Hết việc, người ngoại tỉnh về quê ăn Tết sớm

,
Chia sẻ

Do làm ăn thất bát nên chưa đến ngày 23 tháng Chạp dân miền Trung, Bắc làm việc ở Sài Gòn đã khăn gói về quê lo Tết. Tại Bến xe miền Đông, có đến gần 33 nghìn khách lên ôtô chỉ trong vòng một ngày qua.

Thông thường phải đến sau hôm đưa ông Táo về trời, tức ngày 23-24 Tết dân tứ xứ ở TP HCM mới lục đục về quê, nhưng năm nay lại ngoại lệ, dòng người đổ về bến xe sớm hơn một tuần. Mới 20 Tết khách đã đông như chợ.

Thống kê của Bến xe miền Đông, chỉ tính trong ngày 15/1 nhằm 20 Tết đã có 32,9 nghìn lượt khách kéo nhau về quê, tăng 12 nghìn so với ngày thường và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6 nghìn người. Trong đó, khách đi miền Trung trở ra chiếm tỷ lệ 70-80%.
 
Hàng năm, tính từ cột mốc ngày 20 tháng Chạp đến giáp Tết, bến xe miền Đông tiếp nhận trung bình 28 nghìn lượt khách. Chính vì nhu cầu đi lại tăng đột biến ngoài dự kiến, hôm qua lãnh đạo bến xe đã điều động 1.312 xe khách tăng cường để giải tỏa dòng người chờ xe, tránh ứ đọng.
 
Ghi nhận của chúng tôi ngày 16/1 tức 21 Tết, tại Bến xe miền Đông, 4 hàng ghế chờ chạy dài từ đầu đến cuối nhà khách đều đầy người và hành lý. Không có chỗ ngồi, cộng thêm phải kiên nhẫn chờ xe quay về bến, nhiều gia đình chất đồ đạc thành từng đống giữa nhà ga choán cả lối đi. Các bãi giữ xe cũng chật cứng xe gắn máy. Dòng người bắt đầu đông dần từ 10h sáng và 14h chiều, chủ yếu là hành khách đi các tỉnh miền Trung như: Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.
 
Hành khách mua vé xe Tết tại Bến xe miền Đông, TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Quần áo xộc xệch, hành lý lỉnh kỉnh bà Chính (quê Quy Nhơn, Bình Định) vừa loay hoay tìm chỗ ngồi trong nhà ga vừa tâm sự: "Đáng lý ra tôi về quê từ ngày 12/1 vì ở lại làm không có tiền như năm ngoái. Nhưng vì chờ đứa cháu là công nhân dệt may về cùng nên mới nán sang ngày 16/1".

Làm nghề bán hàng gần khu công nghiệp Tân Bình, bà Chính than năm nay mua bán ế ẩm vì công nhân bị giảm lương, tiền thưởng cuối năm ít ỏi nên ai cũng hạn chế mua quà. Gần cuối năm, công việc hết, công nhân về quê sớm, bà Chính cũng tính chuyện thăm nhà sớm hơn bình thường.

Cũng đồng cảnh ngộ, ông Sinh (49 tuổi) làm nghề thợ hồ cũng đang chờ xe về Quảng Nam ngồi kể chuyện mình. Theo ông Sinh, năm nay không có nhiều người xây, sửa nhà đón Tết như năm ngoái nên chỉ mới ngày 10/1 tức ngày 15 tháng Chạp đã phải ngồi không. "Ở Sài Gòn mấy ngày giáp Tết buồn nhớ nhà, cộng thêm chi phí đắt đỏ, về quê sớm sẽ tiết kiệm hơn", ông bộc bạch.

Hàng chục nghìn lượt khách đổ về bến xe miền Đông trong những ngày này đa phần là người lao động phổ thông từ khu vực miền Trung đổ ra. Hành lý của họ năm nay chỉ có tư trang, quần áo và một ít hàng hóa, không mấy ai xông xênh những giỏ quà Tết đủ màu như năm ngoái.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bến xe miền Đông Nguyễn Ngọc Thừa cho biết, từ ngày 15/1 tức 20 Tết khách đổ về bến đã tăng đột biến là hiện tượng lạ vì hãy còn sớm. Giải thích hiện tượng này, ông Thừa cho rằng có thể do tình hình kinh tế khó khăn, lương những ngày cận Tết không cao hoặc làm ăn không thuận lợi nên chẳng ai mặn mà nán lại Sài Gòn.

Ông Thừa còn phân tích, trước ngày 20 Tết là thời điểm bến xe miền Đông chưa áp dụng giá vé có phụ thu nên khách đổ xô đi xe những ngày này sẽ tiết kiệm được vài chục nghìn đồng mỗi vé. Từ 21 tháng Chạp trở đi, lượng khách thập phương về quê sẽ tiếp tục tăng cao cho đến ngày cao điểm 27-28-29 Tết.

Giới kinh doanh vận tải dự báo thêm, qua số liệu thống kê từ 5 năm trở lại đây, lượng khách đi lại trong dịp Tết liên tục tăng lên ít nhất 10-15%, chưa có năm nào suy giảm vì sức hút lao động nhập cư cũng như sinh viên từ các tỉnh thành khác về TP HCM là rất lớn.
 
Theo Vũ Lê
Vnexpress
 
Chia sẻ