Giúp mẹ cho con ăn dặm BLW trữ đông thực phẩm khi phải đi làm

Mẹ Ong Bông,
Chia sẻ

Đối với các bà mẹ có con nhỏ, đặc biệt là con ở trong độ tuổi ăn dặm thì việc chuẩn bị, trữ đông đồ ăn cho con khi phải đi làm luôn là vấn đề đau đầu nhất.

Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy Baby led weaning đang là phương pháp được khá nhiều các phụ huynh trẻ ưa chuộng và muốn chọn lựa để làm phương pháp ăn dặm cho con. Tuy nhiên, đối với các phụ huynh phải đi làm bận rộn thì điều làm họ băn khoăn chính là việc chuẩn bị đồ ăn thế nào cho nhanh, gọn và hiệu quả.

Câu trả lời cho băn khoăn này thực ra rất đơn giản : Hãy trữ đông thực phẩm!

Dưới đây là một số gợi ý giúp các bố mẹ bận rộn dự trữ và chế biến thực phẩm cho con theo từng giai đoạn con ăn dặm theo phương pháp BLW.

1. Chuẩn bị:

- Túi ziplock hoặc túi hút chân không để đựng thực phẩm chưa nấu.

- Hộp nhựa an toàn (loại có thể dùng trong lò vi sóng) hoặc hộp thủy tinh có nắp để đựng thực phẩm đã sơ chế hoặc đã nấu sơ.

- Giấy nhớ để đánh dấu thời gian bạn lưu trữ thực phẩm.

- Ngoài ra việc lên kế hoạch sẵn xem tuần đó bạn sẽ cho con ăn gì cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian và dự đoán được những loại thực phẩm nào mình cần dự trữ, cũng như cách chuẩn bị ra sao để khi nấu đỡ mất thời gian nhất.

Giúp mẹ cho con ăn dặm BLW trữ đông thực phẩm khi phải đi làm 1
Những đồ dùng cần chuẩn bị để trữ đông đồ ăn rất đơn giản. (Ảnh: Mẹ Ong Bông)

2. Giai đoạn mới tập kĩ năng (khoảng từ 6-9 tháng): Ở giai đoạn này, cha mẹ chưa cần phải chú trọng đến số lượng hay sự phong phú của thức ăn vì chủ yếu là để bé tập cầm nắm thức ăn, đưa lên miệng, nhai và nuốt thành thạo. Bởi thế, ở giai đoạn này thực phẩm chủ yếu tập trung vào rau củ, trái cây và ngũ cốc đơn giản như bánh mỳ.

- Rau: Giai đoạn này bé chỉ tập với các loại rau họ củ, chứ không dùng rau lá để tránh bị hóc. Nếu chỉ chuẩn bị trong 2-3 ngày bạn có thể nhặt rau, rửa sạch, để khô rồi bỏ vào túi ziplock hoặc vào hộp (nhớ ghi chú ngày tháng).

Đến giờ bạn chỉ việc bỏ rau ra hấp cùng cơm hoặc luộc cùng rau khác là có thể cho con ăn luôn. Nếu muốn chuẩn bị cho cả tuần, bạn có thể mua khoảng 4,5 loại rau củ rồi cắt sẵn sau đó bỏ lên ngăn đá tủ lạnh.

- Trái cây: Chỉ một số loại quả có thể cắt sẵn và để ngăn mát tủ lạnh như: Dưa hấu, bơ, thanh long, xoài, cam, lê... Các loại trái cây khác cần ăn lúc nào cắt lúc đó để đảm bảo độ tươi ngon. Trái cây cắt sẵn rồi chỉ nên dùng tối đa 2-3 ngày.

- Ngũ cốc: Giai đoạn này bé chưa nhất thiết phải ăn cơm vì cơm khá dính, bé cầm nắm chưa thạo sẽ dễ bóp cơm nát ra dính vào tay và làm bé khó chịu, bởi vậy bánh mì là loại ngũ cốc được tin dùng cho giai đoạn này. Nếu không có thời gian mua bánh mì thường xuyên, bạn có thể trữ đông bánh mì (tốt nhất nên cắt sẵn), khi lấy cho bé ăn đem nướng trong lò nướng hoặc trên chảo không dính.

Giúp mẹ cho con ăn dặm BLW trữ đông thực phẩm khi phải đi làm 2
Từng loại thực phẩm được chia ra các túi nhỏ và dùng giấy nhớ đánh dấu ngày trữ đông. (Ảnh: Mẹ Ong Bông)

- Protein: Giai đoạn này cũng chưa cần chú trọng đến protein cho trẻ, có thể cho trẻ ăn được thịt gà hoặc thịt lợn luộc, vậy thì tốt nhất là tận dụng bữa ăn gia đình. Khi nào cha mẹ luộc gà hoặc thit lợn thì để dành cho bé 1, 2 miếng.

3. Giai đoạn phát triển kĩ năng (khoảng từ 8-14 tháng tùy từng bé): Giai đoạn phát triển kĩ năng ở phương pháp ăn dặm BLW gắn liền với 2 giai đoạn bốc nhón và sau đó là tập dùng thìa. Ở mỗi giai đoạn bố mẹ sẽ chế biến hình dạng, kích thước món ăn phù hợp với kĩ năng của bé, ví dụ như bé tập bốc nhón thì chúng ta sẽ chế biến thức ăn có dạng tròn hoặc vuông trong khi bé tập thìa thì chế biến các món sệt hoặc khô để bé dùng thìa xúc.

Rau củ: Ở giai đoạn bốc nhón bé vẫn tiếp tục ăn các loại củ, và phần cọng của rau lá, các loại rau củ này đều có thể cắt theo dạng hình vuông, hoặc hạt lựu rồi cho vào ngăn mát hoặc ngăn đá tùy thời gian sử dụng. Riêng cọng của rau lá thì nên sử dụng càng sớm càng tốt vì càng để lâu khi chế biến rau sẽ càng mềm, khó cầm nắm và ăn cũng không được ngon.

- Sang đến giai đoạn tập thìa, ngoài việc ăn các loại rau theo hình thức hấp/luộc/xào thì có thể cho bé ăn canh, ăn súp.

* Nấu canh: Hãy dành riêng một ngày rảnh rỗi hoặc cuối tuần để hầm xương gà hoặc xương lợn vào trong một nồi to, sau đó chia nhỏ ra vào các hộp nhỏ và bỏ vào ngăn đá, rau củ nếu được rửa sạch và trữ mát hoặc đông từ trước thì mỗi khi đi làm về bạn chỉ cần bỏ hộp nước dùng đã hầm sẵn vào lò vi sóng rã đông, sau đó đun sôi rồi thả rau củ vào là có được một nồi canh vừa ngon và nhanh gọn. Bạn có thể thay nước dùng xương bằng nước hầm nhừ rau củ quả. Nước dùng này có thể dự trữ trên ngăn đá từ 1-2 tháng, nhưng mỗi tuần có lẽ chuẩn bị 1 lần là ổn nhất.

* Nấu súp: Tương tự như nấu canh, nấu súp còn đơn giản hơn nhiều ở khâu rã đông. Bạn có thể dành một buổi tối để nấu khoảng 2 -3 loại súp, xay nhuyễn bỏ vào hộp và trữ đông, tốt nhất là định lượng phần ăn mỗi bữa và cho định lượng đó vào hộp. Đến khi giã đông chỉ cần bỏ hộp ra cho vào lò vi sóng quay cho nóng là có thể ăn ngay được.

Giúp mẹ cho con ăn dặm BLW trữ đông thực phẩm khi phải đi làm 3
Món sốt táo và sốt rau củ được chia ra các hộp tùy theo lượng ăn từng bữa để trữ đông trong ngăn đá tủ lạnh. (Ảnh: Hà Chũn)

- Trái cây: Giống như giai đoạn mới tập ăn, nếu bạn muốn ăn trái cây trực tiếp thì chỉ có thể trữ mát các loại quả mà thôi . Nếu bạn không có thời gian để đi mua trái cây trong tuần thì tốt nhất là xen kẽ giữa các bữa ăn trái cây trực tiếp bạn cho con ăn sinh tố hoặc sốt trái cây. Các món này rất thích hợp trong giai đoạn bé tập dùng thìa. Trái cây bạn có thể trữ đông rồi sau đó bỏ vào máy xay sinh tố rồi xay lên hoặc có thể xay thành sinh tố sẵn rồi bỏ vào hộp vào cho lên ngăn đá.

Lưu ý chỉ đổ sinh tố đầy 2/3 hộp mà thôi. Nếu không muốn con ăn lạnh, bạn có thể làm các loại sốt hoa quả như sốt táo, sốt xoài, sốt lê bằng cách rất đơn giản là đun các loại trái cây ở trong nước cho thật mềm, sau đó bỏ vào máy xay sinh tố rồi đổ vào hộp để trữ đông. Sau khi bỏ ra khỏi ngăn đá, rã đông trong lò vi sóng đến khi sốt trái cây nóng lên hoặc đổ vào nồi đun nhỏ lửa.

- Ngũ cốc: Ở giai đoạn này chúng ta đã có thể giới thiệu đến các bé hầu hết các loại ngũ cốc mà người lớn ăn được như cơm, xôi, khoai, bánh mỳ, mỳ Ý, nui. Với các loại khoai bạn hoàn toàn có thể sơ chế như rau củ và trữ đông, bánh mỳ cũng trữ đông tương tự. Cơm thì nấu khá nhanh và là món ăn phổ biến, chúng ta hoàn toàn có thể cho trẻ ăn cơm giống như cơm của người lớn, không nhất thiết phải nấu riêng.

Với Mỳ Ý chúng ta cũng hoàn toàn có thể trữ đông được: Luộc mỳ lên, vớt ra xả nước nguội, rồi trộn cùng dầu ô liu để sợi mỳ không dính vào nhau sau đó ngay lập tức  bỏ mỳ vào túi ziplock hoặc trong những cốc đựng bánh muffin, chú ý dàn đều Mỳ hoặc nui ra. Khi muốn nấu ăn, bạn có thể rã đông trong lò vi sóng bình thường.

Giúp mẹ cho con ăn dặm BLW trữ đông thực phẩm khi phải đi làm 4
Mỳ Ý được cho vào các túi ziplock để chuẩn bị trữ đông. (Ảnh: Internet)

- Protein: Từ giai đoạn bốc nhón trở đi, nếu như không có tiền sử dị ứng thì trẻ ăn được hầu hết các loại thực phẩm chứa protein (đối với các loại đậu thì cần phải chờ đến khi bé nuốt thật tốt tức là khoảng 11 tháng trở lên mới cho bé ăn). Trữ đông thịt động vật và đậu nấu sẵn rất dễ dàng và tiện dụng.

Trong giai đoạn trẻ tập bốc nhón, chúng ta có thể trữ đông các món như: thịt viên, chả nem, chả cá, chả cua hay chạo tôm (viên tròn). Chỉ cần rán sơ qua sau đó bỏ vào hộp hoặc túi ziplock là chúng ta có thể có các món thịt khác nhau trong vòng 1 tháng. Với các món thịt dùng để xào hay nấu canh khi cho con tập dùng thìa chúng ta có thể rửa sạch rồi thái hoặc băm ngay sau khi mua về, chia thành các phần nhỏ, tẩm ướp và cho vào ngăn đá (nếu bạn đã lập bảng thực đơn tuần hoặc tháng thì việc này cực kỳ đơn giản). Chúng ta cũng có thể làm tương tự với các món cá, thậm chí bạn có thể rán cá hoặc xào sẵn thịt lên trước khi cho vào ngăn đá.

Với các món protein có nguồn gốc từ động vật  chúng ta cũng có thể nấu sẵn rồi mới trữ đông dù trữ đông các món ăn từ thực vật sẽ ngắn hơn so với các món đạm có nguồn gốc động vật. Ví dụ chúng ta chỉ nên trữ đông các món đậu hầm trong vòng 1 tuần, với món chả đậu phụ hay đậu phụ rán sơ thì chỉ được để ngăn mát (đậy kín) trong vòng 5-7 ngày mà thôi.

Khoa học đã chứng minh rằng việc trữ đông thực phẩm không làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm như chúng ta lầm tưởng. Thậm chí với một vài loại trái cây hay rau củ được trữ đông ngay sau khi thu hoạch thì còn tốt hơn cả những thực phẩm đó được di chuyển và bày bán tươi mới ở chợ hay siêu thị.

Trong các gia đình, việc tự trữ đông thực phẩm sẽ làm chậm sự tăng trưởng của vi sinh vật và enzyme gây hư hỏng thực phẩm. Theo các nhà khoa học thì thực phẩm đông lạnh có thể được sử dụng trong vòng từ 6-9 tháng vẫn giữ nguyên được mùi vị và kết cấu của chúng.

Chia sẻ