Hàng giả, người tiêu dùng... tự chống?

Theo Phụ nữ TP,
Chia sẻ

Cận Tết, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả càng xuất hiện rầm rộ, diễn biến phức tạp, nhưng công tác chống hàng giả còn nhiều bất cập. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dù phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, thay vì kiên quyết ngăn chặn, chống hàng giả lại chọn cách “sống chung với lũ”, “ém” thông tin vì sợ người tiêu dùng e ngại.

Doanh nghiệp “đóng cửa bảo nhau”

Ông Hồ Kim Khuê, Trưởng phòng Truyền thông và sự kiện, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa cho biết, một số sản phẩm giả thường được làm rất tinh vi, không khác hàng thật. Qua điều tra của Công ty Kềm Nghĩa, sản phẩm làm giả (có thể tẩy, xóa bằng hóa chất do in bằng công nghệ in lụa) có sự tiếp tay của một số “cựu” nhân viên của công ty. Thực tế, công ty chỉ có thể nhắc nhở khi phát hiện hàng làm giả. Lý do chính là ngại đụng chạm.

Hàng giả, người tiêu dùng... tự chống? 1
Giữa rừng sản phẩm đa dạng - nếu thiếu thông tin, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng kém chất lượng

Vừa qua, Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến cũng điêu đứng với những mặt hàng bị nhái như tủ đựng giày dép, tủ quần áo… Bà Phan Thị Hà Phương, Giám đốc Marketing Công ty Đại Đồng Tiến chia sẻ: “Bán ra thị trường mặt hàng nào, thời gian sau có mặt hàng giống y chang. Đầu tư phát triển sản phẩm tốn kém, nhưng chống hàng giả, hàng nhái chẳng tới đâu, mệt mỏi vô cùng”. Thay vì chống hàng giả, hàng nhái tới cùng, doanh nghiệp (DN) này chọn cách liên tục cải tiến mẫu mã (đầu tư công nghệ lên tới nhiều tỷ đồng), cho ra đời các sản phẩm mới. Một số DN khác lại chọn cách “sống chung với lũ”, mặc nhiên để hàng giả, hàng nhái tồn tại.

Nơi tập trung mỹ phẩm nhái nhiều nhất phải kể tới các điểm bán hàng tự phát quanh khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX); chợ truyền thống... Chỉ tay vào chai nước hoa có hình cô gái mặc áo dài, đội nón rộng, người bán (KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức) khẳng định, đây là nước hoa Sài Gòn SCC chính hiệu; giá… 40.000đ (chai nước hoa SCC thật khoảng 200.000đ); chai mút (mousse), keo xịt tóc giả của Đông Á rẻ hơn giá gốc từ 40-50%... Chúng tôi đem một số mẫu nước hoa SCC giá rẻ tới chi nhánh SCC trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) kiểm tra. Nhân viên tại đây cho biết nước hoa này là hàng nhái SCC.

Ông Nguyễn Thế Sự - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam thừa nhận, ban đầu, khi đề cập tới chống hàng giả, hàng nhái có nhiều DN nhiệt tình hưởng ứng. Nhưng sau đó, DN “nguội” dần. Có một thực tế là hiện nay, không hiếm DN phó mặc việc chống hàng giả, hàng nhái cho các cơ quan thực thi pháp luật. Điều này tạo sức ỳ, khiến DN khó ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái; thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng và cho chính DN…

Hàng giả ngày càng nhiều

Chỉ trong tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện bốn vụ buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố. Số hàng giả thu giữ gồm: 150 sợi sên cam hiệu NPP sản xuất tại Việt Nam nhưng trên nhãn ghi Made in Thailand; 590 vòng bi, bố thắng đĩa Trung Quốc giả xuất xứ Nhật; 14kg bao bì giấy để đóng gói phụ tùng xe máy giả xuất xứ Nhật; 19 đôi giày thể thao giả nhãn hiệu Lacoste, Nike và 11 chai nước hoa hiệu Chanel… Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện hơn 9.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; số lượng hàng giả bị thu giữ lên đến hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, bia, rượu, sữa nước, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, giày dép, túi xách, phần lớn có xuất xứ Trung Quốc.

Riêng ngành hải quan từ đầu năm đến nay đã phát hiện, bắt giữ hơn một triệu bao thuốc lá giả; gần 10 ngàn sản phẩm điện tử, linh kiện máy tính; hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm, túi xách giả nhãn hiệu Nivea, LV, Longchamp, Gucci… và hàng ngàn hộp thực phẩm chức năng là hàng giả mạo xuất xứ. Tổng trị giá hàng vi phạm ước đạt một tỷ đồng.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng. Đáng nói, hàng giả xuất hiện ở hầu hết các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghệ, phân bón, xi măng, sắt thép, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh… Đại diện Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN cho biết, chỉ trong chín tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 7.000 chai rượu giả.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) nhận định, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay đáng báo động. Hầu hết hàng giả là hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn sử dụng nhưng được sản xuất tinh vi đến mức khó phát hiện. “Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Khi có đơn đặt hàng mới dán nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ và giao hàng cho khách đặt mua. Họ sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó chứ không trữ hàng nên rất khó bắt quả tang”, ông Hùng nói. Ngoài sản xuất hàng giả trong nước, các đối tượng còn móc nối với cá nhân, tổ chức nước ngoài làm hàng giả tuồn vào Việt Nam.

Chế tài chưa đủ mạnh

Trong khi đó, công tác chống hàng giả hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự. Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương cho rằng việc chống hàng giả chưa thực sự hiệu quả. “Một số điều luật trong Bộ luật Hình sự không giải thích rõ từ ngữ nên khi vận dụng không xử lý hình sự được đối tượng vi phạm. Quy định tịch thu tang vật vi phạm cũng chưa rõ ràng nên khó thực hiện, không thể tịch thu phương tiện vận chuyển hàng giả nếu chủ sở hữu phương tiện không phải là người thực hiện hành vi vi phạm”, ông Danh dẫn chứng.

Theo ông Trần Hùng, một hạn chế khác là kiến thức và trình độ nghiệp vụ của cán bộ QLTT hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về luật pháp quốc tế mà VN đã tham gia và kinh nghiệm giải quyết các tranh tụng có yếu tố nước ngoài.

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái ngang nhiên tồn tại chính là bất cập trong cơ chế quản lý; luật chưa “kín”, chế tài chưa đủ mạnh; người tiêu dùng ngại đụng chạm đến việc kiện cáo… LS Hậu đề xuất, nên xử phạt mức 50% trên tổng giá trị hàng giả, hàng nhái vì mức phạt cao nhất từ 20-30 triệu đồng như hiện nay là không phù hợp, chưa đủ sức răn đe.

Phát hiện hàng giả không khó, nhưng để xử lý hàng giả bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Trong khi đó, chi phí giám định đối với một số mặt hàng rất cao, lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng hàng giả phải tiêu hủy. “Theo quy định pháp luật, đương sự vi phạm phải nộp tiền giám định, nhưng thực tế không đương sự nào tự nguyện nộp, hơn nữa việc cưỡng chế thi hành gặp nhiều khó khăn. Muốn giám định hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, không ít DN e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng nên khi được cơ quan chức năng mời đến xác nhận hàng giả thì từ chối” - LS Hậu nói.
Chia sẻ