Hoa hậu Thu Thủy: Nuôi dạy con khoa học không hề khó

,
Chia sẻ

"Khi dạy con rất khó để áp đặt và cấm đoán bé, nhất là đối với trẻ con ở thời đại thông tin và sống gấp như bây giờ."

1. Luôn luôn chăm chú lắng nghe con nói
 
Tôi dành rất nhiều thời gian để đọc sách về tâm lý trẻ em, lắng nghe con nói, cố gắng hiểu con và đặt mình vào suy nghĩ cuả trẻ để lý giải và tìm cách điều chỉnh nếu chưa đúng. Mặc dù rất bận nhưng khi ở bên con cái bao giờ tôi cũng dành một trăm phần trăm tập chung. Tôi không dám vừa cho con ăn vừa nhắn tin, gọi điện, xem tivi hoặc vừa dạy con học vừa ngồi máy tính như thói quen của nhiều người. Gần đây, tôi cũng tự rèn mình để không to tiếng hay cáu gắt với con trẻ. Nói thì dễ nhưng quả thực với một núi công việc và áp lực như của tôi, đó lại là một nỗ lực rất lớn.



Tôi thường massage cho bé trước khi tắm, cho bé ăn, ngủ theo giờ và ngủ riêng ngay từ những ngày đầu tiên. Được mẹ massage hàng ngày nên bé Mỹ Tuệ (Azzura) rất cứng cáp, khoẻ mạnh và phát triển sớm hơn các trẻ cùng lứa. Chưa đến 1 tháng bé đã tự ngóc được đầu, hơn 1 tháng đã biết lẫy, 6 tháng tự đứng, 7 tháng biết đi lần, 9 tháng biết đi, 11 tháng đã biết chạy, tự trèo lên ghế và nhảy xuống đất không ngã. Nói chung, bí quyết dạy con của tôi đó là hãy sống chân thành và đúng với những gì mình có, cư xử theo sự mách bảo của trái tim người mẹ.
 
2. Chọn quần áo cho bé

- An toàn và tiện ích: Chất liệu phải mềm mại, 100% cotton, mặc phải thoải mái, thấm mồ hôi, các đường may bên trong phải mịn, không gây xước da, ngứa ngáy cho bé.

- Đơn giản, không cầu kỳ, loè loẹt hay bắt chước theo kiểu người lớn:  Nhiều bà mẹ thích cho con mặc quần áo giống người lớn như: áo ren, quần váy diêm dúa hay bóng loáng, giày cao gót,… Tôi rất phản đối xu hướng này, nên để cho trẻ em được hồn nhiên và ngộ nghĩnh một cách tự nhiên.

- Tiết kiệm: Cũng như nhiều bà mẹ trẻ, tôi mắc bệnh nghiện mua sắm cho con và cho bé mặc thay đổi liên tục. Kết quả là bé thấy mệt và sợ mặc quần áo mới. Trẻ con trong 3 năm đầu rất mau lớn, có những bộ quần áo chỉ mặc một lần đã chật. Hơn nữa, tôi đã li hôn và giờ phải nuôi con một mình nên cần thấy mình phải biết vun vén và có kế hoạch cẩn thận trong mọi việc kể cả tài chính. Khi đi mua sắm đồ cho con, bao giờ tôi cũng phải lên danh sách những đồ cần mua. Sau đó, sẽ cân nhắc từng món một xem mình có thực sự cần và gạch bỏ đi khoảng 20% tiếp nữa.
 
Cả Duy Anh (Alex) và Mỹ Tuệ mỗi khi đi ra ngoài, trừ đi học phải mặc đồng phục, quần áo đều do chính tay tôi chọn và phối hợp. Tôi muốn các cháu sau này đều biết ý thức về việc ăn mặc cuả mình, có “gu” thẩm mỹ tốt và tinh tế.

Hai bé nhà Thủy đều có cả tên Việt Nam và tên nước ngoài để tiện cho bé đi học sau này. Bé trai lớn tên là Alexandre Duy Anh gọi tắt là Alex, tên ở nhà là Tít. Con gái nhỏ tên là Azzura Mỹ Tuệ.
 
Azzura gốc latin có nghĩa là bầu trời xanh. Trước khi sinh con khá lâu mình đi du lịch sang Tây Ban Nha, một buổi sáng ngồi trước biển, trời Địa Trung Hải, mình chưa bao giờ thấy có một màu xanh nào đẹp như thế, sâu thẳm, tinh khiết, sáng bừng, đẹp đẽ. Vì thế, khi có thai con gái, mình quyết định sẽ đặt tên con là Azzura."

3. Để bé không bám lấy mẹ

Tôi không cho người giúp việc được bế ẵm cháu nhiều, kể cả khi bé khóc cũng không được vội vàng bế xốc bé lên. Rèn luyện cho cháu ngồi ghế một mình, ngủ một mình cũng rất quan trọng. Tôi thấy rất ít trẻ con Việt Nam chịu ngồi xe đẩy khi đi ra đường mà thường là được các cô giúp việc cắp nách. Đó là một thói quen không tốt.



Trẻ con thường chỉ khóc khi đói, khát nước, quá lạnh, quá nóng, đầy bụng và khi có cảm giác bất an, lo sợ. Tôi đọc sách biết được rằng trẻ sơ sinh cũng có thể bị stress vì phải thích nghi với một môi trường sống mới. Vì vậy, khi bé khóc, các bà mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân. Nếu sau khi đã làm đủ mọi cách mà bé vẫn khóc thì nên đưa bé sang một phòng khác và ôm bé vào lòng vừa đủ và khe khẽ hát để trấn an bé.

Một cách khác nữa rất hiệu nghiệm, đó là cho bé nằm ngủ trên ngực mình. Được ngủ trên ngực mẹ mềm mại và ấm áp, lắng nghe nhịp tim của mẹ và thở cùng nhịp thở với mẹ thì còn gì tuyệt diệu bằng. Cả 2 bé tôi đều làm vậy mỗi khi bé quấy khóc hoặc ốm. Tôi tin rằng mỗi ngươì mẹ đều có một thứ năng lượng nào đó dành riêng cho con mình, làm dịu nỗi đau và chở che, ôm ấp con. Đến bây giờ, tuy đã rất lớn nhưng tôi vẫn rất thích được mẹ ôm tôi vào lòng.



4. Bí quyết cho con ăn dặm

Tôi cho cháu ăn sữa ngoài ngày một bữa từ những tháng đầu tiên, mặc dù có nhiều người phản đối là trong 6 tháng đầu bé phải 100% bú sữa mẹ. Tôi muốn tập cho bé bú bình vì nếu chỉ bú mẹ sau này cai sữa sẽ rất khó tập cho bé bú bình lại. Cả hai lần sinh nở, tôi đều rất nhiều sữa. Với Mỹ Tuệ, tôi học được cách vắt sữa cho vào túi tiệt trùng và để tích trữ trong ngăn đá tủ lạnh. Đến khi bé được 9 tháng, tôi đã cai sữa rồi nhưng sữa tích trữ vẫn đủ cho bé ăn thêm 5, 6 tuần nữa. 

6 tháng tôi bắt đầu cho bé uống thêm nước trái cây và tập ăn dặm nhưng chỉ bắt đầu với một vài thìa một ngày.  Đến 8 tháng bé mới chính thức ăn dặm ngày hai bữa nhưng mỗi lần ăn chỉ một bát nhỏ. Ngoài ra, tôi còn tập cho bé ăn thêm trái cây nghiền, phô mai, sữa chua, váng sữa. Bé tăng cân đều, cả chiều cao và cân nặng đều đạt đúng mức tiêu chuẩn. Mỹ Tuệ ăn uống rất tốt do đã được rèn luyện và có chế độ ăn uống khoa học.

Một điều cần lưu ý nữa là tôi không cho bé ăn đường, muối và tôm trước 2 tuổi. Điều này tôi đọc được trong một tài liệu dinh dưỡng cuả Mỹ. Cho bé ăn các thứ đó quá sớm sẽ làm bộ máy tiêu hoá phải làm việc nặng quá sớm, làm bé dễ mắc bệnh về đường ruột sau này. Trứng cũng chỉ nên ăn một tuần một quả và chỉ nên ăn lòng trắng chứ không phải lòng đỏ. Một ngày nên có một bữa chỉ ăn rau, củ luộc hoặc trái cây và nên qui định đây là một bữa. Tôi biết có rất nhiều trẻ con Việt Nam không biết ăn rau và hoa quả.
Theo Bầu

Chia sẻ