Không tiền, chồng cho vợ "nhịn" luôn cả sex

,
Chia sẻ

Mỗi khi công việc làm ăn thất bại, Thao lại tự trừng phạt bằng cách ngừng hẳn chuyện quan hệ tình dục. Chồng nhịn, vợ không tội tình gì cũng bị "đói" theo.

Vợ chồng Thao và Hoa (ngõ 68, Thụy Khuê, Hà Nội) vẫn ngủ chung một giường nhưng không “động chạm” gì đến nhau cả nửa năm nay. Lý do là Thao “tự trừng phạt” vì không kiếm được tiền về cho vợ.
 
Là thầu xây dựng, mấy năm trước Thao làm ăn khá thuận lợi, có thể cho phép gia đình chi tiêu thoải mái, dư dả. Nhưng mấy năm gần đây, công việc làm ăn bị thua lỗ, Thao lại không nhận thêm được hợp đồng nên chỉ ngồi nhà. Tài chính gia đình phụ thuộc vào lương giáo viên và các khoản dạy thêm của Hoa nhưng khéo léo thì vẫn đủ. Có điều Thao từ ngày phải ngồi nhà lại thay đổi tính nết, khó tính hơn và đặc biệt là hay dỗi vợ con.
 

"Tự trừng phạt" vì không kiếm được tiền về cho vợ



Hoa đi chợ mua đồ ăn ngon về, Thao không thèm đụng đũa với lý do “không làm ra tiền nên không ăn”. Sinh nhật Thao, Hoa mua tặng chồng bộ đồ lót xịn để thể hiện sự quan tâm, nhưng vừa đưa ra, Thao đã ngúng nguẩy: “Tôi có làm ra tiền đâu mà dám mặc những thứ đắt tiền như thế này”. Không chỉ thường xuyên “gây” với vợ những chuyện đó, Thao còn “kiêng” luôn cả chuyện chăn gối. Nhiều lần Hoa cố tình ôm lấy chồng để “gợi ý” nhưng Thao vẫn lạnh lùng quay mặt đi.
 
Lâu dần, Hoa rất mệt mỏi vì sự trái tính trái nết của chồng, ngay cả các con cũng bị ảnh hưởng vì không khí nặng nề của gia đình. Nhiều người biết chuyện xui ly dị, nhưng Hoa vẫn yêu Thao, nghĩ chẳng lẽ chỉ vì thế mà bỏ chồng. Tuy nhiên, cô không biết làm thế nào để thay đổi cách nghĩ tiêu cực của anh như hiện nay.

Mệt vì dỗ chồng

Đang mang bầu đứa con thứ hai, đã mệt mỏi vì bị ốm nghén, Phượng lại còn oải thêm vì luôn phải… dỗ chồng. Lý do là Vũ luôn tự ti, chỉ cần ai đó nói động đến là cục tự ái to đùng của anh lại nổi lên. 

Vũ làm nhân viên trong cơ quan nhà nước đã hơn chục năm, bạn cùng lứa đều đã thăng chức, không trưởng, phó phòng cũng phải chuyển đổi ban nọ ban kia. Riêng Vũ từ ngày đi làm vẫn ngồi yên một chỗ với chức danh nhân viên quèn vì năng lực có hạn. Chính vì thế, Vũ mang tâm lý mặc cảm, tự ti, không muốn tiếp xúc với mọi người và bất mãn, hậm hực với những đồng nghiệp khác.

Về nhà, Phượng chính là nơi Vũ trút cơn ấm ức, bực bội trong lòng. Chỉ cần một câu nói bâng quơ của Phượng là Vũ liền kết tội ngay cho vợ là “coi thường chồng”, “chê chồng”. Vì thế nói bất cứ câu gì, Phượng cũng phải nhìn trước ngó sau, uốn lưỡi bảy lần, thành ra vợ chồng mà cứ phải “giữ miếng” với nhau như đối thủ.  Có hôm đi chợ về, Phương vô tình bình luận bâng quơ với chồng: “Dạo này giá cả lên nhanh thế, mớ rau muống mà cũng đắt gấp rưỡi rồi”. Thế mà Vũ cũng nổi xung: “Vâng! Tôi vô dụng, không làm ra tiền cho cô mua nổi mớ rau muống”.
 

Nhiều ông chồng mặc cảm vì kiếm được ít tiền hơn vợ



Lần khác, Phượng nói mãi Vũ mới đồng ý cùng đến tiệc đầy tháng con một người bạn thân. Bữa tiệc đang vui vẻ, mọi người vừa chúc mừng vừa trêu vợ chồng người bạn là sinh hai con gái sẽ giàu và dễ lên sếp. Người bạn cũng quay sang bảo vợ chồng Vũ phải phấn đấu được như thế. Nghe xong Vũ lập tức quay ngay đi chỗ khác, không thèm cụng ly với người nói câu đó. Vũ hằm hằm bắt Phượng về sớm vì cho rằng bạn bè cô cố tình “xỏ xiên” mình. 

Cách đây ít hôm, Phượng hồ hởi về nhà thông báo là mình vừa được sếp đưa vào vị trí phó phòng, tưởng sẽ nhận được một câu chia vui của chồng. Nhưng Vũ dội ngay một gáo nước lạnh: “Cô thì tài rồi, đâu như thằng chồng vô dụng này”. Phượng cụt hứng, đứng ngây ra một hồi giữa nhà.

Những trường hợp như gia đình Phượng và Hoa không phải là ít gặp. Giải thích điều này, các chuyên gia tâm lý cho biết dù xã hội đã khá bình đẳng nhưng quan niệm chồng phải là trụ cột tài chính vẫn được đa số đàn ông “nằm lòng”. Do đó nếu không kiếm được tiền mang về hay kiếm được ít hơn vợ, họ sẽ cảm thấy “lép vế”, sợ bị chê là bất tài, bám váy vợ, không đáng mặt đàn ông. Họ không chấp nhận được việc mình thua kém vợ nên dẫn đến thái độ, hành động tiêu cực.

Với những trường hợp này, người vợ cần cư xử hết sức tế nhị, khéo léo để tránh động chạm đến “vấn đề nhạy cảm” của chồng. Nên quan tâm chăm sóc chồng chu đáo, gần gũi tâm sự, sẻ chia để giúp chồng vượt qua giai đoạn khó khăn, dần lấy lại được cân bằng. Tuyệt đối không nên than thở, trách móc hay đem chồng ra để so sánh với những người đàn ông khác.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ