Khi công sở méo mặt với “sếp bà”

Zin,
Chia sẻ

Hàng ngày đi làm, chị em phải đối diện với hàng đống áp lực. Và đôi khi, có những áp lực không nhỏ đến từ phía “sếp bà”.

“Sếp bà” không chỉ những người lãnh đạo là đàn bà, mà là chỉ vợ của người lãnh đạo. Với nhiều cơ quan, ý kiến của người “buông rèm nhiếp chính” còn có giá trị hơn nhiều so với người đang ngồi ở vị trí oai phong nhất kia, bởi lẽ “lệnh ông không bằng cồng bà”.

Một năm: đủ 5 ngày lễ

Đi làm, ngoài việc lo làm tròn phận sự của mình, nhiều khi dân công sở phải tinh tai, tinh mắt, khéo léo để có thể lấy lòng sếp ông, sếp bà. Có như vậy, công việc của họ mới có thể xuôi chèo mát mái, thuận lợi êm xuôi.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (nhân viên kế toán) chia sẻ: “Mình làm việc trong một công ty tư nhân nên nhiều khi mệt mỏi lắm. Ông chồng là người ngồi ghế giám đốc, nhưng quyền hành trong công ty lại hoàn toàn thuộc về bà. Một năm, đám nhân viên buộc phải nhớ đủ 5 ngày lễ: sinh nhật, mùng 8/3, 20/10, Tết, 1/6. Tuy nhiên, số quà không phải chỉ 5 là đủ. Vì nhà sếp có tất cả 4 thành viên nên phải nhớ đủ cả 4 cái sinh nhật. Gần đến ngày gì là mấy chị em lại phải nhấm nháy nhau kẻo quên”.

Dân công sở đôi khi phải khốn khổ vì "sếp bà".


Còn “khủng khiếp” hơn hoàn cảnh của chị Ngọc Anh, chị Hoàng Yến (nhân viên hành chính) cho biết: cơ quan chị không chỉ phải nhớ ngày lễ để tặng quà sếp bà, mà quà còn phải tuân theo tiêu chí ba không: không tặng chung, không tặng trùng, không quấy quá cho xong.

Chị than thở: “Sếp bà của mình đồng bóng lắm. Nếu ngày lễ mà nhân viên nào lỡ quên tặng quà thì đừng có trách. Ngay lập tức sẽ bị bà điều sếp ông làm khó ngay. Sếp ông vừa sợ vợ, lại vừa có ‘phốt’ nên cứ phải răm rắp nghe lời. Ở nhiều cơ quan khác, mọi người hoàn toàn có thể cùng góp tiền mua quà chung tặng. Nhưng ở chỗ mình thì đừng hòng. Sếp coi như thế là bất kính. Cũng không được tặng quà giống nhau, giống những món quà trước. Ngoài ra, trước ngày lễ nào sếp bà cũng đảo qua công ty đôi chút để nói chuyện vài câu, đưa ra vài lời gợi ý. Nhân viên phải căng tai mà nghe mà đoán ý để có thể lựa đúng món quà sếp bà thích”.

Khi sếp là chị em với Hoạn Thư

Phụ nữ hay ghen thì đáng sợ, vợ sếp mà hay ghen thì còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần.

Chị Phương Anh (nhân viên marketing) luôn khổ sở vì thói ghen tuông vô lý của sếp bà. Chị cho biết: “Vợ sếp mình hay ghen lắm, mà toàn những lý do rất trời ơi đất hỡi. Bà ấy chỉ muốn văn phòng của chồng mình toàn nhân viên nam thôi. Tuy vậy, việc tuyển dụng nhân sự lại do bộ phận nhân sự quản lý, sếp chỉ có quyền chi phối chứ không có toàn quyền. Khi mình vừa vào làm đã được vài chị làm trước nhấm nháy dặn dò cẩn thận. Mình thì cứ nghĩ cây ngay chẳng sợ chết đứng, ấy vậy mà cũng vài phen đau khổ rồi, khi thì mấy tin nhắn cuộc điện thoại đầy ‘đe dọa’, khi thì vợ sếp đến tận nơi nhòm mặt, bóng gió. Tất cả chỉ vì dạo này sếp hay nhắc đến mình. Cũng muốn đổi chỗ làm lắm rồi, nhưng tiếc cái môi trường làm việc chuyên nghiệp và những đồng nghiệp vừa giỏi, vừa tốt tính ở đây”.


Những sếp bà có máu ghen như trường hợp của chị Phương Anh không hề hiếm, đặc biệt là với nhiều sếp ông đã có “tiền án tiền sự” thì nhân viên nữ dưới quyền càng thắc thỏm hơn rất nhiều. Chị Thanh Mai (thư ký) thở dài:

“Lúc mới vào làm việc, em cũng nghe nói là sếp có máu “dê” nhưng sếp còn chưa có biểu hiện gì thì sếp bà đã gặp em ở ngoài cổng công ty để mời đi nói chuyện. Em còn chưa kịp giải thích hay hiểu rõ ngọn ngành, sếp bà đã tuôn cho một tràng về tình sử của sếp ông như là chứng minh cho chuyện sếp chẳng thật lòng với ai đâu, chỉ muốn lợi dụng. Tài sản của sếp ông của chẳng có gì, do bà nắm hết nên em đừng có mơ tưởng, mơn trớn sếp làm chi. Em cáu điên cả người. Em có mơ tưởng gì đâu. Vừa ra trường nhưng em cũng chuẩn bị kết hôn, lại con cái nhà hiền lành tử tế. Em nói lại sếp bà một hồi rồi xin nghỉ việc luôn”.

“Sống chung với lũ” chứ không chuyển

Nhiều người tuy bị sếp bà “hành” đến nơi đến chốn nhưng vẫn kiên quyết không đổi chỗ làm. Chị Ngọc Anh cho biết: “Tuy hơi vất vả về đường ‘ngoại giao’ nhưng bù lại công việc ở đây khá nhàn, lương cũng khá. Là công ty gia đình nên việc xin nghỉ cũng đơn giản, dễ dàng hơn, không khó khăn như nhiều cơ quan khác mà lương thì vẫn lĩnh đủ nếu hoàn thành công việc”.

Còn chị Hiền Giang (nhân viên lễ tân) thì chia sẻ: “Môi trường công sở vốn dĩ là một môi trường phức tạp mà. Không gặp chuyện này sẽ gặp chuyện khác thôi. Theo mình rắc rối với vợ sếp là rắc rối gián tiếp và dễ đối phó hơn nhiều so với chuyện gặp phải sếp ‘dê’, sàm sỡ hay một môi trường toàn chuyện ngoại tình. Cứ chuyển chỗ làm rồi chắc gì đã tốt hơn, hay lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Chia sẻ