Khổ sở với phường trộm cướp

Lan Vũ,
Chia sẻ

Phường trộm cướp sau khi móc túi, giật đồ và "cuỗm" hết tài sản còn thêm chiêu trò đòi tiền khổ chủ mới cho chuộc lại.

Đòi tiền cũng lắm chiêu trò

Dân móc túi, cướp giật nhiều khi không chỉ khiến người dân khổ sở vì bị mất tiền, đồ... mà còn làm “nạn nhân” lao đao vì những yêu sách, thủ đoạn sau khi chiếm đoạt tài sản...

Mục tiêu của những tên trộm, cướp đường phố thường là ví, là túi xách của người đi đường. Trong ví, túi luôn có tiền, giấy tờ tùy thân, giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe... , chính vì thế, sau khi “móc” ví, “giật” túi, cuỗm sạch cả số tiền trong đó thì chúng còn có thêm một chiêu trò khác là tìm cách liên hệ lại với khổ chủ và gợi ý cho chuộc lại giấy tờ.

Anh Q. Hưng (Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội) than thở kể: “Vợ mình đang trên đường đi làm về thì bị hai tên đi xe máy phóng qua, giật mất cái túi xách khoác ở vai. Trong đó có điện thoại và cái ví. Hôm sau, có một tên gọi điện đến hỏi mình có muốn lấy lại giấy tờ không? Hóa ra chúng nó lấy số điện thoại của mình trong danh bạ điện thoại của vợ để gọi lại”. Cùng rơi vào hoàn cảnh oái oăm trên, chị V. Lan - sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội kể: “Mình đi chợ sinh viên ở Cầu Giấy, bị móc trộm ví tiền, vài hôm sau thấy đứa bạn bảo là có người đăng trên diễn đàn trường mình là có nhặt được giấy tờ của mình, liên hệ qua số điện thoại... thì cho chuộc lại. Trong ví có thẻ sinh viên, nên chúng mới biết mình học Sư Phạm mà “mò” lên diễn đàn trường”.


Hình minh họa.

Được voi đòi tiên

Khi đang cần tới giấy tờ hoặc nghĩ tới việc đi làm lại rắc rối và phiền phức, hầu như người nào cũng buộc phải liên hệ lại với chính kẻ lấy trộm, cướp của mình để thỏa thuận việc chuộc lại giấy tờ. Và khi đó, những kẻ này đã “lợi dụng” tình thế để “hét” những “cái giá” trên trời, thường là từ 500.000 đồng trở lên. Nhiều người đã phải ngậm ngùi đưa số tiền ấy mà không giấu nổi sự bức xúc. Chị V. Lan nói: “Mình đi làm lại thẻ ATM để rút tiền, nhưng ngân hàng đòi hỏi phải có CMT trong khi CMT cũng mất rồi, thế là đành chịu. Rồi đi đường mà không có giấy tờ xe, lúc gặp cảnh sát giao thông thì sợ lắm. Trong túi mình khi đó chỉ còn 100.000 đồng, mình nhắn tin lại nói ngọt nhạt với hắn rằng cầm tạm 100.000 đồng coi như “cảm ơn vì đã nhặt được” rồi cho mình xin lại, nhưng không thấy hắn nhắn lại gì. Cuối cùng đành vay bạn đủ 500.000 đồng để chuộc lại giấy tờ, bực lắm nhưng thôi, coi như là tiền để mua bài học về sự cẩn thận”.

Thủ đoạn của những tên trộm, tên cướp này là khi liên hệ với người mất và gợi ý cho chuộc lại giấy tờ, chúng luôn nói rằng nhặt được ở đâu đó, khiến người mất biết chắc rằng đó là người đã lấy trộm, đã cướp của mình nhưng vì không có bằng chứng nên không thể làm gì được, ngay cả việc nhờ Công an can thiệp. Việc liên hệ gặp để thỏa thuận chuộc lại với những tên này cũng chẳng dễ dàng gì. Hầu như chúng hẹn rồi lỡ hẹn năm lần bảy lượt để đảm bảo rằng người mất thực sự cần và muốn lấy lại giấy tờ, từ đó, chúng càng có cơ hội để “làm cao”. Hơn nữa, khi gặp được để thỏa thuận, chúng cũng không bao giờ mang theo giấy tờ đi luôn, bởi sợ rằng sẽ bị “phục kích” và bị lấy lại giấy tờ mà không nhận được một đồng tiền chuộc nào. Khi “tiền trao tay” rồi, chúng mới mang giấy tờ tới để trả.

Những tên trộm, cướp hiện nay đã ngày càng biết cách “kiếm chác” nhiều hơn từ “nghề” của mình. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên biết tự bảo vệ đồ của mình, để không rơi vào cảnh lao đao với những chiêu trò xảo quyệt của dân trộm, cướp này.


 
Nhanh tay khoe những bức ảnh cưới tuyệt đẹp và hạnh phúc ngọt ngào của bạn được chụp tại khắp các vùng miền tại www.anhcuoi.afamily.vn. Xem hướng dẫn chi tiết về thể lệ cuộc thicách up hình tại đây. Bật mí: giải thưởng cực hot đấy nhé!


Chia sẻ