Hàng loạt sai phạm trong vụ chìm tàu Dìn Ký

Theo Vnexpress,
Chia sẻ

Những sai phạm trong vụ chìm tàu Dìn Ký đã dẫn đến cái chết thương tâm của 16 người.

Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, con tàu "định mệnh" đã hết hạn kiểm định hơn 3 tháng, người lái tàu không xuất trình được bằng lái, bến tàu của Khu du lịch Xanh Dìn Ký cũng hoạt động không phép.

Theo một cán bộ trong ngành giao thông, qua quan sát cho thấy, thiết kế của con tàu dùng làm du thuyền có nhiều điểm đáng lưu ý như phần tiếp đáy sông cạn đã không cân bằng nổi trọng lượng của 2 tầng phía trên. Khi gặp trời mưa giông, việc đóng cửa sổ lại khiến 2 tầng của du thuyền trở thành những “cánh buồm” hứng gió. Trong khi đó, khi thấy trời mưa to, có thể do vội vàng, tàu quay lại bến nên việc đi ngang không theo con nước đã khiến nó bị dòng nước chảy xiết kết hợp với luồng gió mạnh cuốn lật nhào làm 16 người thiệt mạng.
 
Phía công an tỉnh Bình Dương cũng cho hay, quá trình điều tra, lái tàu Lê Văn Đức đã không xuất trình được bằng lái. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành thu thập bằng chứng và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan trong vụ án.

Còn ông Phạm Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III cho biết, bến tàu của Khu du lịch Xanh Dìn Ký hiện hoạt động không giấy phép.

Theo quy định, đối với những nơi hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khi đưa đón hành khách lên xuống đều phải được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, các loại phương tiện tham gia phải được kiểm định định kỳ theo quy định. Tuy nhiên ông Duy cho hay, bước đầu xác định hệ thống cầu phao của khu du lịch xanh Dìn Ký được làm bằng thùng phuy, thiếu an toàn, không đủ điều kiện cấp phép. Ngoài ra, bản thân tàu mang số hiệu BD 0394 cũng đã hết hạn kiểm định từ ngày 28/1 nhưng chủ phương tiện chưa đưa đi kiểm định lại...

Theo ông Đàm Trọng Cường, Phó giám đốc sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương, khi hết hạn đăng kiểm, chủ phương tiện phải đưa tàu đi kiểm định tại những nơi chuyên trách. Ở Bình Dương hiện chưa có trung tâm nào đủ khả năng kiểm định. Do phương tiện thủy nội địa trên địa bàn rất ít chủ yếu phương tiện vãng lai qua lại nên đến nay vẫn chưa có kế hoạch để thành lập một trung tâm kiểm định như loại hình xe cơ giới đường bộ.

Về việc kiểm tra và xử phạt, ông Cường cho biết là do cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đường thủy đảm trách. Trong trường hợp tàu không được đăng ký kiểm định, tài công không được đào tạo và cấp giấy phép theo quy định thì khi xảy ra tai nạn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện đó gây ra.

"Vấn đề quản lý cấp phép hoạt động những loại hình như tại khu du lịch Dìn Ký trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn thuộc trách nhiệm quản lý của Cục đường thủy nội địa Việt Nam, trong đó Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam trực tiếp quản lý, còn phía tỉnh chỉ quản lý các bến khách sang sông," ông Cường nói.

Tuy nhiên, vị phó giám đốc Sở cũng giải thích, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tỉnh cũng có vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm. Cụ thể ông Cường cho biết cơ quan chức năng từng xử phạt hành chính các sai phạm liên quan việc chấp hành quy định an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với khu du lịch xanh Dìn Ký.

Trước đó, liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cùng phối hợp tiến hành khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân liên quan để xử lý cương quyết, nghiêm minh. Đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên một tàu du lịch có số người thiệt mạng nhiều nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ