirut, vi khuẩn… Khác với men enzyme, loại chế phẩm vi sinh này có thể dùng được dài ngày hơn: từ 2 – 3 tuần, thậm chí 1 – 2 tháng hoặc lúc nào trẻ tiêu chảy, táo bón, phân sống là có thể dùng được.

Cẩn trọng khi dùng

 

Việc sử dụng loại men tiêu hoá nào, số lượng, liều lượng… đều phải do thầy thuốc chỉ định và theo dõi sau khi thăm khám cụ thể. Với những trẻ bình thường có biểu hiện chán ăn, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Có thể sử dụng các thức ăn chứa men tiêu hoá tự nhiên như mầm thóc, giá đỗ… giúp làm loãng bột cháo để tăng cường tiêu hoá và hấp thu tinh bột.

 

Đối với những chế phẩm vi sinh, cần lưu ý khi cho trẻ uống, không nên pha các chế phẩm này với nước có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, hoặc pha buổi sáng uống buổi chiều, vì như thế vi sinh bị chết sẽ không có tác dụng. Khi bảo quản nên để ngăn mát tủ lạnh. Ngoài ra, có thể dùng sữa chua cũng là thực phẩm hỗ trợ tiêu hoá rất tốt, lại có tác dụng kiềm chế các vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn lên men thối trong ruột.

 

 


Theo ThS.BS Lê Thị Hải

SGTT

Chia sẻ