Hiếm gặp: Một công nhân bị thủng ruột, suýt chết vì cọc nhồi bê tông ép vào bụng

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Người công nhân bị cọc nhồi bê tông ép vào bụng nhưng không hề có vết thương hở. Chỉ đến khi đau bụng dữ dội, đi cấp cứu, nạn nhân mới biết mình bị một chấn thương nghiêm trọng.

Mới đây, bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, khoa Ngoại tổng quát đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân bị vỡ tá tràng, dập tụy do chấn thương bụng kín.

Trong lúc lao động, anh Nguyễn Tành C. (33 tuổi) bị cọc nhồi bê tông ép vào bụng. Thay vì thả lỏng, nam công nhân gồng cứng khiến bụng phản ứng, và không lâu sau xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, dù nhìn bên ngoài hoàn toàn không có vết thuơng.

Sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ cho thực hiện các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, siêu âm, chụp CT scanner. Kết quả thăm khám cho thấy anh C. bị viêm phúc mạc toàn thể do vỡ tạng sau chấn thương bụng kín, cần phải mổ gấp.

Hiếm gặp: Một công nhân bị thủng ruột, suýt chết vì cọc nhồi bê tông ép vào bụng - Ảnh 1.

Phần ruột bị thủng vì ý do bất ngờ.

Hiếm gặp: Một công nhân bị thủng ruột, suýt chết vì cọc nhồi bê tông ép vào bụng - Ảnh 2.

Và sau khi được khâu lại.

Trong quá trình mổ, các BS thấy bụng bệnh nhân có nhiều dịch đục tập trung ở dưới gan ngay góc đại tràng, có nhiều dịch mật lẫn máu bầm tím, tá tràng (phần đầu của ruột non) bị phù và dập đứt nhiều đoạn, đầu tụy bị dập nát liền. Sau khi tiến hành rửa hút sạch dịch ổ bụng, khâu nối tá tràng, đặt dẫn lưu tá tràng qua dạ dày ra da để hút ngắt quãng, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Sau mổ, bệnh nhân được chuyển lên khoa Ngoại Tổng quát để tiếp tục điều trị. Hiện tại bệnh nhân C đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Hiếm gặp: Một công nhân bị thủng ruột, suýt chết vì cọc nhồi bê tông ép vào bụng - Ảnh 3.

Sau mổ, anh C. đã tỉnh táo.

BS Mai Hóa, Trưởng khoa ngoại Tổng quát - người trực tiếp phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp chấn thương bụng kín rất nặng và ít gặp, tỉ lệ chỉ 3-5%, vì bệnh nhân vỡ tá tràng. Tổn thương tá tràng được biết đến từ thập niên 20 của thế kỷ XIX, tuy nhiên gần 100 năm sau, vấn đề chẩn đoán sớm để có hướng xử trí triệt để vẫn không có cải thiện đáng kể.

"Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và y học, đặc biệt là những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như siêu âm, CT-Scaner, MRI… giúp cho việc phát hiện bệnh được sớm hơn. Tuy vậy vấn đề điều trị, do tính chất phức tạp của thương tổn nên tỷ lệ biến chứng sau mổ vẫn còn cao, lên đến 46,6%. Tỉ lệ tử vong vì vỡ tá tràng vẫn còn đến 12,8%" – BS Mai Hoá chia sẻ.

Chia sẻ