Hà Nội đã tổ chức giám sát 1.230 chuyến bay từ vùng có dịch Mers- CoV

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Hà Nội đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch Mers-CoV, chủ động xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), đặc biệt trước sự gia tăng nhanh số ca mắc và tử vong tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây, Hà Nội đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch chủ động xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch.

Thông tin trên được ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vào chiều nay ngày 23/6.

Về công tác giám sát, xử lý dịch được tăng cường. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phòng chống dịch Mers-CoV xâm nhập, bố trí 2 máy đo thân nhiệt phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ mác Mers-CoV, ngoài ra còn có 3 máy dự phòng.

Từ 1/6/2015 đến nay Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã tổ chức giám sát 1.230 chuyến bay với 159.925 hành khách đến từ các nước có dịch, trong đó có 188 chuyến bay với 26.028 hành khách từ Hàn Quốc, 21 chuyến bay với 5.593 hành khách từ khu vực Trung Đông.

dịch bệnh Mers-CoV
Buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vào chiều nay ngày 23/6.

Tại các Trung tâm y tế tuyến quận, huyện đã phân công cán bộ y tế phụ trách theo từng khu vực, nắm chắc địa điểm hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch đến lưu trú, làm việc trên địa  bàn đặc biệt là tại cộng động nơi có nhiều người Hàn Quốc ở như tòa nhà Keangnam, Marriott… Cho tới thời điểm hiện tại, các đơn vị đã tổ chức giám sát tình trạng sức khỏe của 4.331 trường hợp hành khách đến từ các quốc gia có dịch, có 10 trường hợp qua theo dõi có hiện tượng ho sốt đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới Trung ương và kết quả xét nghiệm âm tính với MERS-CoV.

Bênh cạnh đó, ngành y tế thành phố đã xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch. Cụ thể: trường hợp phát hiện ca bệnh đơn lẻ nhập cảnh qua sân bay Nội Bài sẽ chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Khi bệnh viện này quá tải các bệnh nhân của Hà Nội sẽ được chuyển về Bệnh viện Bắc Thăng Long, với 24 giường truyền nhiễm và 360 giường kế hoạch và các bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trường hợp số ca mắc cao tất cả các bệnh viện đều tham gia tiếp nhận và triển khai phương án thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Ông  Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc trị cho bệnh nhân mắc vi rút nói chung, vi rút Corona nói riêng mà chỉ điều trị triệu chứng khi có người mắc bệnh. Vì vậy, toàn ngành y tế đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV còn người dân cần hợp tác với y tế bằng cách nếu không có việc gì thật sự cần thiết không đi đến vùng có dịch. khi đi từ vùng có dịch về cần chủ động khai báo với ngành y tế để được giám sát và theo dõi sức khỏe.

Tính đến ngày 22/6/2015, thế giới đã ghi nhận 1340 trường hợp mắc MERS-CoV, 437 trường hợp tử vong (35,3%). 

Bệnh lưu hành chủ yếu ở 9 nước khu vực Trung Đông và 18 quốc gia khác trên thế giới ghi nhận ca bệnh xâm nhập. 

Tại Hàn Quốc, từ ngày 19/5/2015, khi xác định ca nhiễm bệnh MERS-CoV đầu tiên đến ngày 22/6/2015 (sau 34 ngày) đã ghi nhận 172 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong. Các chuyên gia y tế Hàn Quốc đánh giá số ca mắc MERS-CoV tại quốc gia này đang có xu hướng chậm lại. 

Ngày 18/62015, Thái Lan ghi nhận ca dịch MERS-CoV xâm nhập đầu tiên là bệnh nhân nam 75 tuổi nhập cảnh từ Oman đến Thái Lan để điều trị bệnh tim mạch.


Chia sẻ