Hoà Bình: Liên tiếp xảy ra sạt lở trên Quốc lộ 6

ANH VĂN/VTC NEWS,
Chia sẻ

Do mưa lớn kéo dài nên tình trạng sạt lở đất đá tiếp tục xảy ra ở Quốc lộ 6 và một số tuyến đường liên xã, đoạn qua huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình, sáng 5/8, trên Quốc lộ 6 tiếp tục xảy ra sạt lở, đá lăn xuống đường.

Cụ thể, khoảng 9h, lực lượng chức năng phát hiện điểm sạt lở tại Km146 trên Quốc lộ 6 (đoạn qua xã Đồng Tân, huyện Mai Châu). Tại hiện trường, một lượng đất, đá và cây bụi trên taluy dương đã bị sạt trượt xuống đường.

Hoà Bình: Liên tiếp xảy ra sạt lở trên Quốc lộ 6 - Ảnh 1.

Điểm sạt lở trên Quốc lộ 6 (đoạn qua xã Đồng Tân, huyện Mai Châu).

Sáng cùng ngày, tuyến đường liên xã thuộc huyện Mai Châu (nối Mai Châu với Hang Kia - Pà Cò) cũng xảy ra sạt lở, làm ách tắc, hư hỏng đường.

Nhận được tin báo, Công an huyện Mai Châu nhanh chóng có mặt, phối hợp cùng lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn đặt biển cảnh báo nguy hiểm, dọn dẹp hiện trường.

Hoà Bình: Liên tiếp xảy ra sạt lở trên Quốc lộ 6 - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng và người dân dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở.

Hôm qua, trên tuyến quốc lộ đoạn qua xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến chiếc ô tô bị đè bẹp.

Tại hiện trường, phần đầu ô tô bị tảng đá nặng hàng tấn đè biến dạng, kính sau vỡ và xe bị đẩy sát vào dải hộ lan ven đường. 4 người ngồi trên xe may mắn không bị thương.

Hoà Bình: Liên tiếp xảy ra sạt lở trên Quốc lộ 6 - Ảnh 3.

Tảng đá lớn nặng hàng tấn từ trên cao lăn xuống đè trúng ô tô đang chạy trên Quốc lộ 6.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, từ 1 - 7h ngày 5/8, tại khu vực các huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình, Lương Sơn có mưa với lượng mưa phổ biến từ 40-70 mm. Lượng mưa đo được tại xã Độc Lập (TP Hòa Bình) 41.8 mm, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) 33,0 mm, xã Tú Lý (Đà Bắc) 45.8 mm, thị trấn Đà Bắc 44.0 mm.

Mưa liên tục gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, đặc biệt là sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc, trên các ta luy dương đường giao thông, khu vực có địa chất yếu, ngập úng các vùng trũng thấp tại các huyện, thành phố.

Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình dự báo nguy cơ sạt lở đất tại huyện Lương Sơn (các xã Lâm Sơn, Cao Sơn, Cao Dương, Cư Yên, Tiến Sơn), huyện Đà Bắc (các xã Cao Sơn, Tú Lý, Tân Minh, Tân Pheo, Hiền Lương, Đồng Ruộng, Yên Hòa, Trung Thành, Đoàn Kết và thị trấn Đà Bắc), TP Hoà Bình (xã Độc Lập, Hòa Bình, Yên Mông, Hợp Thịnh, Hợp Thành, Quang Tiến và phường Thống Nhất, Dân Chủ), huyện Mai Châu (các xã Đồng Tân, Thành Sơn, Tòng Đậu, Hang Kia, Pà Cò).

Sáng 5/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 08 yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc.

Theo đó, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các địa phương, các Bộ, ngành chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, các Bộ, ngành chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường đưa tin về tình hình mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Chia sẻ