Bộ phim của tôi:

Thương tình ca "Amour"

Zen,
Chia sẻ

“Tình yêu chúng ta có trong tuổi trẻ chỉ là hời hợt so với tình yêu mà một người đàn ông già nua dành cho người vợ già của mình..."

Cả cuốn phim Amour xoay quanh hai nhân vật chính là ông bà Lauren - những giáo viên dạy âm nhạc đã về hưu, sống giản dị, an nhiên giữa thành phố Paris hoa lệ. Đi qua thời tuổi trẻ yêu đương sôi nổi, khi về già họ vẫn dịu dàng trao nhau những lời ân ái, vẫn chăm chút cho nhau từ bữa ăn đến giấc ngủ thường ngày.
 
Thời gian không thể làm suy chuyển tình yêu của họ nhưng bệnh tật lại nghiệt ngã đến mức làm nó bị lung lay. Cơn đột quỵ không chỉ khiến Anne bị liệt nửa người bên phải mà còn khiến trái tim bà trở nên phiền não. Nỗi khó chịu khi phải lệ thuộc vào người chồng cũng đã mỏi gối run tay nhuộm vào lời nói của bà âm sắc của sự cay nghiệt, lạnh lùng. Và vô tình, nó làm đau trái tim ông George.
 
Thương tình ca

Mỗi lần bà kêu than trong cơn đau đớn là mỗi lần ông thấy mình bất lực – nỗi bất lực của trái tim dào dạt yêu thương mà không xoa dịu nổi những cơn dày vò của bệnh tật. Ông tự trách mình không còn đủ sức để ẵm bồng bà từ giường đến xe lăn, dìu bà đi từ nơi này đến nơi khác như những ngày trai trẻ. Và cứ thế, nỗi phiền não ngày một đặc quánh, ám muội lên hai con người già nua. 
 
Nhắm mắt lại là thanh xuân trong lành vời vợi, mở mắt ra là tuổi già, bệnh tật bủa vây. Tình yêu giờ đây không còn là những ngọt ngào, nhung nhớ mà trĩu nặng những trách nhiệm chăm sóc cho nhau. Với Anne, cái chết về mặt thể xác không còn đáng sợ, chỉ có sự sống như gánh nặng, sống tựa dây leo mới làm bà sợ hãi, tủi thân, hờn giận như đứa trẻ con. Với George, đôi lúc ông cũng thấy băn khoăn trước “nghĩa vụ” mới nhưng tình yêu trong ông quá lớn, nó khiến ông dù tàn hơi cạn sức vẫn chăm sóc cho vợ như một bản năng và xoa dịu bà với tất cả dịu dàng mà mình có. 
 
Dù thần chết hiện hình rõ nét trong từng thước phim, phả vào trái tim người xem luồng hơi lạnh lẽo, ảm đạm nhưng sự kiên trì đến nhẫn nại của George khiến lòng ta dù xót thương nhưng thẳm sâu vẫn thấy yên ổn, an bằng. Đến tuổi thập cổ lai hy, khi đối diện với vòng quay sinh – lão – bệnh – tử, khi trí lực chẳng đủ để nhớ nổi mặt người, còn gì viên mãn hơn khi người đàn ông của bạn vẫn kề cận bên cạnh hằng ngày, chăm sóc, vỗ về dù vụng dại nhưng thấm đẫm yêu thương? George không muốn đưa vợ vào bệnh viện hay trại dưỡng lão dù cho bà chỉ còn tấm thân tàn phế và ông thì quá chật vật để chăm sóc bà. Điều đó còn có thể gọi bằng cái tên nào khác ngoài hai tiếng “Amour” (tình yêu). 
 
Thương tình ca

Nếu bạn đã từng xem Notebook, nghẹn ngào nhìn người đàn ông ngày nào cũng vào viện dưỡng lão thăm vợ và tự hào nói với các con rằng: “Nơi nào có mẹ của con, nơi đó là nhà của bố” thì chắc chắn xem Amour, bạn sẽ không thể kìm lòng.
 
Một bộ phim rất đáng xem, không phải vì giải thưởng danh giá, không phải vì đạo diễn tài ba, không phải diễn viên đẹp đẽ mà vì ở đó, có những bài học đáng giá cho tuổi trẻ - tình yêu - cái chết. Khi thanh xuân còn căng tràn nơi đuôi mắt, trái tim đập những rạo rực bâng khuâng, có mấy ai yêu đương mà toan tính chuyện về già khi tóc đã điểm hoa râm và trí nhớ dần nhạt phai những nồng nàn, yêu dấu? 
 
Box giải thưởng của phim:

Trình chiếu lần đầu tiên trong Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes 2012, Amour được trao tặng giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or). Tiếp theo đó là giải Quả Cầu Vàng lần thứ 70 (Golden Globe Awards), giải Top 10 Films của British Film Institute 2012, và đặc biệt nhất là giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2013.
Chia sẻ