Ông giám đốc mê phê bình văn hóa

,
Chia sẻ

Ông giám đốc mê phê bình văn hóa luôn trăn trở vì không có thời gian để viết, Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Cty T&A Ogilvy tự nhận mình là kẻ chênh vênh giữa kinh doanh và văn học.

Anh cũng cho mình là một người thật thà nhưng khó chấp nhận.
 
Xuất hiện giản dị trong chiếc áo phông xanh cùng quần jeans và đôi giày nâu bạc, ở độ tuổi tứ tuần, anh vẫn là đối tượng dễ làm say phụ nữ với cái duyên mắt cười, miệng cười mỗi khi trò chuyện.
 

Gốc Hà Nội, Nguyễn Thanh Sơn từng tốt nghiệp Thạc sĩ Báo chí Quốc tế - Học viện Quan hệ Quốc tế (Matxcơva), thạc sĩ Quan hệ Công chúng tại Đại học Oklahoma (Mỹ). Trước khi thành lập Công ty truyền thông T&A, Nguyễn Thanh Sơn là chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Khi làm việc tại đây, anh tham gia phụ trách và điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các nước ASEAN, Nhật, Mỹ. Sơn cũng từng làm việc tại Ban Tin thế giới, Thông tấn xã Việt Nam.

Được đào tạo chuyên nghiệp về văn chương nhưng lại làm kinh doanh, Nguyễn Thanh Sơn coi đó là cái duyên nghề nghiệp. Năm 1995, trong khi cả nước còn đang ngơ ngác với nghề truyền thông thì anh đã ôm mộng thành lập công ty hàng đầu về lĩnh vực này. Ít ai ngờ, hơn chục năm sau, giấc mơ đó đã thành hiện thực.

Thanh Sơn - Hồng Ánh hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh: NVCC.

Khi mới thành lập, công ty vẻn vẹn có hai người, Sơn và cô em họ đứng ra lo mọi việc. Được vài tuần, cô em họ xin rút để lại Sơn một mình... Anh chia sẻ, hồi đó, doanh nghiệp Việt Nam yếu về truyền thông, trong khi các công ty nước ngoài đã tiến hành những chiến lược rất ấn tượng. Tuy nhiên, Sơn nói, cái thiếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là một lý tưởng lớn cho thương hiệu. “Đó là một mơ ước to lớn của thương hiệu về những điều có thể mang lại cho cộng đồng, cho đất nước”, anh nói.

Trong một lần ngồi nói chuyện với một lãnh đạo tập đoàn Viettel (lúc đó mới cung cấp dịch vụ thông tin di động), ông này chia sẻ với Sơn mơ ước sẽ đem điện thoại di động đến mọi người ở Việt Nam. Thậm chí, cả những đứa trẻ nghèo ở nông thôn cũng có thể dùng di động.
 
"Lúc đó tôi đã cười thầm. Nhưng sau này khi đi trên tàu, được tận mắt chứng kiến hai đứa trẻ chăn trâu dùng điện thoại di động, tôi mới giật mình", Sơn tâm sự. Cũng từ đó, Sơn đặt mục tiêu đưa công ty của mình là trở thành đơn vị tư vấn chiến lược truyền thông hàng đầu, tư vấn xây dựng lý tưởng lớn...
 

Là một người có khả năng biến những gì mình thích thú thành cơ hội, Sơn luôn tâm đắc với chân lý: "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà". Vị giám đốc vẫn hay nói với nhân viên của mình rằng, truyền thông là ngành “ vô sản” vì chẳng có nhà máy, công xưởng, đất cát mà chỉ có yếu tố con người, kiến thức và thương hiệu. Một lúc nào đó khi khách hàng mất lòng tin, thương hiệu bị đánh mất có nghĩa là mất hết.

Những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề, anh được nếm một bài học nhớ đời mà đến bây giờ vẫn không quên. Trong buổi cà phê với một người bạn làm nghề báo, anh vui miệng kể một số thông tin về một khách hàng anh đang làm chiến dịch truyền thông. Sáng hôm sau, Sơn tá hỏa khi các thông tin đó được "bật mí" chình ình trên báo.

Mặc dù bài báo rất tốt cho khách hàng, nhưng yếu tố tin tưởng đã không còn, khách hàng quyết định cắt luôn hợp đồng. Tiếc, xót và đau nhưng Sơn có được một bài học lớn về yếu tố bảo mật thông tin của khách hàng.

"Cả hai chúng tôi sống cho hôm nay còn chưa đủ, sao phải vẽ cho mình một tương lai u ám". Ảnh: NVCC

Truyền thông là một ngành chịu áp lực công việc rất lớn. Công việc căng thẳng quay cuồng khiến nhiều lúc, một số nhân viên cảm thấy kiệt sức và xin nghỉ. Mỗi một lá đơn xin nghỉ, vị giám đốc trẻ tuổi lại trăn trở vì cảm thấy, ở vào thời điểm đó, T&A chưa trở thành lựa chọn tốt nhất cho nhân viên.

Sau hơn 10 năm, T&A đã trở thành một công ty truyền thông có tiếng tại Việt Nam với hơn 70 chuyên viên tư vấn truyền thông ở cả hai miền Nam - Bắc. Sau khi sáp nhập vào Tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới WPP năm 2009, T&A có tên mới là T&A Ogilvy.

Say mê văn chương và coi đó là lý tưởng sống của đời mình nhưng Sơn luôn trăn trở vì không có nhiều thời gian để viết. Sơn vẫn tự nhận mình là kẻ hiếm hoi chênh vênh giữa hai thế giới kinh doanh và văn học. Làm kinh doanh giỏi, người ta lo ngại những bài phê bình của anh phảng phất mùi vị của tiền bạc. Chẳng chút e ngại, Sơn vẫn cho xuất bản tập "Phê bình văn học của tôi" đầy ngạo nghễ vào năm 2002.

Và trước sự ì xèo của dư luận, Sơn chỉ cười. Anh tâm sự, chính sự tỉnh táo trong công việc kinh doanh làm anh giữ được tâm thế cân bằng để ra tập phê bình văn học đình đám. Bù lại, chính cái sắc sảo trong văn chương bổ sung cho công việc kinh doanh, giúp anh có thể đạt tới sự thấu hiểu trong việc đoán định tâm lý của khách hàng và thị trường.

"Đã có thời gian, tôi bỏ đi 3 tháng để viết nhưng rồi nhớ không khí sôi động của kinh doanh quá, thế là thôi. Đau khổ day dứt vì không có thời gian viết để rồi lại đành chênh vênh trong hai thế giới", Sơn tâm sự.
 

Đọc những gì anh viết, nhiều người giật mình vì giọng điệu sắc sảo và rất... ngông. Người đời bảo Sơn ngông, còn anh lại tự nhận mình chỉ là một kẻ thật thà, và "mang cái thẳng thắn khó chấp nhận mà thôi". Giọng điệu Sơn có phần nghiệt ngã khi chê trách nhiều nhà văn đàn anh nhưng họ chẳng nỡ giận Sơn quá 3 ngày vì họ hiểu sự chê ấy chẳng có ác ý gì.

Là doanh nhân, nhà phê bình, Sơn cứ đi đi về về giữa hai nơi Hà Nội và Sài Thành. Vợ là người Sài Gòn gốc Trà Vinh nhưng chưa bao giờ Sơn cảm thấy mình bị xung đột giữa các nền văn hóa bởi anh vẫn khôn ngoan, tỉnh táo chắt lọc những nét đẹp của từng vùng miền.

Có vợ làm người nổi tiếng, Sơn càng bị thiên hạ "soi" kỹ hơn. Nhưng chưa bao giờ Sơn cảm thấy lo ngại vì những lời dèm pha "lấy vợ nghệ sỹ, hôn nhân khó bền". Sơn vẫn cười tươi đón nhận lời dèm pha như thế. "Vợ tôi nói, cả hai chúng tôi sống cho hôm nay còn chưa đủ, sao phải vẽ cho mình một tương lai u ám?", anh nói.

Có lẽ vì vậy mà Sơn luôn được vợ, nữ diễn viên Hồng Ánh cảm phục về tài năng và trí tuệ. Kiếm được tiền nhưng hai vợ chồng chi tiêu rất ít. Nhu cầu về mặt vật chất của hai vợ chồng rất nhỏ. Sơn cười: "Đã có lần thử ghi lại mức chi tiêu gia đình trong cả tháng thì cả hai đều choáng váng vì tiêu… ít quá”.

Thú vui của anh là ngồi nhà đọc truyện chưởng, uống cafe vỉa hè rồi tán gẫu cùng mấy ông bạn văn nghệ. “Thỉnh thoảng cũng đi làm cốc bia với bạn bè nhưng ít khi say. Phải cố giữ tâm thế cân bằng để còn tỉnh táo phê bình, kinh doanh và yêu vợ”, Sơn nói vui.
 
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ