Ho kéo dài có thể gây tử vong

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước,
Chia sẻ

Theo bác sĩ, ho kéo dài là triệu chứng của các bệnh liên quan tới hệ hô hấp, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.

Nguyên nhân thường gặp

Những người bị viêm phế quản cấp tính nếu không điều trị hoặc điều trị không có hiệu quả, bệnh tái diễn nhiều lần và lâu ngày sẽ trở thành bệnh viêm phế quản mạn tính.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản mạn tính, sau đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:

Do thuốc lá: Những người nghiện hút thuốc lá và thường xuyên hít khói thuốc lá từ người khác rất dễ bị viêm phế quản mạn tính.

Trong khói thuốc lá có nhiều chất độc hại làm tổn thương lớp các tổ chức bên trong phổi, nhất là làm hỏng lớp lông mao lót trong lòng các phế quản. Nếu sự tổn thương này liên tục và kéo dài sẽ gây bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Do môi trường ô nhiễm: Trong môi trường lao động hoặc môi trường sống có nhiều hóa chất độc hại, nhiều khí thải công nghiệp sẽ tác động bất lợi lên hệ hô hấp.

Những người thường xuyên ở trong môi trường ô nhiễm này nguy cơ mắc bệnh rất cao vì các chất độc hại liên tục xâm nhập vào đường hô hấp gây kích ứng.

Do sức đề kháng kém: Sức đề kháng là khả năng mà cơ thể con người tự phòng vệ. Khả năng này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như yếu tố di truyền, thể chất, dinh dưỡng, rèn luyện… của mỗi người.

Sức đề kháng kém là lý do giải thích tại sao trong cùng một điều kiện và hoàn cảnh như nhau mà người này mắc bệnh, nhưng người kia lại không. Sức đề kháng kém cũng là nguy cơ khiến cho nhiều loại bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần và trở thành mạn tính.

Các biểu hiện

Những người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính thường có các biểu hiện chung sau đây:

Ho húng hắng, ho khúc khắc kéo dài một cách dai dẳng.

Khạc đờm: Đờm có thể nhiều hay ít, nhưng thường xuyên xuất hiện trong đường hô hấp gây kích ứng khiến cho người bệnh lúc nào cũng như muốn ho khạc để tống xuất đờm ra khỏi cơ thể.

Thở khò khè và thở khó.

Chất đờm của người bệnh tùy theo giai đoạn tiến triển mà có màu sắc khác nhau: Trắng, vàng hoặc xanh. Chất nhầy xuất hiện trong đờm ngày càng nhiều và ứ đọng lại trong phổi gây cản trở sự lưu thông của dòng không khí hít vào hoặc thở ra tạo nên âm thanh khò khè.

Ban đầu sự cản trở này chỉ một phần. Về sau bệnh nặng gây bít tắc hoàn toàn tạo ra bệnh cảnh suy hô hấp nặng và có thể dẫn đến tử vong, nếu như sự lưu thông không khí trong phổi không được khai thông kịp thời.

Ngoài các biểu hiện trên, người bệnh còn có cảm giác mệt mỏi nhiều, miệng hôi, ngực tức - nhất là mỗi khi lên cơn ho. Nhiều trường hợp còn có cảm giác ớn lạnh và sốt. Da, niêm mạc dần mất màu sắc hồng hào và trở nên nhợt nhạt, xanh xao do bệnh tiến triển lâu ngày gây thiếu oxy trong máu.

Một số trường hợp bệnh nhân viêm phế quản mạn tính bị nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nếu như không có các triệu chứng điển hình.

Các phương pháp hỗ trợ cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh viêm phế quản mạn tính, gồm:

Đo chức năng hô hấp: Việc đánh giá khả năng thông khí của phổi là phương pháp có giá trị và rất cần thiết để loại trừ các nguyên nhân gây ra những cơn ho khạc kéo dài trong các bệnh lý điển hình như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản.

Nếu chức năng thông khí phổi bình thường thì người bệnh được xác định viêm phế quản mạn tính. Nếu chức năng hô hấp bị hạn chế thì mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chụp X-quang phổi: Là phương pháp thường được thực hiện nhờ sự đơn giản, nhanh chóng nhưng rất hiệu quả.

Đây là phương tiện hỗ trợ đắc lực và hàng đầu để phân biệt giữa viêm phế quản mạn với các bệnh gây tổn thương nhu mô phổi như giãn phế quản, viêm phổi kẻ, lao phổi và ung thư phổi... Đây cũng là các bệnh gây biểu hiện ho khạc kéo dài.

Chụp phim phổi ở người viêm phế quản mạn tính thường không thấy có biểu hiện gì rõ rệt trên phim.

Ho kéo dài có thể gây tử vong - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: ITN)

Hướng điều trị và cách phòng bệnh

Việc điều trị tùy theo mức độ nặng nhẹ và bệnh cảnh cụ thể của mỗi người bệnh mà có đối sách phù hợp.

Nhìn chung, việc điều trị nhằm vào cải thiện triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các thuốc mà người bệnh thường được cho dùng gồm các loại thuốc giãn phế quản (giúp làm rộng đường lưu thông không khí cho dễ thở), dịu cơn ho và long đờm.

Kháng sinh chỉ được sử dụng trong các trường hợp bị bội nhiễm.

Tập phục hồi chức năng hô hấp để cải thiện tình trạng thông khí phổi.

Việc rèn luyện thể dục thể thao cũng góp phần nâng cao thể trạng và tăng sức đề kháng của cơ thể.

Việc phòng bệnh nhằm mục đích hạn chế tối đa các yếu tố nguyên nhân như bỏ hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá; cải thiện môi trường sống và làm việc, tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại; đeo khẩu trang bảo hộ lao động khi làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao, luôn vệ sinh tay sạch và vệ sinh đường hô hấp (nhỏ mũi, ngoáy mũi, súc họng...), rèn luyện thân thể hằng ngày qua việc tập thể dục thể thao.

Ngoài ra cần có chế độ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để luôn có một thân thể khỏe mạnh. Một số loại vaccine phòng bệnh viêm phổi, cúm mùa, ho gà... cũng góp phần hạn chế người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính.

Bệnh viêm phế quản mạn tính có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, đối tượng thường gặp nhất là những người lớn tuổi và có tiền sử hút thuốc lá, làm việc trong các kho hóa chất, khu hầm mỏ, xưởng may mặc, đặc biệt là những người bị suy giảm miễn dịch.
Chia sẻ