Khi có đủ 2 chân Nhân vẫn sẽ phải có trái tim của chú lính chì

,
Chia sẻ

Nhân vẫn sẽ phải có trái tim của chú lính chì, bởi không chỉ bản lĩnh mà Nhân phải có thêm lòng quả cảm để làm nên kết thúc như ba mẹ và mọi người mong đợi.

Khi bị tai nạn và mất một chân, ba tôi là người phải chịu đựng hơn cả. Ba buộc phải quen với những trở ngại đầu tiên mà có mơ ba cũng không hình dung nổi. Chiếc chân giả trong mắt tôi trở nên thô kệch, xấu xí và thật đáng ghét. Mỗi bước lê chân nó làm ba tôi nhăn nhó nhưng không dám kêu. Ba vịn vào vai tôi đứng mà thở hổn hển. Cứ nghĩ xỏ vào, tập đứng, tập đi, tháo ra rồi lại xỏ vào ngày lại ngày làm tôi xót ba vô cùng.


Khi ba mất một chân cho đến khi có “đủ” hai chân, cả nhà tôi trở nên rắm rối. Mọi sinh hoạt trong nhà thay đổi. Mẹ tôi chuyển sinh hoạt của cả nhà xuống dưới tầng 1, phòng ăn đồng thời là phòng khách, rồi bếp núc, rồi vô tuyến...tất tật tật để giảm tối đa những trở ngại có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của ba.

Nhưng cũng không được lâu, chỉ hai tháng sau mẹ tôi quyết định bán căn nhà cũ để chuyển đến một chung cư. Mẹ nói để cả nhà tiện sinh hoạt trong cùng một không gian, nhưng tôi biết còn một lý do nữa, mẹ muốn có một khoản tiền để đặt cho ba một chiếc chân mới tốt nhất.


Tôi không muốn so sánh vì biết quá khập khiểng. Khi tôi bắt đầu đi làm, ba mua cho tôi chiếc xe máy khoảng ba mươi triệu đồng, đứng đăng ký tên tôi và lần đầu tiên tôi có tài sản riêng. Vui lắm. Khi mẹ đặt mua cho ba chiếc chân mới tít bên Thái Lan, dì tôi nói thầm, chân cẳng gì mà tận hơn 300 triệu đồng. Ba có chân “xịn” nhưng lại kém vui vì ba không muốn mẹ phung phí tiền, ba bảo đời ba như thế có một cái chân để đứng, để đi lại trong nhà là ổn rồi. Tôi áy náy lắm vì biết rằng, ba muốn dành dụm để lo cho tôi, trai lớn tồng ngồng nhưng chưa có gia đình mà.


Ngày đầu tiên ba có chân mới, cả nhà tôi vui như Tết, nhộn nhịp hơn cả khi chuyển đến căn hộ mới này. Lần đầu tiên thôi thấy yêu chiếc chân giả. Tôi lò dò nghiên nghiên, cứu cứu bảng hưởng dẫn, lại mò cả vào trang web của nhà sản xuất đọc to cốt để cho ba nghe thấy tính năng và hiệu quả của chiếc chân hiện đại này. Ba đi lại tốt hơn thật. Tiện hơn và những cử động của ba trở nên hoạt bát hơn. Tự nhiên mỗi ngày, tôi muốn sau giờ làm việc lại được về với ba ngay. Tôi muốn nâng niu chiếc chân giả, giúp ba tắm và làm những thứ linh tinh khác quanh ba.


Cho đến một ngày, khi câu chuyện chú lính chì Thiện Nhân xuất hiện trên các trang báo, cái cảm giác chộn rộn như lần đầu tiên ba có chân mới lại ập về trong tôi. Tôi không có điều kiện để giúp Nhân có chân mới bởi ngay cả khi mẹ đặt mua chân mới cho ba, mặc dù đã đi làm nhưng tôi cũng chưa giúp thêm được cùng mẹ, nhưng tôi biết rồi đây Nhân cũng sẽ có đủ chân như ba tôi, trước là chân để đứng sau rồi sẽ là những cái chân hiện đại nhất, tốt nhất.


Vậy khi có đủ 2 chân Nhân sẽ làm gì?


Nhân sẽ không phải dấu chiếc dép còn lại. Nhân sẽ đợi ba Nghinh và mẹ Mai Anh đi dép cho Nhân. Nhân sẽ nhắc anh Hải Minh: dép em, dép em, dép em đấy.

Nhân sẽ tự tin tập đi trong nhà, anh Thiên Minh sẽ là người giúp Nhân đi lại, sẽ là người kiểm tra ốc vít, thực hiện nhiệm vụ “bảo hành” cho cái chân mới của Nhân.


Khi đi ngủ, Nhân sẽ nhắc ba mẹ: cất chân Nhân, cất chân Nhân.


Thứ bảy Nhân đi chơi, Nhân sẽ đòi ba Nghinh: Nhân tự đi, Nhân tự đi. Và Nhân sẽ khoe khắp với mọi người: chân Nhân đấy, chân Nhân đấy.


Còn ba tôi bảo, khi có 2 đủ chân Nhân vẫn sẽ phải có trái tim của chú lính chì, nếu được đó là điều tốt cho Nhân bởi không chỉ bản lĩnh mà Nhân phải có thêm lòng quả cảm để làm nên kết thúc như ba mẹ và mọi người mong đợi. Nói vậy vì khi đó chính là lúc Nhân cảm nhận rõ nhất giá trị của cuộc sống qua mỗi bước chân của mình.

Đặng Trần Anh

Chia sẻ