Giữ mái ấm khi thăng tiến nhanh hơn chồng

,
Chia sẻ

Mới lên chức trưởng phòng, Diệu được cả nhà chồng chúc mừng. Duy chỉ có chồng cô là hơi khó chịu. Diệu đoán là anh ghen tỵ với vợ.

Khi được mẹ chồng khen ngợi, Diệu khiêm tốn: “Nhờ nhà con hết đấy mẹ ạ. Không có anh ấy hỗ trợ thì con chẳng làm được gì”. Sau đó, cô quay sang nhìn chồng rồi kể chuyện được chồng mua cho sách chuyên ngành, đưa đi thi cao học, tư vấn cách giải quyết những tình huống khó trong công việc như thế nào… Cuối cùng, Diệu kết luận: “Chồng con còn xứng làm trưởng phòng gấp 10 lần con. Chẳng qua cơ hội của anh ấy đến muộn thôi”. Cả nhà cười vui vẻ, Diệu thấy chồng cũng bớt căng thẳng hơn so với hồi ban chiều. Từ đó, hễ có gì khó khăn trong công ty, Diệu vẫn nhờ chồng bàn cách tháo gỡ giúp. Cô chẳng bao giờ “cậy” mình lên chức để lấn lướt chồng.

Ảnh minh họa.

Cũng được đề bạt chức phó giám đốc nhân sự cho một công ty ôtô lớn, Trang (quận 2, TP HCM) khéo léo kể chuyện này với chồng. Chồng Trang làm công ty riêng, công việc làm ăn của anh dạo này không được tốt, Trang sợ tin vui này khiến chồng mặc cảm thêm. Hơn nữa, vợ chồng cô vẫn đang ở bên nhà ngoại, chưa đủ tiền mua nhà riêng.

“Bình thường, anh ấy hay tự ái lắm. Chồng mình chăm chỉ làm ăn nhưng đâu cứ phải chăm sẽ giàu ngay đâu. Mấy năm nay, anh ấy dốc sức kiếm tiền mua đất nhưng chuyện làm ăn mỗi ngày mỗi khó” – Trang chia sẻ.

Vì thế, dù đã phấn đấu rất nhiều để lên chức, Trang chẳng dám vui mừng mà chỉ dám kể với chồng, đang phân vân không biết có nên nhận không, công việc thì vất vả thêm mà lương lậu không tăng nhiều… “Em muốn có thời gian giúp anh nhưng công việc của anh khó quá. Em làm không nổi. Em đã nói khó rồi nhưng sếp cứ nài nỉ mãi, giờ cũng thiếu người quá, anh ạ” – Trang kể. Bất ngờ, chồng cô hào hứng: “Thì em nhận đi. Việc của anh, anh tự lo được”. Chỉ chờ có thế, Trang đồng ý luôn.

Vì tham việc mà từng bị chồng dỗi là Bích (Thanh Xuân, Hà Nội). Bích kể, cô làm kế toán nên cùng lúc làm đến mấy công ty. Càng kiếm tiền càng ham nên Bích ít có thời gian quan tâm đến chồng. Thậm chí, khi bị chồng giận vô cớ, cô còn lớn tiếng: “Em đi làm vì cái gì? Không phải vì anh và con sao?” nhưng chẳng được chồng cảm kích, trái lại, tình cảm vợ chồng cô cứ nguội lạnh dần. Khi bình tĩnh lại, Bích mới thấy cứ kéo dài thế này thì không ổn. Cô kể với chồng là công việc khó khăn quá, làm không hết, bị sếp trách mắng nhiều và còn bị cho thôi việc nên bây giờ, Bích chỉ tập trung làm ở một công ty thôi.

“Mất một thời gian dài, vợ chồng mình mới được như xưa. Bây giờ thỉnh thoảng mình cũng nhận làm thêm nhưng lần nào cũng trao đổi trước với chồng. Anh ấy thoải mái thì làm cũng không sao” – Bích chia sẻ. Đúng lúc ấy, Bích được đề cử làm kế toán trưởng cho công ty. Khi biết có quyết định, cô cũng nhẹ nhàng nói với chồng: “Em sợ không có thời gian chăm lo cho gia đình. Chắc em phải nhường chức đó cho chị Lan cùng phòng vậy. Dù em không ưa chị ấy lắm”. Ngay lập tức, chồng Bích giãy nảy: “Em làm đi. Sao lại để cho người khác?”. Như cởi tấm lòng, Bích vui vẻ nhận chức mà không lo “chiến tranh lạnh” với chồng.

Khi được lên chức

Hiếm có người chồng nào thoải mái với những thành công của vợ. Anh ấy sợ sẽ bị vợ “qua mặt”, sợ bị lép vế trước vợ. Vì thế, mỗi bước thăng tiến của phụ nữ đều có những khoảng cách nhất định với chồng. Nói như thế, không có nghĩa là chị em phải khép nép, không dám phấn đấu chỉ vì sợ chồng tự ái. Một người chồng hiểu biết không bao giờ chê trách nếu vợ vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Quan trọng là người vợ không coi mình như thế là tài giỏi, còn chồng thấp kém…

Nếu gia đình có việc như khi chồng con đau ốm, người vợ nên thu xếp để có thời gian chăm chồng con, để chồng không thấy chán nản vì bị vợ bỏ rơi.

Cố gắng ôm đồm kinh tế cho gia đình không phải là việc làm khôn ngoan. Nên có những khoảng trống chừa ra để chồng phấn đấu. Nếu người vợ đảm quá, người chồng dễ ỷ lại vào vợ trong mọi chuyện, kể cả chuyện kinh tế. Một người vợ phải gánh vác gia đình thì không thể gọi là hạnh phúc trọn vẹn.
 
Theo Me&be
Chia sẻ