Kẹo giả bủa vây, các chuyên gia cảnh báo hiểm họa ngộ độc ở trẻ nhỏ

PV,
Chia sẻ

Len lỏi vào các cửa hàng tạp hóa trước cổng trường, thậm chí cả hệ thống siêu thị mini trong các khu chung cư, các loại kẹo giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng như Hubba Bubba đang “siết chặt vòng vây” xung quanh môi trường sống của trẻ, trở thành mối đe dọa đối với sức khoẻ các bé.

Hiểm họa ngay trong “vùng an toàn”

Sưu tập thẻ bo góc, các loại kẹo hay đồ chơi nổi tiếng… để chia sẻ, trao đổi với nhau luôn là sở thích của các thế hệ học trò. Các sạp tiệm tạp hóa trước cổng trường, siêu thị mini trong khu dân cư thường là nơi tụ tập của bạn nhỏ sau giờ tan học, nơi cập nhật những loại quà bánh, đồ chơi hấp dẫn nhất. Chỉ với mười ngàn đồng, các bạn nhỏ đã có thể lựa chọn giữa vô vàn các loại kẹo bánh mang màu sắc rực rỡ. Đây cũng là mức giá vừa đủ để ba mẹ cho con tuỳ ý chi tiêu mua quà vặt, đồ ăn lót dạ sau một ngày dài học tập.

Và thị trường “mười ngàn” màu mỡ này đã bị những kẻ chuyên sản xuất bánh kẹo giả lợi dụng triệt để, tung ra những sản phẩm có vẻ ngoài hao hao hoặc gần như giống hệt sản phẩm chính hãng.

Đơn cử như loại kẹo cao su Hubba Bubba (Mỹ) mô phỏng một chiếc thước cuộn được các bạn nhỏ yêu thích. Là hãng kẹo lớn hàng đầu tại Mỹ và có mặt trên thị trường Việt Nam đã từ rất lâu, đây là thương hiệu có độ nhận diện cao đối với phụ huynh và học sinh. Chính vì thế, loại kẹo này bị làm giả rất nhiều với những thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là các em nhỏ.

Theo đại diện Hubba Bubba, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên thị trường Việt Nam xuất hiện một số loại kẹo sử dụng bao bì giống như của Hubba Bubba, còn một số khác thì có tên thương hiệu và hình vẽ trên bao bì gần giống, khiến khách hàng nhầm tưởng rằng đó là kẹo Hubba Bubba thật. Các loại kẹo giả được phát hiện bày bán tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá.

Nguy cơ về sức khoẻ khôn lường

Theo Tiến sĩ Anh Nguyễn - bác sĩ, cố vấn dinh dưỡng đang làm việc tại Anh, kẹo giả không chỉ là mối lo riêng của các bậc phụ huynh Việt Nam mà cũng là mối đe dọa với sức khỏe trẻ em tại Châu Âu và Mỹ. Chỉ mới đây thôi, Hội đồng thành phố London đã tịch thu các loại bánh kẹo giả trị giá gần 200.000 bảng Anh (tương đương 6 tỷ đồng), trên một con đường ở khu trung tâm.

Nguy cơ về sức khoẻ do bánh kẹo giả gây ra rất khó lường. Để bán với giá thành chỉ bằng một phần năm giá sản phẩm gốc, những sản phẩm giả thường được làm từ các thành phần rẻ tiền như chất bảo quản và phẩm màu không an toàn, các chất làm ngọt độc hại, chất cấm để tạo độ tươi màu cho sản phẩm.

“Nguy cơ nhiễm độc có thể đến từ bất kỳ khâu nào: Từ sản xuất kém vệ sinh đến đóng gói liên quan đến chất lượng bao bì và bảo quản. Nó cũng đến từ thành phần nguyên liệu như chất bảo quản và tạo màu không an toàn, chất làm ngọt hóa học độc hại, các phụ gia bị cấm (nhằm tạo độ tươi màu), chứa kim loại nặng như chì hay aluminum, nhiễm vi khuẩn nguy hại như salmonella, E.coli và các vi sinh vật có hại khác.” - Tiến sĩ Anh Nguyễn cho biết.

Kẹo giả bủa vây, các chuyên gia cảnh báo hiểm họa ngộ độc ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Anh Nguyễn - bác sĩ, cố vấn dinh dưỡng đang làm việc tại Anh

Theo chuyên gia Anh Nguyễn, một điều mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm là mùi hương hay vị của kẹo giả, dù có giống kẹo thật đến mấy, không đồng nghĩa với việc kẹo giả được tạo nên từ những nguyên liệu giống hệt như kẹo thật. Thành phần khác nhau thì vẫn có thể tạo ra vị chua, vị ngọt giống nhau. Cùng tạo ra một vị chua, nhưng khi những kẻ sản xuất không có tâm sử dụng thành phần chưa được cấp phép thì vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thường.

Ngoài ra, do quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh hoặc không kiểm soát chất lượng, kẹo giả có nguy cơ cao bị nhiễm kim loại nặng như chì, aluminum cũng như các vi khuẩn như Salmonella, E. coli và nhiều vi sinh vật có hại khác dẫn đến đe dọa sức khoẻ, thậm chí là tính mạng trẻ nhỏ.

Chuyên gia Anh Nguyễn cũng cho biết, do hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn chưa được hoàn thiện nên các bé là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất cả về ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn lẫn các hợp chất gây hại có trong thực phẩm giả. Cụ thể, cảnh báo từ cơ quan quản lý thực phẩm của Anh gần đây nhấn mạnh về dị ứng liên quan đến kẹo giả. Trẻ có tiền sử bị dị ứng, nếu ăn phải có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng thực phẩm, nhẹ thì nổi mẩn đỏ, khó chịu, nặng thì phải nhập viện điều trị. Thường xuyên sử dụng bánh kẹo giả chứa thành phần không an toàn, về lâu dài trẻ có thể tiềm ẩn một bệnh nào đó như ung thư, tim mạch, dị ứng…

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng E.coli từ bánh kẹo giả có thể dẫn đến hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) là các rối loạn cấp tính, trầm trọng đặc trưng bởi giảm tiểu cầu, thiếu máu tán máu và tổn thương thận cấp.

Vậy làm thế nào để tránh cho trẻ khỏi tiếp xúc với bánh kẹo giả? Tác giả “Làm Mẹ Không Áp Lực" khuyên phụ huynh nên quan sát và quan tâm đến những loại bánh kẹo trẻ ăn hằng ngày để đảm bảo các loại bánh kẹo này là rõ nguồn gốc và đúng chất lượng. Nên mua (và thường xuyên nhắc nhở trẻ nên mua) bánh kẹo từ các cửa hàng uy tín, tránh mua hàng rong hoặc ở những cửa hàng tạp hóa với sản phẩm khó tìm hiểu nguồn gốc. Ngoài ra, phụ huynh nên cho con xem các hình ảnh trực quan về sản phẩm thật - giả do nhà sản xuất công bố.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy chủ động phối hợp với các phụ huynh khác và nhà trường nhằm tạo ra môi trường an toàn thực phẩm xung quanh con. Thống nhất nguyên tắc “không khuyến khích con trẻ ăn trong lớp” trong hội phụ huynh lớp, đồng hành cùng nhà trường và chính quyền địa phương để kiểm soát điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các hàng quán xung quanh trường học.

Chính vì thế, theo Tiến sĩ Anh Nguyễn, việc trẻ em ăn phải kẹo giả có thể có rất nhiều nguy cơ sức khỏe tùy vào mức độ trẻ ăn, thành phần nguyên liệu và vệ sinh của sản phẩm. Phổ biến là các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn ói, sốt do nhiễm khuẩn; gặp các vấn đề về dị ứng, hô hấp. Trường hợp sản phẩm chứa vi khuẩn E.coli có thể gây bệnh kiết lị, tiêu chảy. Về lâu dài, thường xuyên sử dụng những chất bảo quản và phẩm màu không an toàn, hoặc acesulfame K có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ ung thư.

Những dấu hiệu nhận biết kẹo giả, kẹo nhái

Về phía Hubba Bubba, sau khi nhận được phản ánh từ các đối tác phân phối sản phẩm, đại diện hãng cho biết đang tích cực hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan và sẽ có biện pháp cứng rắn đối với những bên cung cấp sản phẩm giả mạo thương hiệu Hubba Bubba.

“Chúng tôi đang xem xét rất nghiêm túc những biện pháp đối với các bên cung cấp hàng giả, bởi những hành động này không chỉ vi phạm bản quyền thương hiệu Hubba Bubba, mà còn đe dọa đến sức khỏe của một bộ phận lớn người tiêu dùng.” - Đại diện Hubba Bubba cho biết.

Trước tình trạng thị trường xuất hiện sản phẩm giả, nhái tinh vi nhãn hiệu kẹo nổi tiếng, Hubba Bubba đã đưa ra hướng dẫn chi tiết giúp người tiêu dùng phân biệt để không mua nhầm hàng nhái.

Đầu tiên là các chi tiết về bao bì, đóng gói. Hộp kẹo giả có màu sắc sai khác, kích cỡ nhỏ hơn và được làm từ nhựa kém chất lượng, gia công thô.

Kẹo giả bủa vây, các chuyên gia cảnh báo hiểm họa ngộ độc ở trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Kẹo vị dâu tây Seriously Strawberry có bao bì sẫm màu hơn so với kẹo giả, nhái, trong khi kẹo vị nho Groovy Grape thật có màu tím sáng hơn, trong hơn

Kẹo giả bủa vây, các chuyên gia cảnh báo hiểm họa ngộ độc ở trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Một số từ tiếng Anh trên nhãn in sai chính tả, kém sắc nét, nhăn nhúm. Mặt sau hộp kẹo cũng không dán nhãn phụ tiếng Việt và không in hạn sử dụng như sản phẩm chính hãng.

Các thông tin quan trọng về sản phẩm đều được nhà sản xuất Hubba Bubba in kèm rõ ràng, chi tiết trên bao bì kẹo kèm với bản dịch tiếng Việt, trong khi kẹo “bất hợp pháp” thì in thông tin sơ sài, thiếu chính xác.

Ngoài ra, kẹo thật còn có mã vạch để người dùng kiểm tra trên bao bì và sẽ đóng lốc theo từng vị, còn kẹo giả được trộn nhiều loại với nhau.

Kẹo giả bủa vây, các chuyên gia cảnh báo hiểm họa ngộ độc ở trẻ nhỏ - Ảnh 4.

Ngoài ra, kẹo giả in tên gọi các hương vị khác với kẹo thật. Trong khi kẹo Hubba Bubba có 4 loại hương vị tại thị trường Việt Nam là Groovy Grape, Seriously Strawberry, Sour Blue Raspberry và Awesome Original (hay Extreme Original), được đóng lốc theo từng vị thì kẹo giả có tới 5 loại hương vị với tên gọi khác, đóng trộn với nhau.

Kẹo giả bủa vây, các chuyên gia cảnh báo hiểm họa ngộ độc ở trẻ nhỏ - Ảnh 5.

Người mua hàng cũng có thể phân biệt được kẹo Hubba Bubba chính hãng và kẹo giả bằng cách so sánh chênh lệch giá. Do nhắm vào người mua trực tiếp là trẻ em nên kẹo giả thường được bán với giá chỉ khoảng 10 nghìn đồng, trong khi kẹo Hubba Bubba chính hãng có giá bán lẻ khoảng 58 nghìn đồng.

Chia sẻ với các bậc phụ huynh có con yêu thích các sản phẩm kẹo Hubba Bubba, hãng cho biết luôn nỗ lực cung cấp những sản phẩm với hương vị hấp dẫn, thú vị và thậm chí có chút “vui nhộn” đến các khách hàng nhí của mình. “Chúng tôi tự hào về chất lượng của các sản phẩm của mình. Mọi sản phẩm lẫn dịch vụ của chúng tôi đều được đảm bảo an toàn, hợp pháp khi tiêu thụ, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và quy định tại địa phương nếu có. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm và thương hiệu có quy trình sản xuất hợp pháp, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và luôn cam kết về chất lượng.” - Đại diện Hubba Bubba nhắn nhủ.

Có thể thấy nếu được hướng dẫn, trẻ có thể nhận diện được sản phẩm kẹo giả thông qua những yếu tố dễ nhận biết. Tuy nhiên thủ đoạn của những kẻ sản xuất hàng nhái thường xuyên thay đổi, đòi hỏi phụ huynh cần quan tâm, để ý hơn và kiểm soát thói quen mua và ăn quà vặt của con. Cha mẹ cũng nên chủ động cùng con lựa chọn những sản phẩm chất lượng, chính hãng - coi đó như một dạng phần thưởng khi con nỗ lực, tiến bộ. Ngoài ra, sự đồng hành của phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cùng các nhãn hàng và cơ quan quản lý thị trường phát hiện kịp thời và loại bỏ thực phẩm giả ra khỏi “vùng an toàn” của trẻ.

Chia sẻ