Mẹ Việt ở Úc chia sẻ chuyện con ăn dặm BLW

Hải An (Tổng hợp),
Chia sẻ

Dù là ở Úc thì vẫn có cảnh mẹ đưa con đi ăn rong, cho con xem Ipad để ăn và không phải cứ ở Mỹ hay Anh là có thể dễ dàng luyện cho con ăn dặm BLW.

Những chia sẻ sinh động và gần gũi của mẹ Jun Sóc về hành trình ăn dặm BLW của các con đã truyền cảm hứng cho rất nhiều mẹ Việt về phương pháp ăn dặm này. Để tiếp thêm nguồn cảm hứng từ những câu chuyện thực tế về hành trình ăn dặm đầy niềm vui của những em bé Baby Led Weaning, mời các mẹ tiếp tục tham khảo những chia sẻ của mẹ Việt ở khắp nơi trên thế giới về chuyện con mình đã ăn dặm BLW như thế nào.

Qua những chia sẻ vô cùng hữu ích của này, các mẹ không chỉ được tiếp thêm động lực, sự tự tin và còn có thể học hỏi nhau cách chế biến món ăn và thực đơn phong phú cho bữa ăn của các con.

Dưới đây là những chia sẻ của mẹ Mirrie ở Clayton, Úc về hành trình ăn dặm BLW của con.

Bạn Mirrie nhà mình ăn dặm từ 6 tháng tuổi, lúc đầu ăn theo hướng dẫn của bác sỹ và y tá thôi, đi từ ngũ cốc với sữa rồi đồ nghiền nhuyễn rau củ trái cây. Sang tháng thứ 7 thì giới thiệu thịt thà dần dần, bé ăn ít và cũng được mẹ cho gặm rau củ từ 6 tháng tuổi. Từ lúc 7 tháng 15 ngày là bé Mirrie nhà mình không chịu cho mẹ bón thìa dù là cháo, súp, mì hay yoghurt. Mình đã lên thư viện mượn sách về BLW để đọc và bắt đầu cho con ăn dặm BLW hoàn toàn (hồi 7 tháng bé đã có thể gặm và ăn gần hết con tôm biển cỡ to rồi). Mình cũng chịu khó vào một số blog mẹ Tây để học hỏi kinh nghiệm (do món ăn các mẹ ấy nấu mình dễ mua dễ làm với tình hình chợ búa bên này).

Mẹ Việt ở Úc chia sẻ chuyện con ăn dặm BLW 1
Một bữa ăn phụ của bạn Mirrie khi đi chơi ở thư viện với mẹ gồm có: Sữa chua, kê, phô mai viên, quả bơ cắt miếng, bánh quy không đường. Lúc này Mirrie được 10 tháng tuổi. (Ảnh: Mẹ Mirrie)

Từ khi con được 8 tháng mình xây dựng thực đơn cho con ngày 3 bữa trùng giờ ăn của bố mẹ, giờ ăn mặc cho con bộ cotton rộng rãi mặc làm áo bảo hộ - đeo yếm - rửa tay là oánh chén. Hết thời gian bữa ăn thì bố cho con đi rửa tay, lau rửa mặt mũi, gội đầu, mẹ rửa bát và dọn dẹp đồ ăn rơi vãi của con, giấy ướt mình chỉ dùng để lau ghế ăn cho con thôi.

Đến khoảng 9 tháng 20 ngày thì bé nhà mình mọc một lúc 4 cái răng đầu tiên, có bữa chẳng động đến cái gì cứ ngồi nhe răng cười, có bữa ăn như thụi. Có những hôm con ăn BLW và mẹ nấu cả đồ xúc như cơm Ý, cơm rang ướt rồi xay hơi nhỏ vv..vv rồi cho bé tự ăn và mẹ thử bón. Có bữa con chịu ăn cả bát con cơm nát với lươn xào nghệ và dầu điều song song với ăn bốc, có bữa không chịu thế.

Giờ bé gần 11 tháng rồi, vẫn ti mẹ theo nhu cầu, ăn BLW hoàn toàn, ngày ngủ 2 giấc (sáng, trưa), đêm 8 rưỡi ngủ thẳng giấc đến 7h sáng, chưa từng hóc - nghẹn - nôn, ê a suốt ngày, bò trèo và đi vịn nhanh thoăn thoắt, nhất định không chịu uống sữa ngoài hoặc ti bình, nhìn mẹ một lần là bắt chước dùng ống hút thành thạo.

Mẹ Việt ở Úc chia sẻ chuyện con ăn dặm BLW 2
Một bữa ăn của bé Mirrie, 10 tháng tuổi. (Ảnh: Mẹ Mirrie)

Chắc các mẹ khác có nhiều điều để nói hơn mình. Bé nhà mình bú sữa mẹ hoàn toàn, giờ gần 11 tháng cũng chỉ muốn ti mẹ trực tiếp. Là bà mẹ của một em bé từ chối bú/uống sữa từ bất kỳ loại bình/cốc, từ chối ăn bằng thìa thật sự nhiều khi mình thấy bị con thử thách nhiều quá. Có lẽ đứa con sẽ đánh thức bản năng và sự mày mò của mỗi bà mẹ trong đó có mình. Con không chịu ăn sữa chua mẹ bón thì mình mua loại dạng viên ngậm bé rất thích, có bữa bé ngồi quay đầu không sờ vào đồ ăn gì thì mẹ làm smoothies cho vào bình ống hút loại bình thường cho bé hút, có bữa bé không ăn rau thì mẹ làm muffin rau hay băm nhỏ nướng cùng cheese và vài nguyên liệu khác làm bánh cho con.

Ở Úc các loại rau củ quả khá phong phú và an toàn, ra đường không ai hỏi trọng lượng con bạn, ép con ăn lại càng không được khuyến khích cũng như không dùng ipad, đồ chơi v..v để “dụ dỗ” con ăn vì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng béo phì. Khi bé nhà mình đi khám sức khoẻ định kỳ lúc 8 tháng, mình có chia sẻ những lo lắng của mình với y tá về cân nặng của con và thông báo đã chuyển qua BLW được 2 tuần vì con không chịu ăn thìa. Cô ý tá đã tỏ ra rất hào hứng và bảo “mày cứ thế mà làm nhé”, rồi bà ấy còn hỏi mình biết BLW từ đâu, đã nắm vững các kĩ năng sơ cứu cho con chưa...

Lẽ ra bé đến 12 tháng mới đến lịch kiểm tra sức khỏe tiếp theo nhưng mình đề nghị ý tá cho thêm một lần thăm khám nữa vào tháng thứ 10 để xem BLW đã tác động thế nào đến con mình. Bà y tá tỏ ra hơi bối rối và nói điều này thật sự không cần thiết lắm vì bé sẽ bám theo mức phát triển này mà đi lên tuy nhiên nếu việc kiểm tra làm mẹ dễ chịu hơn thì cũng được thôi. 2 tháng sau, mình cho bé đi kiểm tra sức khỏe lại, quả đúng như lời y tá nói, chiều cao - cân nặng - vòng đầu của bé đều giữ vững nhịp phát triển.

Bây giờ bé nhà mình được 11 tháng, ngày 3 bữa chính ăn cùng bố mẹ, 1 bữa phụ vào 15h30, ti mẹ theo nhu cầu. Con ăn uống vui vẻ, hào hứng và tất nhiên rất bừa bộn nhưng mình thấy nhẹ nhõm vì đã biết con muốn ăn như thế nào.

Ở bên này, hàng tuần mình cho con đi chơi ở các sân chơi hoặc các câu lạc bộ phụ huynh ở khu mình ở, mình gặp nhiều mẹ cho con ăn BLW và học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm cũng như có thêm động lực từ họ. Mình cũng quan sát thấy phần lớn các mẹ Trung Quốc vẫn bế rong hoặc đuổi theo con để cho con ăn, mẹ Tây thì tùy nếu con hợp tác thì họ làm như các mốc thời gian mà y tá hướng dẫn (độ thô và thời điểm giới thiệu các món ăn bốc thì tùy vào bé). Có mẹ Hàn 3 con rồi chưa biết về BLW nhưng cho con từ ăn bột/cháo nhuyễn qua ăn bốc nhón ngay từ đầu vì con không chịu bón thìa.

Vì thế, theo mình biết hay không biết về “phương pháp ăn dặm BLW” chẳng có gì đáng cười hay bị coi là lỗi thời cả, bản chất vất đề là tạo điều kiện cho con ăn uống tự chủ và độc lập mà thôi. BLW phát triển từ một phần của ăn dặm cơ bản (mình đọc từ tài liệu chính thống về ăn dặm của Unicef, WHO, chính phủ Úc, bệnh viện lớn của Úc rồi các nước châu Âu… và mình thấy có sự tương đồng).

Một mẹ có nickname Vicky Hoang trên Hội những người thích phương pháp ăn dặm Baby led Weaning cũng đang sống ở Úc chia sẻ: “Con mình được 8 tháng tuổi, mình không theo được BLW hoàn toàn vì nhiều lý do, nhưng mình vẫn cứ cho con tập, 1 bữa một ngày ( ngoài ba bữa ăn chính), ăn được bao nhiêu thì ăn, mẹ không căng thẳng với việc là con phải có cái gì vào bụng vì ba bữa chính kia vẫn đảm bảo.

Đến giờ thì con đã khá thích ứng với ăn bốc, thích nhất là ăn bánh mỳ sandwich, súp lơ, nhưng mẹ đưa cái gì cũng cầm lên nếm nếm, thích sẽ cho vào mồm nhai. Có đi cà phê cà pháo thì bố mẹ cũng "hơi" nhàn rồi, cho vào ghế ăn rồi lựa cho con mấy miếng k có gia vị ( hoặc mang sandwich theo) ngồi gặm với mút mát ngon lành. Bố mẹ vẫn còn phải dọn dưới sàn mấy miếng vụn vì con vẫn còn làm rơi và xử lý các miếng bé chưa tốt.

Ở Úc nếu là con đầu thì “Council” ( gọi nôm na là phường nhé) lập một nhóm cho các bà mẹ có con ngang ngang độ tuổi gặp mặt hàng tuần để trao đổi và phổ biến kinh nghiệm nuôi con (kiểu câu lạc bộ các bà mẹ). Nói chuyện thì thấy các mẹ ở nhóm của mình chả biết gì về BLW cả, lúc mình hỏi bà y tá về phương pháp này bạn nào cũng ngơ ngác.  Nhưng ở đây họ cũng hướng dẫn cho các mẹ tập cho con ăn ăn bốc khi con sẵn sàng.”


Chia sẻ