Không khí Tết Hàn thực trong cái rét bất ngờ ở Hà Nội

Mây Trinh, ảnh Nguyenvuong,
Chia sẻ

Hôm nay (24/3) trùng với ngày 3/3 Âm lịch là Tết Hàn thực. Bây giờ, còn rất ít gia đình tự làm bánh trôi bánh chay nên từ sáng sớm, mọi người đã tranh thủ đi mua bánh để về thắp hương.

“Trung tâm” của hàng bánh chay, bánh trôi của Thủ đô nằm ở khu vực chợ Hôm và phố cổ. Nguyên liệu chính để làm hai loại bánh là gạo nếp, đỗ, đường, … Bánh trôi ở Hà Nội “điệu” hơn bánh các nơi khác vì có sự kết hợp vị bùi bùi của đỗ, dẻo dẻo, thơm thơm của nếp với mùi thơm của hoa bưởi lẫn với bột sắn dây. Bánh đẹp hơn với những hạt vừng rang vàng ươm, rắc chút dừa nạo lên trên.

Để chuẩn bị cho Tết Hàn thực năm nay, cô Tuyết (ở số nhà 82 Hàng Điếu) đã phải chuẩn bị mọi thứ trước một tuần: chọn gạo nếp, xay bột, mua hộp để đựng cho khách. Còn cô Hòa, một người làm bánh trôi lâu năm tại phố Hàng Điếu chia sẻ: “Bình thường thì chỉ có mình tôi làm bán cho khách ăn sáng. Hôm nay, dịp lễ phải có thêm 2 người phụ nữa.” 

Mới sáng sớm nhưng cửa hàng 16 Ngô Thì Nhậm đã tấp nập người đứng xếp hàng chờ mua bánh. Chị Mai (Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay đông quá nên phải xếp hàng chờ lâu”. Anh Ân, con trai của chủ của hàng cho hay: “Ngày thường, ở đây bán chè và chỉ có 5 người làm. Nhưng vào dịp này thì phải huy động hết anh em, con cháu trong nhà phụ giúp mà vẫn không đáp ứng được hết. Cả gia đình thức dậy từ lúc 2h sáng để chuẩn bị. Hôm nay nhà tôi làm số lượng gấp 20 lần ngày bình thường”.

Ở phố Hàng Điếu, giá cho một cặp gồm 1 đĩa bánh trôi và 1 đĩa bánh chay, giá vào khoảng 25.000 đồng. Còn ở Ngô Thì Nhậm, 10 chiếc bánh chay có giá khoảng 30.000 đồng.

Năm nay, tết Hàn thực rơi vào đúng đợt rét nàng Bân, lại là ngày cuối tuần nên không khí rất thú vị, mặc dù cũng ít người dân Tràng An tự tay làm bánh.

Nguồn gốc của Tết Hàn thực xuất phát từ điển tích về trung thần Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong 19 năm trời cùng nhau nếm trải bao nhiêu hiểm nguy. Về sau, Tần Văn Công giành được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người đã từng phò tá mình nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mùng 3 tháng 3 đến mùng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).

Bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng Tết Hàn thực của Việt Nam lại mang một ý nghĩa rất khác và mang đậm đà những nét riêng của dân tộc, đồng thời cũng phù hợp với tâm lý và cuộc sống của người Việt đấy. "Hàn thực" nghĩa là "đồ ăn lạnh", theo phong tục Trung Quốc, người dân phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn. 

Còn người Việt thì không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện. Vào ngày này, teen hay thấy bố mẹ, ông bà xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè... Thế nên, tết Hàn thực còn có một cái tên khác rất "Việt Nam": Tết bánh trôi bánh chay.

Một số hình ảnh không khí Tết Hàn thực ở phố cổ và khắp Hà Nội:






Bột trắng nặn bánh cho vào nồi nước sôi, khi bánh nổi lên, 
vớt xếp vào đĩa, rắc vừng ... Đây là công việc nặn bánh trôi.


Bát bánh chay hấp dẫn.









Hôm nay thời tiết lạnh nhưng khá dễ chịu. Mọi người vẫn phải mặc áo ấm khi ra đường mua bánh trôi bánh chay.


Xếp hàng mua bánh ở cửa hàng bánh khá nổi trên phố Ngô Thì Nhậm trong cái rét nàng Bân.

Vội vã mang bánh đi đến nỗi "quên" cả đội mũ bảo hiểm...










Cả gia đình làm bánh trôi, bánh chay. Hình ảnh này bây giờ rất hiếm gặp tại Hà Nội.






Thời buổi hiện đại, cuộc sống năng động, người ta chuộng những bát bánh được sản xuất hàng loạt như thế này.


Đĩa bánh trôi bánh chay trên bàn thờ Tổ Tiên.
Chia sẻ