Khéo léo thì "giặc bên Ngô" cũng phải dễ thương

,
Chia sẻ

“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, câu nói ấy dường như đã trở thành nỗi ám ảnh của những bà chị dâu. Nếu biết cách cư xử khéo léo, tế nhị thì “giặc bên Ngô” cũng sẽ trở nên dễ thương hơn nhiều.

Chị N.M.O (công nhân một công ty may liên doanh với Nhật Bản) về ra mắt gia đình người yêu trong một tâm thế “các cô em chồng đều rất quý người yêu cũ của anh trai mình”. Chị quen biết anh vì anh là bạn thân của người yêu em gái chị. Anh đã có người yêu và thi thoảng hai người vẫn rủ nhau lên nhà chị chơi. Nhưng rồi không biết chuyện gì xảy ra, 2 người chia tay nhau, anh “tự nhiên” quay ra tán chị. Yêu nhau 3 tháng, về nhà anh được đôi lần, chị rất sợ phải đối mặt với những cô em gái anh vì chúng đều quý cô bé kia.

Chị O cho biết, khi quyết định cưới, chị cũng e ngại tình cảm của những cô em dành cho mình nhưng thật bất ngờ, ngay sau ngày anh chị về chính thức thông báo sẽ cưới nhau, em gái lớn đã hẹn chị “đi chơi”.

Hai chị em vào một quán café, chị O hồi hộp vì không biết cô em chồng sẽ nói những gì. Không ngờ, cô em vào đề bằng một câu hỏi “Chị có quý bố mẹ em không?”. Bất ngờ nhưng chị vẫn gật đầu. Cô em mỉm cười, nói tiếp “Thế là em yên tâm rồi. Chị T (tên người yêu cũ của chồng sắp cưới của cô) được chúng em quý mến là vì chị ấy rất quý bố mẹ em”.
 
Rồi cô em tâm sự, nguyện vọng lớn nhất của cô là anh trai sẽ mang về cho mẹ một người con dâu tốt, yêu quý bố mẹ, chỉ cần thế là cô thấy mãn nguyện bởi bố mẹ đã rất vất vả mới nuôi được 4 anh em nên người, có công ăn việc làm ổn định.

Rồi cô lại kể tiếp, khi anh trai cô chia tay, cô rất lo sợ anh không thể tìm được một người tận tình và yêu quý bố mẹ được như T nên cô đã nuôi một ý định, nếu có một người chị dâu, cô sẽ hẹn chị dâu ra và làm “công tác tư tưởng”. Cô sẽ bằng mọi cách để làm sao động viên để chị dâu làm cho bố mẹ quý mình. Không chỉ nói, 2 ngày sau, cô em chồng còn viết cho chị 1 lá thư rất thân tình.

Thấy tình cảm của cô em dành cho bố mẹ và sự chân thành dành cho mình, chị O đã rất tự tin làm đám cưới với người chị đã chọn. Chị cho biết, những gì cô em chồng chia sẻ với chị khiến chị thấy mình phải cố gắng rất nhiều để dành được thiện cảm của bố mẹ chồng và mấy… bà cô bên Ngô.

Cưới nhau xong rồi, chị vẫn dành được sự quan tâm của cô em gái lớn này cho mình. Thỉnh thoảng cô em lại gọi điện thoại hỏi han xem tình cảm của chị dạo này ra sao, nếu được biết bố mẹ có giận con dâu chuyện gì, cô em lại “nói giùm” cho chị.

Chị N.B.N (chuyên viên tín dụng của một ngân hàng lớn) cũng may mắn gặp được “giặc bên Ngô” dễ thương như chị O. Chị N cho biết, chị về làm dâu một gia đình nông thôn, đã có khá nhiều điều tiếng về chuyện cư xử với làng xóm láng giềng. Dân làng cứ xì xào về cái cách ông bà đối xử với cô con dâu đầu (hiện gia đình đã chuyển Sài Gòn), nào là xem như ô sin, suốt ngày chửi mắng và luôn bới việc ra cho con dâu làm nhưng cô không sợ vì cô dù sao cũng là một người ăn học đàng hoàng, chắc bố mẹ chồng cũng phải nể.

Nhưng 2 tuần đầu tiên về làm dâu, chị N thấy dường như bà con nói đúng. Sáng nào chị cũng phải dậy sớm, “súc miệng” một chậu quần áo lớn của cả gia đình 6 người, rồi lọ mọ chuẩn bị nấu bữa sáng cho mọi người. Rửa bát xong cô lại đi xe tới hơn chục cây số lên chỗ làm trên thị xã… Ngày ngày như vậy khiến cô thấy “oải”, đâm ra trầm hơn, cứ lặng lẽ đi lại như một cái bóng.

Có nhiều khi cô giấu mình, ngồi khóc bên bờ ao nhà, vô tình một lần để cô em út nhìn thấy (cô em đang học kế toán ở Hà Nội nên ít về nhà). Cô em hỏi han, ban đầu chị cứ chối nhưng thấy cô em thực tâm muốn chia sẻ cùng mình nên chị cũng không ngại ngần kể lại những gì làm chị ấm ức.

Cô út nghe xong cũng ngồi im, rồi đột nhiên, cô út bảo, thực ra bố mẹ cũng khó tính thật, nhiều khi em cũng thấy sợ nữa là con dâu. Cô út chứng kiến những gì bố mẹ đối xử với chị dâu trưởng nên rất sợ phải đi làm dâu khi có gia đình riêng. Rồi cô khăng khăng “Để em nói chuyện với bố mẹ. Dâu thì cũng như con gái. Bố mẹ sống với chị nhiều chứ với em có bao nhiêu đâu”. Thế là cô “đùng đùng” vào nhà “đòi lại công bằng” cho chị dâu.

Chị N cho biết, không biết cô út có tác động được bố mẹ chồng nhiều không nhưng thấy thái độ ấy chị cũng nguôi đi ít nhiều. Ít nhất, ở gia đình chồng, ngoài chồng thương yêu, chị còn có “giặc bên Ngô” cùng phe cánh, cũng đỡ lạc lõng và tủi thân hơn.

Đi lấy chồng, làm dâu hầu hết đều là gánh nặng của người phụ nữ, nhất là khi không được nhà chồng thông cảm. Nhưng nếu gặp được những cô em chồng dễ chịu như 2 cô “giặc bên Ngô” kể trên thì cũng là phúc của người làm dâu.

Phi Phi

Chia sẻ