Không khí ở các thành phố lớn ô nhiễm đến mức có thể gây tổn thương cho trẻ em và người lớn: Đã đến lúc phải hành động

Bảo Bình,
Chia sẻ

Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ Số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, ở TP . Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn.

Với tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong tương lai, nếu chúng ta không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời.

Chất lượng không khí đang tấn công mỗi người

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ trung bình năm của PM2.5 (bụi siêu mịn) ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28mg/m, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10mg/m. Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.

Tình trạng chất lượng không khí ở các thành phố lớn: đã đến lúc phải hành động - Ảnh 1.

Các chất gây ô nhiễm không khí xuất phát từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là các nhà máy điện (SO2); hoạt động giao thông đường bộ và nấu ăn trong nhà (NO2, CO2); phản ứng hóa học giữa ô nhiễm tự nhiên, giao thông và công nghiệp trong ánh sáng mặt trời mạnh (O3); các hạt rắn hoặc giọt chất lỏng trong không khí, chủ yếu từ giao thông đường bộ (bụi mịn – Particulate).

Theo báo cáo của TS. Trần Ngọc Đăng (Khoa YTCC, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh) thì: "Với tác động của ô nhiễm không khí, con người sẽ phải hứng chịu các nguy cơ suy giảm hô hấp (tắc nghẽn đường dẫn khí, viêm phổi, dễ nhiễm trùng,…); hệ tim mạnh hoạt động khó khăn hơn vì phải tiếp nhận các chất ô nhiễm, chất ô nhiễm gây kích thích thần kinh làm thay đổi nhịp tim dẫn đến rối loạn nhịp tim và có thể tử vong, viêm trong phổi cũng có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho cơ tim. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ em cũng chịu tác động lớn từ ô nhiễm không khí như: ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất ở trẻ em".

Làm gì để ứng biến với chất lượng không khí

Việc đưa ra cảnh báo từ chính quyền cho người dân khi chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) tăng cao đóng vai trò rất quan trọng để người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ và các trường học có biện pháp ứng phó kịp thời, vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ ô nhiễm không khí.

Tình trạng chất lượng không khí ở các thành phố lớn: đã đến lúc phải hành động - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Cát Tường (Quản lý dự án của Tổ chức CHANGE) chia sẻ: "Tại Thái Lan, chính quyền Bangkok đã đóng cửa 400 trường học vào đầu năm nay khi chỉ số AQI lên mức đỏ, gần mức tím. Vậy Chính phủ và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường có nên cảnh báo người dân hạn chế ra đường và đóng cửa trường học hay không khi chúng ta cũng đang gặp tình trạng tương tự tại Hà Nội?".

Riêng mỗi gia đình, cũng đã chủ động trong việc ứng biến với chất lượng không khí kém. Chị Nguyễn Hạnh (Hà Nội) đã trang bị máy đo chất lượng không khí, máy lọc không khí ngay trong nhà mình vì theo chị: "Nhà mình có bé 4 tuổi, ngoài lúc đến trường thì bé ở nhà, mình cần đảm bảo không khí ở nhà thật tốt cho bé. Nhiều lúc máy báo chất lượng không khí cứ nhảy ở mức cảnh báo mà mình sốt hết cả ruột, lúc đó máy lọc không khí ở nhà mình chắc chắn phải làm việc hết công suất rồi".

Ngoài ra, các gia đình có thể cải thiện chất lượng không khí bằng cách trồng cây xanh như lưỡi hổ, tuyết tùng, lan ý, dương xỉ, trầu bà, nha đam,… Các loại cây này dễ trồng và có thể giảm các chất làm ô nhiễm không khí, giảm đau đầu, hấp thụ các chất phóng xạ,… Khi ra đường, mỗi người đừng quên đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn (N95, N99, N100) để lọc bụi và khí gây hại.

Chia sẻ