Hà Nội đón mưa dông trở lại, những địa điểm nào dễ ngập nhất?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Đợt mưa dông tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc được dự báo sẽ kéo dài đến ngày 11 - 12/6. Lo ngại nguy cơ ngập úng sẽ tái diễn tại nhiều địa điểm trong thành phố.

Mưa kéo dài

Theo trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ đêm qua (05/6) đến sáng sớm nay (06/6), ở khu vực Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa tính từ 19h ngày 05/6 đến 08h ngày 06/6) như: Than Uyên (Lai Châu) 90mm, Mù Cang Chải (Yên Bái) 84mm, Thanh Mai (Bắc Kạn) 151.4mm, Tp.Tuyên Quang (Tuyên Quang) 113.6mm, Lam Vỹ (Thái Nguyên) 109mm, Thọ Sơn (Phú Thọ) 90.8mm, Chi Lăng (Lạng Sơn) 85.6mm,...

Dự báo: Từ nay (06/6) đến sáng 08/6, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; ở Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to (thời gian xảy ra mưa dông tập trung từ chiều tối đến đêm). Dự báo lượng mưa tích lũy 24h:

- Trong ngày và đêm nay (06/6) ở Bắc Bộ và Thanh Hóa: phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm.

- Từ ngày 07/6 đến sáng 08/6 ở vùng núi và trung du Bắc Bộ: phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Hà Nội đón mưa dông trở lại, tình trạng ngập "full" thành phố sẽ tiếp tục tái diễn? - Ảnh 1.

Mưa dông diện rộng quay trở lại các tỉnh miền Bắc. Ảnh minh hoạ.

Cảnh báo: Đây là một đợt mưa diện rộng và có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11-12/6, mưa lớn tập trung ở vùng núi và trung du Bắc Bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm nay (06/6) có mưa vừa, mưa to và dông. Từ ngày 07/6 đến ngày 11/6 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to (thời gian mưa dông tập trung từ chiều tối đến đêm).

Tình trạng ngập úng tái diễn?

Trong đợt mưa này, Hà Nội được dự báo sẽ có mưa dông kéo dài đến ngày 11/6, thời gian mưa tập trung từ chiều tối đến đêm. Với lượng mưa được dự báo phổ biến tại khu vực Bắc Bộ trong 24h từ 35-70mm, có nơi trên 90mm, lo ngại tình trạng ngập úng tại nhiều địa điểm sẽ tiếp tục tái diễn như đợt mưa ngày 29/5 vừa qua. 

Hiện, hệ thống thoát nước của Hà Nội chỉ đáp ứng được trong trường hợp mưa dưới 50mm trong vòng 2 giờ và dưới 310mm trong vòng 2 ngày. Nếu mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa mưa to tại Hà Nội kéo dài có khả năng gây sẽ ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành.

Theo thống kê, thành phố còn tồn tại 11 điểm ngập chưa thể giải quyết. Nhưng điều đáng nói, 11 điểm đen này chia đủ cho các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên... Đặc biệt trong trong đợt mưa ngày 29-30/5, Hà Nội mưa lớn làm xuất hiện khoảng 100 điểm ngập lớn nhỏ, giao thông hỗn loạn.  

Chính vì vậy, người dân lo ngại nếu cứ mưa lớn là ngập "full" thành phố. 

Hà Nội đón mưa dông trở lại, tình trạng ngập "full" thành phố sẽ tiếp tục tái diễn? - Ảnh 2.

Đợt mưa lớn ngày 29 - 30/5 tại Hà Nội xuất hiện khoảng 100 điểm ngập lớn nhỏ, giao thông hỗn loạn.

Trong số 11 điểm đen này, đã có 3 điểm ngập đã giảm thiểu tình trạng úng ngập là Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến.

Tuy nhiên, bể ngầm tại phố Nguyễn Khuyến chỉ đang đáp ứng cho các trận mưa trung bình dưới 50mm. Trong khi 2 trận mưa vừa qua (lưu lượng 180 - 300mm), hệ thống thoát nước và bể ngầm đều bị quá tải.

5 điểm đang triển khai các dự án cải tạo thoát nước là: ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; phố Thụy Khuê (dốc La Pho); phố Cao Bá Quát; phố Vũ Trọng Phụng.

3 điểm còn lại đang trong quá trình nghiên cứu các dự án chống ngập là Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm và đường Hoàng Như Tiếp.

Thế nhưng, thời gian nước rút phụ thuộc vào vũ lượng cũng như khả năng tiêu thoát tự nhiên, dao động 20 phút đến một giờ. Chính vì vậy, nhiều địa điểm vẫn chìm trong biển nước hàng giờ đồng hồ sau mưa.

Trong những ngày tới, Hà Nội được dự báo sẽ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, chính vì vậy người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển vào các khu vực trũng, thấp, thường xuyên xảy ra ngập lụt khi mưa lớn trút xuống.

Hà Nội đón mưa dông trở lại, tình trạng ngập "full" thành phố sẽ tiếp tục tái diễn? - Ảnh 3.

Đặc biệt, có nhiều khu vực như phường Tứ Liên, quận Tây Hồ dù đã hơn 1 tuần sau trận mưa lịch sử (29/5) nhưng người dân nơi đây vẫn phải sống trong tình trạng ngập úng nghiêm trọng.

Cụ thể, đến chiều ngày 4/6 tại phường Tứ Liên đoạn từ ngõ 95 Âu Cơ đến 139 Âu Cơ, hàng trăm mét đường, ngõ ngách bị bao vây, bốn bề là nước thải. Đáng nói, nhiều hộ gia đình bị nước tràn vào nhà.

Nước mưa, nước thải bủa vây, chui vào tận giường, đã khiến nhiều hộ gia đình buộc phải di tản đi nơi khác sinh sống, phó mặc đồ đạc, nhà cửa, tài sản giữa mênh mông trên "biển nước".

Theo người dân nơi đây, tình trạng cứ mưa là ngập xuất hiện khoảng chục năm nay. Những cơn mưa lớn khiến ngõ bị ngập rất sâu, kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các gia đình. Năm nay, tình trạng ngập đến sớm hơn mọi năm khiến người dân lo lắng không biết phải sống ra sao khi mùa mưa kéo dài đến vài tháng nữa.

Hà Nội đón mưa dông trở lại, tình trạng ngập "full" thành phố sẽ tiếp tục tái diễn? - Ảnh 4.

Người dân sinh sống tại ngõ 139 Âu Cơ vẫn phải dùng thuyền để di chuyển dù đã hơn 1 tuần sau trận mưa lịch sử.

Hiện tại, nước đã rút nhưng nhiều nơi tại phường Tứ Liên vẫn ngập từ 20 đến 100cm. Trong khi mưa vừa, cục bộ mưa to được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới đây, thì tình trạng ngập úng tại khu vực này sẽ tiếp tục tái diễn.

Theo lãnh đạo phường Tứ Liên cho biết, có nhiều nguyên nhân, trước hết do hệ thống kênh mương trên địa bàn nhiều năm không được nạo vét, tích tụ bùn đất; do hệ thống thoát nước bị đổ trộm rác thải…

Nguyên nhân chính do khu đất này là vùng trũng nhất của phường, nằm kẹt giữa đê Âu Cơ và đường Xuân Diệu. Trong khi đó, đường dẫn thoát nước ra gần hồ Tứ Liên không còn; đồng thời, đường dẫn thoát nước từ hồ Tứ Liên ra hồ Tây cũng không còn. Vì vậy, mỗi khi mưa lớn xảy ra, nơi này luôn trong tình trạng ngập lụt.

Ngập lụt do hồ ao, sông ngòi bị lấp

Ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, hệ thống ao hồ rất nhiều, địa hình rất thuận lợi để xây dựng hệ thống thoát lũ tự nhiên và phân vùng tiêu úng.

“Vậy nhưng những năm qua, thành phố Hà Nội đã không tận dụng lợi thế và địa hình này để thực hiện quy hoạch thoát nước, lại cứ tập trung xây cống ngầm, trạm bơm nằm cách xa các sông ngòi rồi phải xây kênh dẫn phức tạp. Trong khi đó, sông ngòi, ao hồ lại đang bị lấp, thu hẹp”, PGS TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam nói.

PGS TS Trần Đức Hạ cho biết, một đô thị sẽ có hệ thống thoát nước tự nhiên tốt khi ao hồ, sông ngòi chiếm 5% quỹ đất đô thị. 20 năm trước, Hà Nội từng có quỹ đất cho ao hồ, sông ngòi đến 10%, tuy nhiên hiện nay thành phố đã để cho đô thị hóa cao nên quỹ đất này chỉ còn... 2%.

Theo Tiền phong

Chia sẻ