Lạm dụng kháng sinh - Chúng ta đang tiếp tay cho vi khuẩn kháng thuốc

Theo Sức khỏe đời sống,
Chia sẻ

Khi trả lời phỏng vấn trong buổi nhận giải Nobel y học, nhà khoa học Alexander Fleming đã cảnh báo đến viễn cảnh không vui khi vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc, ông nói: Những người lạm dụng penicillin ngày hôm nay, họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng penicillin sau này.

Kháng kháng sinh – một trò chơi nhảy cừu

Và rồi đúng như lời Fleming cảnh báo, năm 1943, penicillin được tung ra thì năm 1945, vi khuẩn kháng penicillin xuất hiện. Con người lại đi tìm những loại kháng sinh mới. Năm 1972, vancomycin được điều chế, kháng vancomycin xuất hiện năm 1988. Imipenem ra đời năm 1985 thì đến năm 1998, kháng imipenem xuất hiện. Một trong những loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, daptomycin ra đời năm 2003 thì chỉ 1 năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó.

Điều này được ví như trò chơi nhảy cừu. Thuốc ra đời, vi khuẩn kháng nó và rồi chúng ta lại đi tìm loại thuốc mới. Nhưng có vẻ như loài người đang hụt hơi khi mà một chủng vi khuẩn mới sinh ra cứ mỗi 20 phút, các công ty dược phẩm thì cần đến cả thập kỷ đế nghiên cứu một loại kháng sinh.

lam dung khang sinh
Kháng kháng sinh đang trở thành vấn đề toàn cầu chỉ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt nhưng ai cũng làm thường xuyên như vậy. (Ảnh minh họa: Internet)

Chúng ta có thể làm gì?

Trước hết, hãy nói về nguyên nhân tại sao vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. Xét dưới góc độ tế bào, nó là việc vật chất di truyền DNA của vi khuẩn được biến đổi để: tránh sự xâm nhập của kháng sinh vào chúng, giúp vi khuẩn tổng hợp enzyme gây bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh, thay đổi con đường chuyển hóa và chúng thải được kháng sinh ra khỏi tế bào.

Bỏ qua những điều phức tạp này, bạn nên biết đến chính con người đã tiếp tay cho vi khuẩn biến đổi gen của chúng. Đó là những hành động được gọi chung cái tên: lạm dụng thuốc kháng sinh.

Bạn có bao giờ dùng kháng sinh để điều trị bệnh cúm mà không biết nó gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn? Bạn có bao giờ tự ý giảm liều lượng hay thời gian điều trị kháng sinh của bác sĩ xuống một nửa mà không biết điều đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sống sót và tạo gen kháng thuốc?

Rồi khi chúng ta sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y, sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp, đó là điều kiện cho những vi khuẩn ở động vật kháng thuốc rồi ảnh hưởng tới cả con người. Sử dụng chất diệt khuẩn trong lau rửa thường xuyên cũng tạo ra những dòng vi khuẩn kháng thuốc.

Những khuyến cáo tránh lạm dụng kháng sinh

Cho tới nay, kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề toàn cầu chỉ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt nhưng ai cũng làm thường xuyên như vậy. Những giải pháp toàn cầu cũng sẽ phải được đặt ra. Có thể là chúng ta nên nghiêm cấm hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và ngư nghiệp. Thiết lập một cổng kiểm soát kê đơn kháng sinh để tránh lạm dụng bừa bãi hay xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo kháng thuốc sắp xảy ra…

Nhưng rồi đó là những điều quá to lớn và cần một nguồn tài trợ không hề nhỏ. Tại sao chúng ta không bắt đầu bằng những hành động của từng cá nhân?

Bằng cách đọc bài viết này, bạn cũng đã góp phần vào nguy cơ giảm kháng kháng sinh xảy ra trong tương lai. Nếu bạn thực sự muốn chung tay cùng nhân loại chiến đấu trong cơn ác mộng chung, dưới đây là một số khuyến cáo mà nên được thực hiện và chia sẻ với mọi người:

Đừng bao giờ tự ý sử dụng kháng sinh: ví dụ như bệnh cúm thông thường do virus, bạn có uống kháng sinh cũng không thể hiệu quả được.

Nói chuyện với bác sĩ nếu họ kê đơn kháng sinh cho bạn: hãy hỏi họ xem liệu có thể điều trị ngoài kháng sinh hay không? Và nếu bắt buộc, loại kháng sinh đó có phù hợp với cơ thể bạn?

Tuân thủ nghiêm ngặt liều và thời gian điều trị với kháng sinh của bác sĩ, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã tốt hơn hoặc đã khỏi bệnh. Giảm liều hay dừng điều trị sớm tạo điều kiện cho vi khuẩn tồn tại kháng thuốc và tái nhiễm.

Đừng tiết kiệm kháng sinh đã điều trị ở đợt trước để dùng lại. Vứt bỏ chúng, bởi lần sau có lẽ chúng sẽ mất tác dụng.

Cùng một bệnh nhưng đừng sử dụng đơn thuốc của người khác. Như đã nói không phải kháng sinh nào cũng phù hợp với bạn.

Bỏ ngay thói quen yêu cầu bác sĩ kê kháng sinh cho mình. Họ là những người có kinh nghiệm và nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm trùng, điều trị các triệu chứng với thuốc ngoài kháng sinh là đủ.

Chia sẻ