Khi vết thương thuở nhỏ không lành

,
Chia sẻ

Ở Mỹ có những ngôi sao ca nhạc - điện ảnh bị bạo hành từ nhỏ. Dù đắm trong vinh quang danh vọng khi trưởng thành nhưng những cơn ác mộng quá khứ chưa bao giờ thôi ám ảnh họ.

 

Lindsay Lohan: từ ngôi sao trở thành con nghiện - Ảnh: Reuters

Vua nhạc pop Michael Jackson, nữ diễn viên nổi danh một thời Lindsay Lohan, 23 tuổi và ngôi sao nhạc R&B Chris Brown, 21 tuổi, là những nạn nhân nổi tiếng của tình trạng bạo hành gia đình. Những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn từ khi còn nhỏ đã khiến họ nhiều lần đi lạc đường, tự hủy hoại cuộc sống của chính mình, thậm chí đã phạm tội và gây tổn thương những người khác.

Chịu đòn roi từ nhỏ

Năm 1968, Michael Jackson và ban nhạc nhí The Jackson 5 bắt đầu quyến rũ cả thế giới và ông Joseph Jackson, cha của Michael, là "kiến trúc sư” tạo nên thành công đó. Nhưng khi đó ít ai biết rằng Joseph Jackson đã đánh đập các con mình một cách tàn nhẫn để huấn luyện chúng biểu diễn. Năm 1993, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Oprah Winfrey, Michael lần đầu tiết lộ quá khứ đầy kinh hoàng của mình.

Khi đó, ông Joseph Jackson thường xuyên chửi bới và dùng roi để dạy dỗ các con. Marlon Jackson, anh trai của Michael, kể có lần Joseph đã “tóm một chân Michael khiến Michael lộn đầu xuống đất, và liên tục đánh vào lưng, mông Michael”. Có một đêm, khi Michael đang ngủ, ông Joseph đeo mặt nạ quỷ chui qua cửa sổ vào phòng anh gào thét, dọa nạt Michael với mục đích “dạy cho các con không bao giờ mở cửa sổ khi ngủ”.

Michael tâm sự khi còn nhỏ anh thường xuyên khóc vì cô đơn và sợ cha đến nỗi thỉnh thoảng khi nhìn thấy ông, anh lập tức bị nôn mửa. “Khi chúng tôi luyện tập, ông ấy ngồi trên ghế, tay cầm một chiếc thắt lưng da - Michael kể lại trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 2003 - Nếu chúng tôi không diễn đúng, ông sẵn sàng xé xác chúng tôi ra”.

Tương tự Michael, Chris Brown cũng nhiều lần bị đánh đập khi còn nhỏ. Cha mẹ Chris Brown ly thân khi anh mới 7 tuổi, và mẹ anh tái hôn với một người đàn ông bạo lực. Tháng 2-2006, khi sự nghiệp mới phát triển, Chris Brown từng tiết lộ trên MTV News là mẹ anh thường xuyên bị người chồng thứ hai hành hạ. Tháng 12-2007, Chris Brown một lần nữa tiết lộ bí mật gia đình trên tạp chí Giant Magazine.

Suốt từ năm 7 tuổi đến 13 tuổi, Chris Brown chứng kiến cha dượng hành hạ mẹ. “Ông ta thường đánh mẹ tôi - Chris Brown kể - Ông ta làm tôi sợ đến nỗi có lần tè cả ra quần. Tôi nhớ có lần ông ta đánh mẹ tôi chảy máu mũi. Tôi đã khóc và nghĩ sẽ có ngày tôi cho ông ta biết tay. Đến giờ tôi vẫn còn căm ghét ông ta”. Đến năm 11 tuổi, Chris Brown đã khiến mẹ mình kinh hoàng khi tuyên bố sẽ vào tù năm 15 tuổi vì tội giết gã cha dượng bạo hành. “Con chỉ muốn nói rằng con rất yêu thương mẹ - Chris Brown kể lại về chính mình khi đó - Nhưng sẽ có ngày khi mẹ đi làm, con sẽ lấy một chiếc gậy bóng chày và đập chết lão ta”.

Cuộc sống của Lindsay Lohan thuở nhỏ cũng là một cơn ác mộng. Cha mẹ ly dị khi cô mới 3 tuổi, quay trở lại với nhau, rồi lại ly dị. Người cha Michael Lohan, một cựu giao dịch viên Phố Wall, từng vào tù nhiều lần vì tội lừa đảo tài chính. Nói về cha mình, Lindsay mô tả: “Cha tôi là một tên điên và không xứng đáng với chức bố, bởi ông ta chưa bao giờ làm gì có ích cho cuộc đời chúng tôi ngoài việc đe dọa chúng tôi. Ông ta thường xuyên đánh đập và chửi mắng chúng tôi, do đó ông ta xứng đáng ngồi sau song sắt”. Lindsay kể nhiều lần em gái cô đã gọi điện cho cô trong nước mắt và hỏi: “Tại sao bố lại làm như vậy?”.

Chris Brown khi ra hầu tòa hồi tháng tám - Ảnh: Getty Images

Vòng bạo hành luẩn quẩn

Cuộc đời của Michael Jackson là một bi kịch lớn. Ông vua nhạc pop bắt đầu liên tục thay đổi màu da và diện mạo bản thân từ cuối thập niên 1970. Gương mặt của anh ngày càng trở nên trắng nhợt và dị dạng, thân hình càng lúc càng gầy gò, kéo theo đó là những xìcăngđan. Năm 1993, Michael bị cáo buộc lạm dụng tình dục một cậu bé 13 tuổi tên Jordan Chandler, buộc công ty bảo hiểm của Michael phải giải quyết vụ việc ngoài tòa án bằng 22 triệu USD.

Khi đó danh tiếng của vua nhạc pop sụt giảm thảm hại. Đến năm 2003, Michael Jackson một lần nữa bị cáo buộc lạm dụng tình dục cậu bé Gavin Arvizo, 13 tuổi. Dù trắng án, nhưng trong suốt hai năm kiện tụng Michael Jackson sụt cân nghiêm trọng, thân hình trở nên gầy trơ xương và bắt đầu nghiện loại thuốc giảm đau pethidine.

Còn Lindsay Lohan thì từ một diễn viên trẻ đầy triển vọng đã rơi vào tình trạng nghiện ngập ma túy. Đầu năm 2007, khi quay phim I know who killed me (Tôi biết ai giết tôi), cô đã phải vào trại cai nghiện. Sau đó cô phải rút khỏi bộ phim A woman of no importance (Người phụ nữ không quan trọng) do “cần hồi phục sức khỏe”.

Với I know who killed me, Lindsay nhận hai giải Mâm xôi vàng vì diễn xuất tồi tệ. Khi được chọn đóng phim Poor things, cô liên tiếp hai lần phạm tội lái xe khi say xỉn và bị đá khỏi dự án này. Các chuyên gia Hollywood nhận định Lindsay khó có thể kiếm được những vai diễn mới nếu cô không cai nghiện hoàn toàn và sống lành mạnh. Từ đó đến nay, dù cũng xuất hiện trong một vài phim, nhưng Lindsay Lohan chủ yếu là đề tài cho các tờ báo lá cải khai thác.

Trong khi đó Chris Brown vẫn đang ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng danh tiếng bị hoen ố nghiêm trọng khi hồi tháng 2-2009, anh thẳng tay đánh đập cô bạn gái là nữ ca sĩ R&B Rihanna. Ngày 5-3-2009, Chris Brown chính thức bị buộc tội bạo hành, và đến 22-6 anh ta nhận tội. Đến tháng 8, Tòa án Los Angeles tuyên án Chris Brown 5 năm tù treo, 6 tháng lao động công ích và phải luôn tránh xa Rihanna ít nhất hơn 90m. Sau đó, Chris Brown đã công khai xin lỗi Rihanna và “thừa nhận mọi trách nhiệm”.

Nhận xét riêng về trường hợp của Chris Brown, chuyên gia Sheryl Cates - giám đốc đường dây nóng bạo hành gia đình - nhận định trong tiềm thức anh ta đã bắt chước những hành vi của cha dượng.

“Đó là hành vi học lại - bà Cates cho biết - Đó là niềm tin rằng tôi có quyền làm tổn thương những người tôi yêu. Trong trường hợp với Rihanna, rõ ràng Chris Brown đã làm giống cha dượng là muốn kiểm soát”. Các chuyên gia tâm lý cho biết các hành vi bạo hành gia đình thường trở thành xu hướng kéo từ đời này sang đời khác.

“Một trong những thông điệp mà chúng ta có thể nói với những người bạo hành là bạo lực không phải là giải pháp và nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể thay đổi bản thân - chuyên gia Cates khẳng định.

Ảnh hưởng của bạo hành gia đình

Bạo hành gia đình dẫn tới nhiều ảnh hưởng, trải rộng từ tâm lý đến thể chất của nạn nhân. Nhiều trường hợp hành vi bạo lực dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Bạo lực gia đình thường là nguyên nhân khởi phát trầm cảm và rối loạn stress, đặc biệt là ở trẻ em - đối tượng nhạy cảm hơn. Những trẻ gái sống trong môi trường bạo lực, khi trưởng thành khó đặt niềm tin vào người đàn ông khác và thường gặp trắc trở trong tình yêu. Họ có niềm hoài nghi quá mức với đối tượng khác giới, lý do bắt nguồn từ việc chứng kiến hành vi bạo lực của cha đối với mẹ hoặc với bản thân. Các trẻ trai về sau này có thể bắt chước các hành vi bạo lực với người vợ trong tương lai.

Theo Wikipedia

Các hình thức bạo hành

Bạo hành thể xác: những hành vi như đá, đấm, tát... tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, bố mẹ và con cái hoặc con cái và bố mẹ già.

Bạo hành tình dục: ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. Hành vi loạn luân giữa cha và con gái hoặc mẹ và con trai, giữa anh chị em... cũng được xếp vào loại này.

Bạo hành tinh thần: chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài...

Bạo hành xã hội: ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.

Theo Wikipedia

275 triệu trẻ em sống trong cảnh bạo lực gia đình

Theo Unicef, hiện có khoảng 275 triệu trẻ em đang sống trong cảnh bạo lực gia đình, phải chịu đựng sự bóc lột về thể chất, tinh thần và cả tình dục của cha mẹ hoặc người giám hộ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp sáu lần mẹ đánh), bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%.

(Số liệu đưa ra tại hội thảo “Bạo hành trẻ em trong gia đình và nhà trường” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Trung tâm tư vấn FDC tổ chức tháng 5-2009)

 
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ