Kỳ lạ bản làng mua con nuôi

Bích Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Hiếm thấy một xã nào đặc biệt như xã vùng cao Nậm Mười (Văn Chấn, Yên Bái), trong mỗi mái nhà của người Dao nào chúng tôi bắt gặp, cũng đều phải có ít nhất 2, 3 người con nuôi.

Xuống chợ... mua con

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tới được bản làng của những người Dao nằm chênh vênh bên sườn núi, con đường độc đạo dẫn vào xã Nậm Mười lầy lội sau một cơn mưa lớn. Dù đã cài số 1, chiếc xe vẫn khó lòng leo qua được những đoạn dốc dựng đứng theo vách đá.

Bà con người dân tộc Dao ở các thôn của xã Nậm Mười thường sinh sống nhiều thế hệ trong những ngôi nhà thấp lè tè làm bằng những mảnh gỗ thông xẻ mỏng. Làm lụng vất vả, ngày ngày cuốc bộ lên nương, hay đi nhặt củi nhưng nhiều gia đình cũng cố chắt bóp tiền để “mua” con về nuôi.

Gặp một người đàn ông tên Bàn Kim Định (thôn La Háo Pành, Nậm Mười) dắt theo một con trâu đang ngồi nghỉ ở ven đường, anh thổ lộ: “vợ chồng tao lấy nhau đã 2 năm nay mà vợ tao không sinh được con, phải đi xin con nuôi thôi. Tao đi xuống núi 3 ngày nay, mới tìm được một gia đình người Thái đông con, họ đồng ý bán cho tao hai đứa, giờ tao về báo với vợ chuẩn bị trâu, gà... đem xuống cho nhà nó.”
 
 
Rất nhiều trẻ em người Dao là con nuôi.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên về tục mua con nuôi của người Dao, anh hồn nhiên nói tiếp: “cả xã này đều như tao mà, nhà nào cũng có ít nhất 2 đứa con nuôi, có nhà tận 8 đứa con nuôi. Nhà tao nghèo, chỉ có tiền mua 2 đứa thôi.”

Quả thật, câu nói của người đàn ông tên Định ngồi vệ đường không sai!

Trong mỗi nếp nhà của người Dao, tục nhận con nuôi dường như đã ăn sâu vào tiềm thức, mỗi gia đình dù sinh được con không cũng đều muốn nhận con nuôi cho vui cửa vui nhà. Dù cuộc sống của họ còn nhiều khốn khó.

“Kỷ lục gia” nhận con nuôi của xã phải kể đến gia đình bà Đặng Thị Phan (thôn Bó Sưu, Nậm Mười) bà vẫn rưng rưng nước mắt khi nhớ lại kỉ niệm đau buồn về bốn đứa con đã chết. “Nhiều năm rồi, những đứa con nuôi còn sống sót của tao cũng đã đi lấy vợ hết, tao có cháu rồi, nhưng tao vẫn buồn lắm. Tao mua 8 đứa con, 7 trai, một gái từ lúc chúng nó còn đỏ hỏn".
 
"Nhưng tao không có sữa cho chúng nó bú, nhà lại nghèo. Mấy đứa trẻ cứ khóc ngằn ngặt mấy ngày liền trên đường đi, chúng cứ khóc như thế mấy ngày liền rồi mất. Chỉ còn 4 đứa sống sót, tao nuôi chúng khôn lớn đến tận bây giờ, chỉ tại tao không có phúc, không đẻ được con, đến lúc xin được con cũng không giữ được chúng nó,” lau những giọt nước mắt lăn dài trên hốc má nhăn nheo, bà tâm sự.
 
Bản viết tay nhận con nuôi của một gia đình.

Anh Bàn Tân Thanh là gốc người Thái, được gia đình bà Đặng Thị Còi (thôn La Háo Pành, Nậm Mười) nhận về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn. Dù cuộc sống còn nhiều khốn khó, bà Còi vẫn dốc sức nuôi cậu con trai khôn lớn. “Năm 12 tuổi, tao nói cho nó biết nó chỉ là con nuôi của nhà tao. Bố mẹ đẻ nó quá nghèo, phải bán con đi, chứ cái bụng chúng đau lắm. Mỗi lần có phiên chợ huyện, tao đều cho thằng Thanh mang gạo, ngô xuống biếu bố mẹ đẻ nó. Nó là người Dao, nhưng cái gốc của nó là người Thái, nó không quên nguồn cội của mình được đâu.”

Mỗi năm, anh Thanh xuôi xuống chợ huyện, ghé thăm nhà đẻ một vài ngày, rồi trở lại Nậm Mười. Với anh, ân nghĩa nuôi nấng của những người Dao tốt bụng khiến anh một lòng theo cha mẹ nuôi, không mảy may suy nghĩ tìm về ở với gia đình bố mẹ đẻ.

Đến bây giờ, khi đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống đã bớt phần khốn khó, anh vẫn giữ ý muốn nhận thêm con nuôi. “Vợ chồng tao mới có 2 đứa con đẻ, nhưng bố mẹ tao xưa cũng nhận tao là con nuôi, tao cũng muốn nhận thêm vài đứa con nuôi nữa”. Nghĩ là thế, nhưng chuyện mua con nuôi giờ cũng không dễ như xưa. Chuyện này mấy ngày nay làm anh Thanh suy nghĩ đau đầu lắm.

Tục lệ khó bỏ

Tục nhận con nuôi của người Dao như một truyền thống, kéo dài từ nhiều năm nay. Nhất là vào những năm 1950, 1960. Tính cả xã có hơn 500 hộ gia đình người Thái, người H'Mông, Dao... nhưng chỉ tính riêng những gia đình người Dao nhận con nuôi cũng chiếm đến 60%. Con số này là con số thống kê chưa  chính xác.

Tập tục lạc hậu và vấn đề hôn nhân cận huyết khiến nhiều gia đình người Dao khó có thể sinh nhiều con cháu như những người dân tộc Thái, H'Mông. Họ chọn cách mua con về nuôi, nhưng chỉ chọn mua con của người Thái.

Ngày đó, vợ nó giục tao xuống chợ mua con, tao đi 2 ngày mới tới chợ huyện, chợ huyện đông lắm, tao thấy có mấy người Thái dẫn theo một đàn con đông đến 7, 8 đứa liền sán lại hỏi mua. Nó đồng ý bán cho tao 3 đứa  con vì chồng nó đang cần tiền hút thuốc phiện, nhà nó cũng nghèo lắm, ăn chẳng đủ no. Tao mừng cái bụng hẹn nó ngày hôm sau quay lại, rồi về nhà chọn ngày tốt dắt theo một con trâu sừng dài hơn một gang tay, một đôi gà và bao ngô xuống đổi con,” ông Bàn Kim Hưng, một gia đình người Dao nhận 3 đứa con nuôi cho biết.
 
Bà Phan đau buồn khi kể lại những chuyện đau lòng về những đứa con

Nhà người Thái đông con lắm, nhưng cả làng nó muốn bán con. Chồng chúng nó đứa nào cũng nghiện thuốc phiện, có đứa còn dắt con xuống chợ rao bán. Tao chỉ cho mấy người cùng thôn đến mua con ở chợ, mấy đứa trẻ còn nhỏ, cứ khóc ngằn ngặt vì đói, nhưng bố mẹ chúng nó không cho ăn, tiền còn dành để mua thuốc phiện. Tao thương lắm, muốn mua hết lũ trẻ về nuôi.”

Cuộc sống với gia đình anh Hưng không phải khá giả, hàng ngày vợ chồng anh cật lực làm nương rẫy để  kiếm miếng cơm cho 7 miệng ăn trong gia đình, cho 5 đứa con cả đẻ, cả nuôi. “Đã là con của người Dao, thì con nuôi cũng như con đẻ, không phân biệt. Tính người Dao chúng tao là thế, nên đến tuổi lớn, con nuôi đều được cho biết gốc tích của mình, nhưng chẳng đứa nào tìm về  với gia đình đẻ làm gì,” anh cho hay.
 
Bà Đặng Thị Còi cũng là con nuôi của người Dao, chính bà cũng nhận con  của
người Thái về làm con nuôi của mình

Tại xã Nậm Mười, có khá nhiều những đứa trẻ người Kinh được mua về làm con nuôi của người Dao. Câu chuyện cảm động sau bao năm trời lưu lạc, gia đình xa cách vẫn được những người dao ở thôn La Háo Pành kể lại đầy hấp dẫn:

Ngày đó, từ lâu lắm rồi, bà Còi (Đặng Thị Còi) chính gốc người Kinh, quê ở Thái Bình bị bắt làm con nuôi. Lúc đó mới 5 tuổi, một người trong làng đem bế bà bán cho người Dao. Trong trí nhớ non nớt của một đứa trẻ, bà vẫn hồi tưởng về quê hương của mình. Một hôm, vào mùa thu năm 1997, có một hội thợ mộc miền xuôi lên đóng giường, tủ, bà Còi thiết tha nhờ những người này về Thái Bình tìm, nhắn tin giúp cho bà. Cuộc tìm kiếm tưởng chừng như mò kim đáy bể, vì sau bao biến thiên của cuộc sống, dấu tích cũ  nay đã không còn.

Rất may, trong quá trình kiếm tìm, người thợ mộc dưới xuôi gặp một khuôn mặt hao hao giống bà Còi, đó là ông cụ tên Biền (Kiến Xương, Thái Bình), vết chàm bên mang tai đã khiến ông cụ nhận ra cô con gái lưu lạc sau bao năm trời xa cách.

Cuộc gặp mặt của hai mái đầu bạc rưng rưng nhiều nước mắt, bố con cứ thế nhìn nhau, nước mắt lặng lẽ tràn đầy trên gương mặt nhăn nheo. Nhưng dù tìm được nơi chôn rau cắt rốn của mình, thì bà Đặng Thị Còi vẫn không mảy may suy nghĩ, bỏ mái nhà gỗ thông thấp lè tè để về dưới xuôi.

Người Dao tốt bụng lắm, đói cơm thì có củ, bố mẹ nuôi tôi chẳng để tôi phải nhịn đói bao giờ, họ đối với tôi  như con đẻ vậy. Có lẽ  vì thế mà tôi cũng như nhiều đứa con nuôi khác, sẽ sinh sống đời đời ở đây, sống làm con người Dao, chết cũng làm con ma của người Dao thôi.
 
Gia đình anh Định.

Người Dao ở Nậm Mười vẫn thường nói với nhau “lũ lụt dâng nhanh như thác dữ nhưng lòng người đừng dâng nhanh như lũ dữ”, câu ngạn ngữ đó là điều mà mỗi người Dao đều tâm niệm, họ coi con nuôi cũng như con đẻ, nhận nhiều con nuôi thì càng có nhiều người nối dõi.

Một chiều muộn, hoàng hôn hoang hoải núi đồi, đứng trên đồi quế nhìn xuống những mái nhà của người Dao... một cảm giác bình yên chợt ùa tới. Sau một ngày làm nương khó nhọc, họ quây quần quanh mâm cơm đạm bạc, chỉ có độc một ít cơm độn với sắn, canh măng rừng... nhưng hạnh phúc lúc nào vây quanh những ngôi nhà nhỏ.

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!
Chia sẻ