Hà Nội: Tràn lan nấm không rõ xuất xứ

,
Chia sẻ

Nấm TQ đang bày bán tràn lan từ chợ nhỏ đến chợ lớn, được người dân sử dụng như một món “khoái khẩu”. Nhưng các nấm này lấy ở đâu, kiểm dịch thực vật thế nào thì không ai biết

Người bán cũng không biết nấm ở đâu mà ra

 

Tại các chợ chủ yếu bán lẻ như chợ Thành Công, chợ Láng, chợ Dịch Vọng, Nghĩa Tân…, mua nấm các loại rất dễ dàng bởi hầu hết các cửa hàng, kiot đều bán nấm với nhiều loại phong phú, giá đa dạng.

 

Trong dãy kiot hàng khô của chị Liên ở chợ Thành Công, nấm được phân làm hai loại: nấm xào và nấm nấu lẩu.

 

Nếu khách mua về để xào, chủ kiot sẽ bán cho nấm tuyết (9.000 đồng/lạng) hoặc nấm sò (20.000 đồng/kg - loại nấm giá rẻ nhất trên thị trường).

 

Theo thông tin chị Liên cho biết thì nấm sò thường được những người bán bún thang, bún mọc sử dụng vì mức giá vừa phải, phù hợp với kinh doanh quán ăn bình dân.

 

Các loại nấm còn lại trong kiot nhà chị Liên (thường để nấu lẩu) có giá cao hơn: nấm kim châm: 110.000 đồng/kg; nấm mỡ, nấm đùi gà: 90.000 đồng/kg; nấm hương: 120.000 đồng/kg. Các loại nấm này dậy mùi, ngậy và dễ “lừa miệng” người ăn hơn.

 

“Các loại nấm này thường nhà hàng “nhỡ nhần” mới mua nên lượng tiêu thụ chậm hơn”, chị nói.

 

Một điểm chung dễ nhận thấy trên các túi nấm này là không ghi nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Tất cả đều được đổ chung vào một túi to, khi khách có nhu cầu sẽ mở ra cân bán lẻ. Chỉ riêng nấm tuyết trên bao bì cũng có vài chữ Trung Quốc, ngoài ra không có dòng chữ tiếng Việt nào.

 

Chị Liên thật thà: “Tôi cũng không biết nấm này ở đâu mà ra, chỉ biết hết hàng thì cứ lên chợ Đồng Xuân lấy về”. Chị cố ý gia tăng độ tin cậy cho khách: “Các loại không có nhãn mác là nấm quê, lấy từ các chợ đầu mối nên không đóng gói”.

 

Nấm đã trở thành món ăn/thực phẩm trang trí quan trọng trong đời sống ẩm thực của người dân. Nhưng hiện nay, chính người dân khi mua cũng không còn thói quen hỏi về xuất xứ sản phẩm.

 

“Vì biết trước có hỏi cũng không ai nói là hàng đểu. Mặt hàng nào cũng thế chứ không riêng gì nấm. Cho nên, cách tự làm mình cảm thấy an toàn là mua loại nấm giá cao. Phải có lý do gì thì giá mới cao hơn chứ?”, chị Hà Thị Thanh, khu tập thể Thành Công phân trần.

 

Ngược lên chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, việc tìm mua nấm các loại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và toàn bộ hàng đều từ Trung Quốc chuyển sang.

 

Tràn lan nấm Trung Quốc không rõ xuất xứ

 

Ngay sát dãy nhà 3 tầng trung tâm của chợ Đồng Xuân là la liệt các cửa hàng, kiot bán thập cẩm các loại đồ khô. Các túi bóng lớn chứa nấm các loại nổi bật trong đống hàng hoá vì số lượng nhiều, lại được bày ngay tại dãy ngoài cùng để thu hút người mua.

 

Ở đây chúng tôi không bán lẻ. Hoặc là nhà hàng mua, hoặc là các hộ kinh doanh nhỏ mua về để bán lại. Toàn bộ nấm bán tại chợ này đều từ Trung Quốc mà ra cả, vì Việt Nam làm gì có nấm hương nhân tạo”, chị Hà, chủ kiot trước cửa chợ Đồng Xuân nói.

 

Chiếm đa phần trong quầy hàng nấm của chị là nấm hương có kích thước tròn vừa vặn, ngâm nước nở đều và sau khi nấu chín sẽ căng mọng hấp dẫn. Hàng ngày, chị bán nấm các loại với lượng lớn lên đến vài chục cân.

 

Cách quầy chị Hà không xa (ngã tư Cao Thắng), giá nấm các loại nhích thêm 10.000 đồng/kg.

 

Nếu người mua so sánh, người bán chắc chắn sẽ giải thích: “Bên đó rẻ hơn 10.000 vì đó là hàng Trung Quốc. Đây là "nấm Việt Nam" xịn”.

 

Mỗi quầy có trung bình 3-5 bọc nấm trong túi bóng to. Theo quan sát, các túi bóng chứa nấm tại đây đều không có ghi thông tin gì về nấm.

 

Hiện nay, chị Hà đang là đầu mối giao hàng cho các nhà ăn bình dân trên phố Nguyễn Chí Thanh, một số nhà hàng chuyên về lẩu nấm trên phố Đào Tấn, Yết Kiêu. Các nhà hàng này mỗi lần đều mua lượng ít nhất là 10kg trở lên, hoàn toàn được miễn phí xe chở đến tận nơi.

 

Để tiêu thụ được lượng hàng lớn hơn và giữ mối được lâu dài, ổn định, chị Hà đã chấp nhận chi một khoản tiền để móc nối được với các trung tâm chuyên khai thác mặt hàng nhập khẩu, trong đó có nấm.

 

Các trung tâm này có thể đứng ra đảm nhận mua – bán nấm có nguồn gốc, “thương hiệu” để phục vụ các nhà hàng. Như vậy, thông qua cái “bắt tay” này, đã có nhiều loại nấm Trung Quốc không rõ xuất xứ đi thẳng từ chợ Đồng Xuân vào nhà hàng dưới mác “hàng hiệu”.

 

Không kiểm dịch thực vật

 

Theo thông tin từ các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân thì nấm theo các loại hàng hoá khác trên biên giới Lạng Sơn tràn về dưới xuôi, tập kết tại chợ Long Biên, sau đó được phân phối đi các nơi.

 

Hiện nay, theo tìm hiểu của PV, chợ Long Biên chỉ kiểm tra quản lý các loại hoa quả tươi chứ không nắm được lượng nấm một ngày về chợ đầu mối ở Hà Nội là bao nhiêu.

 

Điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ ngộ độc là không nhỏ nếu ăn loại nấm nhập từ Trung Quốc nhưng không rõ nguồn gốc.

 

Các loại nấm này khi không được kiểm dịch thực vật thì không thể đo đếm nồng độ các hoá chất bảo vệ thực vật hay hoá chất sử dụng trong quá trình nuôi trồng, bảo quản có vượt quá mức độ cho phép hay không. Đó là chưa kể đến nguy cơ lẫn lộn các loại nấm độc.

 

Hồi đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra mặt hàng này và thu giữ số lượng lớn nấm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Ngọc Anh

Chia sẻ