Hai người đi xe máy cà khịa, hành hung người khác trên đường Vành đai 2 đối diện hình phạt nào?

MINH NGỌC,
Chia sẻ

Theo chuyên gia, nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý thì hai người đàn ông hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự nếu như dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, chính quyền địa phương yêu cầu xử lý nghiêm minh và sự việc gây ra dư luận xấu trong xã hội.

Liên quan đến vụ việc hai thanh niên đi xe Honda SH không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, tạt đầu ô tô và hành hung người trên đường Vành đai 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng.

Hai người đi xe máy cà khịa, hành hung người khác trên đường Vành đai 2 đối diện hình phạt nào?- Ảnh 1.

Danh tính hai người được làm rõ là Trịnh Thịnh, SN 1980, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) và Trần Văn Hiệp, SN 1986, quê quán tỉnh Nam Định.

Hành vi có tính chất côn đồ khiến dư luận bất bình

Trao đổi với chúng tôi dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, việc cơ quan chức năng tạm giữ hai đối tượng này để xem xét làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết, có căn cứ. Nếu hành vi được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội" thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.

"Qua clip cho thấy hành vi của hai người đàn ông đi trên xe mô tô SH chửi bới đánh người trên đường vành đai 2, là hành vi vi phạm pháp luật, có tính chất côn đồ, hung hãn, thể hiện ý thức coi thường pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng".

Luật sư Cường phân tích, nội dung clip thể hiện hai người đàn ông này điều khiển xe mô tô SH không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên đường dành riêng cho xe ô tô thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông, nghiêm trọng hơn là hai người này đã dùng xe mô tô SH chặn đầu xe ô tô lại rồi xông vào hành hung hai người trên xe ô tô dẫn đến hai bên xô xát.

Hai người đi xe máy cà khịa, hành hung người khác trên đường Vành đai 2 đối diện hình phạt nào?- Ảnh 2.

Hành vi này diễn ra ngay sau khi hàng loạt vụ việc đánh người tham gia giao thông khiến dư luận lại càng bức xúc phẫn nộ hơn.

Theo luật sư Cường, sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh và đã triệu tập được hai người đàn ông này đến để làm việc. Tại cơ quan điều tra, hai người đàn ông này cho rằng do có người chửi bới, nhổ nước bọt vào người họ và quay clip nên mới có hành động như vậy.

"Đây là lời khai một phía của hai người đàn ông này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, thái độ và diễn biến hành vi của các bên, đánh giá hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật".

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu lời khai của những người này là đúng sự thật thì những người chửi bới, nhổ nước bọt vào hai người đàn ông này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hành vi của hai người đàn ông này là không thể chấp nhận được, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi thấy hành vi vi phạm giao thông thì bất kỳ ai cũng có quyền ghi hình để làm chứng cứ tố cáo với cơ quan chức năng cũng như để bảo vệ bản thân mình. Việc người tham gia giao thông khác ghi hình và có lời lẽ khó nghe đối với người vi phạm giao thông là điều dễ hiểu, không phải vì thế mà hành hung lại những người đang tham gia giao thông.

"Dù nguyên nhân mâu thuẫn giữa các bên hoặc nguyên nhân nào chăng nữa thì hành vi dùng xe mô tô SH chặn xe ô tô giữa đường dành riêng cho xe ô tô để đánh người đi xe ô tô là hành vi không thể chấp nhận được, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, hành vi có tính chất côn đồ", luật sư Cường nhấn mạnh.

Mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý riêng

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, phân tích thêm, sự việc cho thấy có rất nhiều điều bất lợi cho hai người đi xe mô tô này: Thái độ, hành vi, nơi xảy ra sự việc là những yếu tố khiến cho hai người đàn ông đi trên xe mô tô SH này không thể biện minh về hành vi của mình. Những người này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật đồng thời như vi phạm luật giao thông đường bộ về việc đi xe vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, đánh võng trên đường và gây mất an ninh trật tự, cố ý gây thương tích cho người khác và gây rối trật tự công cộng.

Theo đó, về nguyên tắc thì mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, nếu hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng. Hành vi nào không đủ căn cứ xử lý hình sự thì có thể là tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng trong tội danh đã bị khởi tố hoặc sẽ xử lý bằng các biện pháp hành chính (với những hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm).

Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ từng lỗi vi phạm của hai người đàn ông này, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi, xác định hậu quả xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự hoặc chế tài hành chính phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả đã gây ra đối với xã hội.

Chiếc xe của hai người đàn ông sử dụng khi đi trên đường vành đai 2

Chiếc xe của hai người đàn ông sử dụng khi đi trên đường Vành đai 2

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hai người đàn ông này đã gây ra thương tích cho nạn nhân hoặc gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì hai người này sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự hoặc tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự

Trong trường hợp này hành vi được xác định là có tính chất côn đồ, đây là tình tiết làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi, đồng thời cũng là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích và tội cố ý làm hư hỏng tài sản do không xác định được nạn nhân hoặc thiệt hại chưa đến mức xử lý hình sự, nạn nhân không có yêu cầu xử lý thì vẫn có thể xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS nếu hậu quả được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội"

Hậu quả có đến mức được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" hay không sẽ phụ thuộc vào dư luận xã hội, căn cứ vào diễn biến hành vi, hậu quả gây ra đối với các nạn nhân và xã hội, ý kiến của chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể và tình hình an ninh trật tự ở địa phương để đánh giá. Đây là tình tiết về hậu quả có tính chất "định tính" nhưng lại quyết định đến việc có xử lý hình sự đối với hai người này hay không. Bởi vậy, nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý thì hai người đàn ông này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự nếu như dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, chính quyền địa phương yêu cầu xử lý nghiêm minh và sự việc gây ra dư luận xấu trong xã hội.

Trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi có phá phách hoặc gây cản trở giao thông nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi này phải đối mặt với hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

Như vậy, hành vi của hai người đàn ông đi trên xe mô tô SH rõ ràng là sai trái và gây bức xúc trong dư luận xã hội, cơ quan chức năng có thể tạm giữ hai người này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự quy định như sau:

"Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.".

Chia sẻ