"Hot boy" 8X đẹp trai bỏ lương 20 triệu, mở quán pizza sinh viên

Huyền Trang. Ảnh: Lê Đức,
Chia sẻ

Từ bỏ vị trí bếp chính ở một nhà hàng đồ Âu phố cổ Hà Nội với mức lương 20 triệu/tháng, chàng thanh niên điển trai Lê Văn Vượng theo đuổi ước mơ hơi "khùng": bình dân hóa đồ Âu bằng quán pizza sinh viên.

“Từ năm 19 tuổi, tôi đã không xin tiền gia đình”

Với vẻ ngoài khá bảnh bao, nói năng hoạt bát, Lê Văn Vượng có vẻ trẻ hơn tuổi 28 tuổi của anh. “Ông chủ” của quán pizza dành cho sinh viên ở gần Đại học Thương Mại hào hứng tiết lộ, anh có niềm đam mê đặc biệt với nấu nướng; và việc mở quán ăn là một cách để anh chia sẻ niềm đam mê ấy với mọi người.


"Ông chủ" 8X quán pizza dành cho sinh viên.

Vượng kể, năm 19 tuổi, anh rời quê hương là một miền quê nghèo ở miền Trung nắng lửa ra Hà Nội tự bươn chải kiếm sống. Anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau, bắt đầu với việc làm trong phòng kỹ thuật in ảnh cưới, làm thợ hàn sắt, sau đó đi làm phụ hồ, trộn vữa, xách vữa thuê. Một thời gian sau, Vượng được nhận làm… bảo mẫu cho trẻ mầm non. “Mình có hai năm kinh nghiệm làm bảo mẫu ở lớp dự bị mầm non cho một trường học liên cấp của Pháp. Mình rất yêu thích công việc này, vì phải đổi mới, sáng tạo liên tục. Nhiệm vụ của mình là dỗ dành, bày trò chơi cho các bé mới đi lớp, để các bé quen dần với môi trường mới. Sau khi các bé đã quen, các cô giáo sẽ tiếp nhận các bé vào lớp. Do đặc thù công việc, mình đã đi học tiếng Pháp, cũng đủ để giao tiếp với các bé. Sau đó, một người Pháp mình quen biết trong thời gian làm bảo mẫu mở nhà hàng và đưa mình về làm việc với ông”.


Từng thử sức với nhiều nghề khác nhau, với Vượng, đó là những cơ hội để học hỏi và trải nghiệm.

Cũng từ đó, Vượng say mê với thế giới ẩm thực. Muốn được học, được trải nghiệm càng nhiều càng tốt, Vượng thử sức với nhiều vị trí, công việc, chỗ làm khác nhau. “Ở môi trường nào, công việc nào mình cũng tìm cách thích nghi cho phù hợp, cố gắng quan sát và học hỏi. Không được đi học đại học, đó cũng là một thiệt thòi, nhưng không có nghĩa điều đó ngăn cản mình vươn lên trong cuộc sống. Muốn có tri thức, bạn phải học tập, muốn có trí khôn, bạn phải quan sát, và có lẽ chính nhờ chịu khó quan sát nên mình học nhanh và học được rất nhiều thứ mà không hề tốn học phí. Cũng trong những tháng ngày đó, mình đã nghĩ đến việc sẽ mở một quán ăn của riêng mình”.


Vượng và những khách hàng của quán pizza sinh viên.

Nhắc đến bố mẹ, giọng Vượng đang sôi nổi bỗng chùng xuống. Rơm rớm nước mắt, Vượng tâm sự: “Mình là con út trong một gia đình nghèo ở một vùng quê miền Trung khắc khổ. Từ khi 19 tuổi, ra Hà Nội kiếm được tiền là mình tự lập luôn, không xin tiền cha mẹ nữa. Cứ nghĩ đến cảnh mẹ đi bán từng mớ rau, chắt chiu từng đồng để sống qua ngày, mình là không thể hoang phí được. Mở quán kinh doanh riêng, mình mong sẽ có thể thay đổi hoàn cảnh cho gia đình, bố mẹ được nhàn hơn một chút. Trong tương lai, mình muốn sở hữu một chuỗi quán như thế này, thậm chí còn mở một nhà hàng đa năng nữa!


"Cứ nghĩ đến cảnh mẹ đi bán từng mớ rau, chắt chiu từng đồng để sống qua ngày, mình là không thể hoang phí được".

Mở quán để bình dân hóa món Âu

Từng làm đầu bếp và pha chế tại nhiều nhà hàng chuyên món Âu ở Hà Nội, thường phục vụ các thực khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, Vượng đặc biệt yêu thích món bánh pizza và mì spaghetti. Anh cho hay: “Các món Âu, kể cả những món thông dụng như pizza và spaghetti thường được coi như món ăn xa xỉ, đắt đỏ, thường gắn liền với hình ảnh những người nhiều tiền, hoặc ai đó phải “dằn túi”, chơi sang mới dám ăn. Những thực khách của mình trước đây cũng phần lớn là người nước ngoài hoặc người Việt có thu nhập cao. Nhưng là người trong nghề, mình hiểu, pizza thực sự không đắt đỏ đến thế. Chỉ với vài chục nghìn đồng, ta vẫn có thể được thưởng thức pizza”.


Hạnh phúc, với chàng trai này chỉ đơn giản là có người yêu thích đồ ăn anh nấu.


Những chiếc pizza hấp dẫn Vượng bán chỉ với giá 30.000 đồng.

Chính với suy nghĩ đó, Vượng đã quyết định bỏ công việc ổn định với mức lương đáng ngưỡng mộ để mở một quán ăn nhanh phục vụ đồ Âu, đặc biệt là pizza dành cho sinh viên và những người có thu nhập thấp. Đấy cũng chính là lý do mà Văn Vượng không chọn một cái tên tiếng Anh cho quán của mình như nhiều thương hiệu pizza khác mà chọn chính tên mình làm thương hiệu. Anh tâm sự: “Nếu biết cách làm, khéo chế biến thì pizza rất rẻ, như bạn thấy, mình chỉ lấy khách 30.000 đồng cho một chiếc pizza, mì spaghetti cũng vậy. Mình chấp nhận lấy lãi ít để hiện thực hóa ước mơ bình dân hóa các món Âu. Nhiều thực khách đến với mình đã chia sẻ, đấy là lần đầu tiên trong đời họ được nếm thử pizza. Những chia sẻ ấy làm mình cảm thấy thực sự hạnh phúc, là động lực để mình tiếp tục kinh doanh”.


Không gian giản di, đậm chất sinh viên này nơi Vượng chia sẻ đam mê ẩm thực với mọi người.

Chủ quán pizza bình dân chia sẻ, anh khởi nghiệp kinh doanh với hơn 100 triệu, phần lớn là tiền tích cóp từ lương trong mấy năm làm đầu bếp và một ít vay của gia đình. Mở quán riêng đồng nghĩa với việc xác định mấy tháng đầu kinh doanh hòa vốn đã là thành công, nhưng hai tháng đầu, anh thậm chí còn không thu đủ tiền thuê nhà, chưa kể tiền điện, tiền nước. Cười lớn, Vượng bảo: “Thời gian đầu, có lẽ tâm lý chung của sinh viên là mấy món Âu thường đắt đỏ, hơi... xa xỉ nên không dám vào ăn, dù mình đã ghi bảng giá ngay trên biển quảng cáo. Cũng may mà dần dần quán đã đông khách hơn, có hôm chật kín chẳng có chỗ chen chân, một mình Vương xoay sở tất cả các việc, vừa đi chợ, làm bếp, bưng bê, dọn dẹp… nên nhiều khi phục vụ chậm, phải nghĩ cách kể chuyện, hát hò “câu giờ” cho khách quên thời gian chờ đợi”.


Nhiều thực khách, đặc biệt các nữ sinh "kết" quán pizza của Vượng vì đồ ăn ngon và yêu mến "ông chủ" quán đẹp trai, hóm hỉnh, khéo tay.

Ông chủ 8X chia sẻ, anh không hề hối tiếc về quyết định của mình, dù thời điểm này, thu nhập từ quán pizza của anh vẫn còn chưa ổn định. Anh quan niệm, dù thu nhập lúc trước có cao hơn, lại có vẻ oai vì làm bếp chính, nhưng với anh, bếp phụ hay rửa bát chỉ là những vị trí khác nhau, dù thế nào vẫn là đi làm thuê, nên Vượng vẫn muốn được làm chủ một quán của riêng mình, dù quán ấy nho nhỏ thôi.


Khách hàng yêu mến chủ quán đều để lại những sticker nhận xét dễ thương.


Những chiếc chai cũ dùng trang trí cũng được các khách hàng tinh nghịch thả vào lời nhắn nhủ.

Đồ ăn ngon, giá bình dân lại thêm "anh chủ" đẹp trai, lém lỉnh khiến nhiều cô sinh viên hào hứng. Những sticker để lại quán rất dễ thương như: "Bánh ngon, chủ quán đáng yêu...", "Anh chủ quán đẹp trai, dễ thương. Anh ơi, anh có người yêu chưa ạ?"... là niềm động viên lớn với chàng hot boy này. Món ăn mình nấu có người thưởng thức, mỗi ngày đều được gặp những người mới, được thấy ước mơ bình dân hóa đồ Âu của mình thành hiện thực, với Vượng, đó chính là hạnh phúc. 


Những review về quán và chủ quán dán kín trên tường.
 

Anh chàng hồ hởi chia sẻ: “Tết này mình sẽ về nhà ăn Tết khoảng 3 ngày, rồi sẽ trở lại Hà Nội mở hàng luôn. Bố mẹ cũng hỏi đã chọn ngày mở hàng cho năm mới chưa, nhưng trong từ điển của mình không có khái niệm “ngày xấu”, nên ngày nào cũng là ngày đẹp. Một ngày mới đến, với mình đã là một may mắn rồi”.
Chia sẻ