Hàn Quốc thông qua luật 'phục hồi quyền lợi' cho giáo viên, được hưởng ứng rộng rãi

Thạch Anh,
Chia sẻ

Mới đây, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật mới nhằm bảo vệ quyền lợi nhà giáo trước áp lực từ phụ huynh và học sinh.

Hàn Quốc đã thông qua một loạt sửa đổi pháp lý nhằm cải thiện quyền của giáo viên trong trường học, sau nhiều tuần biểu tình nổ ra trong bối cảnh hàng loạt vụ giáo viên tự tử được cho là có liên quan đến áp lực từ phụ huynh.

Bốn dự luật, được gọi chung là "Dự luật khôi phục quyền giáo viên" đã được thông qua tại quốc hội hôm 21/9, thể hiện một bước quan trọng nhằm nâng cao điều kiện làm việc và bảo vệ cho các nhà giáo nước này.

Hàn Quốc thông qua luật "phục hồi quyền lợi" cho giáo viên, được hưởng ứng rộng rãi - Ảnh 1.

Người biểu tình đòi quyền lợi cho giáo viên tại Seoul.

Đặc biệt, một trong những dự luật được nhất trí ủng hộ quy định giáo viên sẽ không còn tự động bị đình chỉ nếu họ bị cáo buộc lạm dụng trẻ em. Dự luật cũng cấm hiệu trưởng nhà trường hạ thấp hoặc che giấu các hoạt động có thể vi phạm quyền của giáo viên.

Các công đoàn giáo viên đã hoan nghênh động thái này.

Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc cho biết: "Việc thông qua thành công những luật này là nhờ nỗ lực của các giáo viên đã xuống đường hàng tuần. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với họ".

Liên minh Giáo viên và Người lao động Giáo dục Hàn Quốc mô tả việc thông qua bốn dự luật là "bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa giáo dục công và đảm bảo quyền giảng dạy", nhưng cảnh báo rằng việc đạt được hiệu quả đầy đủ của các luật này có thể gặp khó khăn nếu không có đủ nhân lực, hỗ trợ ngân sách và pháp lý bổ sung.

Một điều khoản gây tranh cãi cho phép giáo viên lưu lại hồ sơ về những học sinh vi phạm quyền giáo viên ở trường, có khả năng ảnh hưởng đến triển vọng được nhận vào đại học của các em này, đã bị loại khỏi dự luật trình lên cuối cùng.

Các sửa đổi pháp lý diễn ra sau nhiều tuần biểu tình và cuộc đình công quy mô lớn của các giáo viên bày tỏ sự thất vọng trước cách đối xử bất công từ cả phụ huynh và học sinh, bao gồm cả việc bị buộc tội lạm dụng trẻ em khi kỷ luật học sinh.

Làn sóng đòi quyền lợi của giáo viên được khơi dậy sau cái chết của một giáo viên tiểu học 23 tuổi vào tháng 7 vừa qua. Cô được phát hiện đã qua đời tại trường học ở Seoul trong một vụ tự sát rõ ràng. Lý do bị nghi là tâm lý bất ổn trước những lời phàn nàn ác ý từ phụ huynh. Kể từ đó, nhiều vụ tự tử khác của giáo viên bị nghi ngờ có lý do tương tự đã được đưa ra ánh sáng.

Vào tháng 8, chính phủ đã công bố một bộ hướng dẫn nhằm nâng cao quyền của giáo viên, bao gồm các biện pháp giải quyết các khiếu nại lạm dụng. Tại Seoul, dịch vụ chatbot sẽ được giới thiệu tại các trường học để thay mặt giáo viên giải quyết các khiếu nại đơn giản của phụ huynh.

Những người biểu tình cũng đã kêu gọi cải cách cả luật phúc lợi trẻ em được giới thiệu từ năm 2014, trong đó tuyên bố rằng "làm tổn hại đến sức khỏe hoặc phúc lợi của trẻ em, hoặc thực hiện bạo lực về thể chất, tinh thần hoặc tình dục hoặc các hành vi tàn ác" cấu thành tội lạm dụng trẻ em.

Những nhà giáo bị buộc tội, theo đó, sẽ tự động bị đình chỉ và các hành vi phạm tội sẽ bị pháp luật trừng phạt.

Hàn Quốc thông qua luật "phục hồi quyền lợi" cho giáo viên, được hưởng ứng rộng rãi - Ảnh 2.

Người dân đặt hoa tưởng nhớ một giáo viên tiểu học 23 tuổi đã tự kết liễu đời mình vào tháng 7

Các giáo viên cho biết nhiều điều luật hiện đang gây khó họ trong việc kỷ luật học sinh và bị các bậc phụ huynh lợi dụng để đuổi việc họ.

Những vụ tự sát liên tiếp thời gian gần đây làm gióng lên báo động về tình trạng sức khỏe tinh thần của nhà giáo tại Hàn Quốc. Vào ngày 15/9, chính phủ đã công bố kế hoạch mới trị giá 10 tỷ won (182 tỷ đồng) để giải quyết vấn đề này. Các biện pháp bao gồm tư vấn miễn phí và điều trị sức khỏe tâm thần cho giáo viên.

Nguồn: Guardian, Telegraph

Chia sẻ