Hãy lên tiếng tố cáo bọn xâm hại! Nhưng lên tiếng thế nào để trẻ không bị "xâm hại" thêm lần nữa?

Thu Hà,
Chia sẻ

Sau cơn sóng share, chắc chắn cuộc sống của các bé sẽ bị xáo trộn, dù viết tắt tên thì lúc này hàng trăm người xung quanh nơi gia đình nạn nhân cư ngụ đã biết cụ thể cháu bé là ai. Những ánh mắt, những lời hỏi thăm, những quan tâm thô lỗ đó, coi như cháu bé bị "xâm hại" thêm lần nữa...

Từ vài tháng trước và liên tục cho tới hôm nay, nhiều mẹ gửi qua inbox, nhắn rằng chị phải share, phải lên tiếng để lôi những tên khốn kiếp xâm hại trẻ em này ra ánh sáng: một lão già 70, một nhân viên ngân hàng hay một giáo viên trường tiểu học...

Tôi khẳng định tội phạm ấu dâm là tội ác kinh tởm, nhưng với Minh Béo, tôi chỉ thẳng mặt mà chửi, vì Minh Béo đã được kết án, và nạn nhân của Minh Béo đã được chính phủ Mỹ bảo vệ.

Còn những em bé lớp 1, mẫu giáo này tôi chưa chắc chắn các bé đó đã được bảo vệ tốt chưa. Việc share ồn ã thông tin có thể nguy hiểm cho chính nạn nhân.

Có lẽ không có một loại tội phạm nào trên thế giới này mà nạn nhân lại đặc biệt như nạn nhân của xâm hại tình dục, đó là nạn nhân được quyền giấu kín việc mình là nạn nhân, nạn nhân được xử kín, xử vắng mặt.

Hãy lên tiếng tố cáo bọn xâm hại! Nhưng lên tiếng thế nào để trẻ không bị xâm hại thêm lần nữa? - Ảnh 1.

Sau cơn sóng share, chắc chắn cuộc sống của các bé sẽ bị xáo trộn.

Các bạn có sợ là việc share khắp nơi những hình ảnh này có nguy cơ lộ dấu vết nạn nhân. Tôi đã đọc bài viết nói mẹ của cô bé Vũng Tàu đang rất tổn thương và chỉ muốn chuyển nhà đi nơi khác, thậm chí ra khỏi Việt Nam. Mấy tháng trước, khi cộng đồng mạng kêu gọi share đơn và clip, tôi đã sợ hậu quả này. Và bây giờ thì đúng thế.

Sau cơn sóng share, chắc chắn cuộc sống của các bé sẽ bị xáo trộn, dù viết tắt tên thì lúc này là hàng trăm người xung quanh nơi gia đình nạn nhân cư ngụ đã biết cụ thể cháu bé là ai. Những ánh mắt, những lời hỏi thăm, những quan tâm thô lỗ đó, coi như cháu bé bị "xâm hại" thêm lần nữa bởi những kẻ hiếu kỳ.

Tôi tin, chắc chắn những vụ xâm hại tình dục đang được điều tra. Tuy nhiên, nguyên tắc của mọi vụ điều tra không thể chỉ hoàn toàn dựa vào lời khai của nạn nhân được, dù nạn nhân là một em bé trong sáng, đang ở tuổi thiên thần. Nhiều người nói share để gây sức ép với chính quyền. Nhưng nếu sức ép của công chúng quá lớn, công an và tòa án có thể vội, có thể sai. Mà sai thì người vô tội bị oan, và kẻ khốn kiếp thực sự thì nhởn nhơ và tiếp tục gây án cho những em bé khác.

Hãy lên tiếng tố cáo bọn xâm hại! Nhưng lên tiếng thế nào để trẻ không bị xâm hại thêm lần nữa? - Ảnh 2.

Việc chia sẻ thông tin không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Tôi biết tất cả các báo đã vào cuộc. Các hội bảo vệ trẻ em cũng đã vào cuộc. Nhiều cuộc hội thảo đang gấp rút tổ chức. Những chiến dịch ký tên đừng im lặng, cất tiếng nói.

Nhưng chúng ta có đang đòi hỏi quá đáng không, nếu bắt những nạn nhân đầy thương tích, và đang gục ngã, phải đứng dậy, và đứng ở đầu tàu, giữa cơn đại hồng thủy ồn ào thế này?

Bé cần được giảm chấn tối đa, và người mẹ lúc này cần được ở bên con trọn vẹn, yêu thương và bình an nhất, chứ không phải là nay trả lời báo này mai phải đi trả lời phỏng vấn báo kia.

Để lắng nghe tốt thì phải tĩnh lặng, và được an toàn. Cũng như việc biểu tình, đã có nghiên cứu rằng, càng an toàn thì càng có nhiều người đứng lên tham gia biểu tình. Ở Bolivia, một gã khốn cưỡng hiếp 50 trẻ em trước khi có một em dám nói ra (trong Brisa nhỏ bé).

Hãy phẫn nộ. Chúng ta có quyền phẫn nộ. Nhưng làm sao để sự phẫn nộ này không gây khó khăn cho việc tìm kiếm thủ phạm chính xác nhất, và giảm đau thương cho nạn nhân nhất.

Hãy lên tiếng tố cáo bọn xâm hại! Nhưng lên tiếng thế nào để trẻ không bị xâm hại thêm lần nữa? - Ảnh 3.

Và thêm nữa, ghê sợ tội ác không ngăn chặn được hết tội ác, mà phải biết dạy con tự bảo vệ nữa các mẹ ạ!

Và cũng sợ rằng, sau khi phẫn nộ và lên án đanh thép, sục sôi nhân danh thực thi công lý trên Facebook, chúng ta nghỉ ngơi, như bác nông dân cày xong thửa ruộng. Lại tiếp tục đi nhậu nhẹt, đi kiếm tiền, lại tiếp tục để con cái mình bơ vơ.

Không, việc lớn nhất của chúng ta cũng còn đó. Là bảo vệ nạn nhân, hỗ trợ để nạn nhân lành vết thương, cả về thể chất lẫn tâm lý, và nhất là tâm lý. Và thêm nữa, ghê sợ tội ác không ngăn chặn được hết tội ác, mà phải biết dạy con tự bảo vệ nữa các mẹ ạ!

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Chia sẻ