1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám (II): Nhịp sống phố phường và thời trang

,
Chia sẻ

Trong quãng thời gian 70 năm (1873 – 1943) nhịp sống phố phường và thời trang ở Hà Nội cũng có nhiều biến đổi theo thời cuộc…

Ô tô đi ngoài phố rất thưa thớt và cũng chỉ có ở vài phố như Điện Biên Phủ, Tràng Thi, Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo bây giờ. Loại ô tô du lịch thường là hiệu Renault, Citroen, Peugeot, hình thù cổ lỗ và đơn điệu: xe thấp, phía đuôi xuôi hẳn xuống, phía đầu 2 cái đèn ở trên cái chắn bùn.

Nếu đi ngược thời gian về những năm 1930-1935, thì ở Hà Nội xe ô tô loại sang của các “quan” cũng chỉ là cái xe giống loại bây giờ ta gọi là commăngca (xe chỉ huy của quân sự). Khi trời mát, các quan hạ mui xuống cho thoáng đãng. Thế cho nên sau này có xe kiểu du lịch, người ta gọi là “xe hòm” vì nó đóng kín, để  phân biết với loại xe mui vải bạt.

gahangco_2471
Khu vực ga Hàng Cỏ thời xưa cũng rất ít ô tô qua lại

Thợ thuyền ăn mặc xoàng xĩnh còn học sinh là những người  ăn mặc sạch sẽ nhất, phần lớn đi bộ. Hầu hết phụ nữ, kể cả sang hèn đều đi guốc. Đàn ông, (cả thanh niên, thợ, học sinh) cũng đi guốc nhiều hơn là giày và săng đan.

Thế kỷ XIX, ngày Tết dân thường thì đàn ông mặc áo cấp, hay áo vóc Mai Thọ, còn đàn bà mặc áo vóc Lê Lựu. Nhà quan dùng nón Nghê, thứ nón vừa nhẹ vừa xinh. Người có phẩm tước, tức làm quan, ngày Tết mặc áo lam hay áo gấm, quần điều, còn vợ họ khác thường dân ở cái quần điều và đôi giày điều (tức giày dừa, mũi giày bằng nhung màu, thêu cườm).

Ngày thường nhà phong lưu đội khăn lượt thâm, mặc áo the La Cả, áo sa trơn hay sa hoa, quần vải trúc bâu, đi giày Gia Định. Còn đàn bàn chít khăn bít tóc bằng lượt, nhiễu hay nhung, tóc đuôi gà vắt ngang mái tóc. Phụ nữ mặc áo dài lụa, áo băng, quần lĩnh rút rế, lĩnh Tây Lăng do làng Bưởi dệt, đi dép cong sơn đen, đội nón ba tầm, sau đi giày mũi da hoặc nhung...

Ở đám cưới, chú rể mặc áo gấm, những người phù rể mặc áo đoạn hoặc xa tanh đen, họ đều mặc quần vải trúc bâu trắng. Chú rể, cô dâu đều đi giày dừa, chú rể mũi giày xanh, cô dâu mũi giày trắng…

Về sau, nam cũng như nữ, rất ít người dùng nón mà thường dùng ô, trai dùng ô lục soạn đen, gái dùng ô nhỏ hơn, đủ các màu. Các bà các cô bỏ đôi dép cong nặng chịch để đi giày. Phụ nữ có tuổi đi giày da, còn trẻ thì đi giày mũi nhung, thêu cườm, hay thêu kim tuyến, mua hoặc thửa ở hiệu Đức Mậu - Hàng Bồ.

Những năm 1920, đàn ông mặc tây, quần ống rộng, áo vét tông 2 khuy bó chặt thân, cà vạt bện to. Các bà mặc áo dài ngắn vạt, tay ráp phùng ở vai, tóc dài chấm gót bới thành bánh. Từ năm 1930 trở về sau, việc mặc quần áo tây mỗi ngày một nhiều và có nhiều mốt mới.

Về mùa rét, nếu mặc comlê (complet) thì gọi là diện ive (hiver là mùa đông). Comlê gồm có quần, gilê (gilet), vét tông (veston), ngoài ra còn cavát (cravate), mũ phớt (feutre, một loại dạ). Vải may comlê (bằng tissus) ưa thích là Dormeuil và một vài thứ khác như Montagnard... Thanh niên thích màu xanh chai (cho màu đó là trẻ); người già, đứng tuổi dùng màu gam nâu, màu xám… Quần tây bấy giờ đang thịnh mốt gấu lơvê (levé, gấu gấp lên).

Về mùa hè – vì là xứ nhiệt đới - thanh niên thường mặc quần trắng, hiếm khi quần màu và không có ai dùng quần kaki. Áo thường là sơ mi dét (chemisette, thân ngắn, hẹp, tay cộc) bằng vải phin hay dệt kim. Dệt kim thường là hàng Tây, mà nổi tiếng là của hãng Pháp Valisère; sơ mi dét Valisère có vài màu, nhưng được ưa chuộng là màu tím than. Khi ấy không có cách mặc sơ mi bỏ ngoài quần, kể cả những người lao động, vì đã gọi là mặc Tây thì phải quần, xanh tuya (ceinture- dây thắt lưng) bó áo vào trong.

Mũ, thì đầu mùa hè không dùng, đầu trần đã bắt đầu thành mốt. Cái mũ cát (casque) thường dùng ở những người mặc theo lối ta, hoặc mặc Tây nhưng ở các ông thầu khoán, cai kíp, người đứng tuổi. 

Mùa rét người ta dùng giày da. Phổ cập là màu nâu, ít người dùng giày đen. Mùa thu hay mùa hè, dùng giày đơ culơ (deux couleurs, hai màu). Mùa nóng, thanh niên đi giày vải là phổ biến. Hiệu giày có nhiều nhưng được ưa thích là giày Tiệp Khắc- giày Ba Ta bán ở phố Hàng Đào.

Từ năm 1920 mốt mặc áo màu và khăn san đã ra đời. Đến năm 1930 chẳng những cái áo vân Tàu, cái quần lĩnh Bưởi đã bị các bà các cô “chôn chặt” mà cả cái áo hàng thâm, cái quần tía bông cũng bị các bà các cô ruồng bỏ để nhường chỗ cho cái quần trắng áo lam.

Vào năm 1935, một họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Nguyễn Cát Tường, chủ một cửa hàng mốt phụ nữ tân thời lớn nhất ở 16 phố Lê Lợi - Hà Nội, đã có sáng kiến đưa ra một kiểu áo dài ceintré thắt lưng ong, gấu viền nhỏ, vê tròn, chiếc áo được may bó sát người làm nổi lên những đường cong hấp dẫn trên cơ thể phụ nữ, khiến thân hình như cao hơn, mảnh mai hơn. Còn chiếc quần được may bằng lụa hay sa tanh trắng hơi bó sát mông và đùi để mở rộng từ đầu gối xuống, làm cho đôi chân như dài hơn trên đôi dép cao gót. Kiểu áo này gọi là kiểu Lơmuya (Lemur nghĩa là tường).

Bạn gái thời đó đi guốc là chính và guốc thì thường thấp gót. Ít người đi guốc cao gót và không có ai đi dép (tất nhiên cũng chưa có người sản xuất dép nữ). Những dịp trịnh trọng thì đi giày cườm (kiểu mõm nhái). Nếu là cưới, thì đi hài. Hai kiểu giày nữ này thường do hiệu “Quận Chúa” ở phố Hàng Đào sản xuất và bán. Phụ nữ đi ngoài phố thường là đi tay không mang gì cả. Cái sắc tay (sac à main) cũng ít người dùng.

Về cái răng cái tóc vào năm 1939 hãy còn những cô gái ngoài 20 tuổi răng đen. Tuy vậy lúc cần thiết vẫn đánh phấn má hồng, môi son và mặc “tân thời” (cái từ “tân thời” từ năm 1940 người ta không dùng nữa). Rồi dần dần những hàm răng đen cũng biến thành trắng. Có lẽ đó cũng là một trong những “bối cảnh” để xuất hiện mốt “Mỹ viện Amy” ở phố Hàng Than với cái quảng cáo: “Cạo răng đen - Uốn tóc - Kẻ lông mày”. Vì vậy, cái “Mỹ viện Amy” này có thể đi vào “lịch sử” được vì  nó là 1 trong vài hiệu uốn tóc nữ đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội.

Cho đến năm 1940 thì mặc ta còn khá nhiều ở thanh niên nhưng cũng từ năm ấy trở đi thì giảm dần, rồi giảm nhanh.

Theo thanglong.chinhphu.vn

Chia sẻ