Một chiều "không cần đàn ông"

Khắc Trung,
Chia sẻ

5 người phụ nữ với câu chuyện muôn thuở về đàn ông. Và liệu đàn ông có phải là "giống heo nọc"?

Chiều chủ nhật, bất ngờ đi xem kịch vào lúc ... 16h vì lời rủ rê khá hấp dẫn và ... "vỡ òa" cảm xúc với Không Cần Đàn Ông.

Suất diễn lúc 16h là một suất diễn "lạ" của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vì trước giờ, ngoại trừ kịch thiếu nhi thì khán giả chỉ đi xem kịch vào ban đêm (thường các suất diễn tại Sài Gòn là từ 20h vào mỗi tối). Được biết, suất diễn này vừa được đưa vào khai thác chỉ cách đây ... 1 tháng (từ ngày 10/4) nhưng cũng đã có được một lượng khách nhất định và đang có xu hướng tăng dần lên. Một sự mạo hiểm của sân khấu Hoàng Thái Thanh và xứng đáng nhận được sự ủng hộ của khán giả.

Không Cần Đàn Ông

Tác giả: Ngọc Linh
Đạo Diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc
Thiết kế sân khấu: Kim B - Thực hiện: Đình Vũ.
Diễn viên: NSƯT Kim Xuân, Tuyết Thu, NSƯT Thành Hội, Quốc Thái (Thế Sơn), Kim Ngân (Hoài Thương), Ái Như, Trí Quang (Thanh Tuấn), Kim Hiền (Vân Anh), Quang Thảo, Lương Duyên, Công Danh.


Phần lớn khán giả đến với khung giờ này đều là khán giả đã đứng tuổi và hiếm thấy khán giả trẻ. Và cũng chính vì thế mà bỗng nhiên khán giả được thưởng thức một không khí kịch đúng nghĩa - điều hoàn toàn khó thấy được ở các sân khấu kịch có nhiều người trẻ tham dự. Nghĩa là không khí im phăng phắc như tờ, không nói chuyện riêng, không tiếng xì xào, không điện thoại, thậm chí cả không nhắn tin, không gian hoàn toàn tập trung dồn về phía sân khấu. Một khán giả trẻ hiếm hoi bỗng có điện thoại hay tin nhắn gì đó, tính mang ra xem nhưng nhìn quanh, dường như "thấy kỳ kỳ" nên cuối cùng quyết định không nghe hay xem điện thoại - một hành động cực kỳ hiếm thấy tại các sân khấu kịch. Phải chăng đây chính là "văn hóa xem kịch đến từ số đông" (người xung quanh thế nào thì người tham gia xem kịch sẽ xử sự như thế đó)?


Từ đầu buổi đến cuối buổi chiếu không hề thấy ánh sáng của một chiếc điện thoại nào lóe lên làm phân tán cảm xúc diễn viên và người xem. Có lẽ vì thế nên mặc dù là xem vào buổi chiều nhưng cảm xúc của vở kịch vẫn được diễn viên chuyển tải đến người xem một cách trơn tru không gặp bất cứ trở ngại nào. Tính ra, khung giờ này tưởng là "chơi khó" khán giả nhưng lại hoàn toàn phù hợp với các khán giả đứng tuổi, một vở kịch ít nhất cũng kéo dài hơn 2 tiếng. Nếu coi buổi tối thì các khán giả đứng tuổi khó có thể theo dõi trọn vẹn được vì khi kịch kết thúc thì cũng đã là rất khuya. Trong khi đó, với suất diễn 16h thì các khán giả này không cần phải đắn đo nhiều cho việc sắp xếp đi xem kịch.


Đèn tắt, rèm được kéo lên và vở diễn bắt đầu. Khán giả nhanh chóng bị hút vào câu chuyện Không Cần Đàn Ông với nhiều tình tiết vừa quen lại vừa lạ. Vì đây chính là một kịch bản đuợc làm lại từ câu chuyện của Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông từng nổi tiếng đình đám từ cách đây nhiều năm. Vẫn là câu chuyện cũ với một ngôi nhà hoàn toàn không có bóng dáng của bất kỳ một người đàn ông nào. Vẫn là 3 cô con gái Xuân - Hạ - Thu bị kìm nén trong sự độc đoán của bà mẹ để rồi cuối cùng mỗi cô bùng nổ "tưng bừng" theo cách riêng của mình.

Xuân thì sau một thời gian sợ hãi vì 3 lần ... suýt cưới đâm ra từ chối bất kỳ người đàn ông nào đến với mình đã quyết định thừa nhận mình đang ... yêu và thậm chí cả ghen. Cô giữa Hạ thì nổi loạn và là "thành phần bất hảo" trong căn nhà "kỳ cục" này khi đạp đổ tất cả mọi nề nếp và sự cấm đoán của mẹ, cô ... coi thường đàn ông và coi họ như một con rối trong tay mình khi "thay người tình như thay áo". Khán giả đặc biệt ấn tượng với diễn viên Tuyết Thu trong vai Hạ ngay từ lúc xuất hiện bởi quá đẹp và cách diễn sắc sảo không lẫn vào đâu được.


Trong khi 2 cô chị dù có "quậy" như Hạ hay "kìm nén" như Xuân thì có cho vàng, cả "ngôi nhà không có đàn ông" cũng không tin được một ngày cô em út Thu bất ngờ tuyên bố mình có thai và bỏ nhà ra đi. Căn nhà "nổ tung" khi tất cả mọi nề nếp, gia phong, luật lệ bị đạp đổ trong phút chốc. Loại người mà bà mẹ (NSUT Kim Xuân) lúc nào cũng leo lẻo "đàn ông là giống heo nọc" từ kinh nghiệm bị phản bội, cuối cùng đã "câu" dính đứa con gái mà bà cưng nhất. Các cô con gái nổi loạn, ngay cả bà dì - cũng là 50 tuổi mà vẫn còn ... nguyên do áp lực từ người chị ruột là bà mẹ cũng quyết định "quậy tưng". Khán giả bị cuốn vào vòng xoáy của những câu chuyện từ 3 cô gái, từ bà dì và cả từ bà mẹ độc đoán.


Không Cần Đàn Ông nhưng trong căn nhà vẫn có sự có mặt của đến ... 4 người đàn ông: người yêu của Xuân, người tình của Hạ, bạn trai của Thu và cả ... ông bố (dù chỉ là một linh hồn). Phân đoạn đối thoại của bà mẹ và ông bố là một trong những đoạn hay của vở kịch khi từng mảnh tâm hồn của nhân vật bà mẹ được bóc tách. Những đau khổ, uất ức trở thành nổi hận đàn ông của bà cuối cùng cũng được phơi bày. Linh hồn của ông bố có vẻ như là chính "phần còn lại" của tâm hồn bà mẹ đang lên tiếng giãi thích "tôi chỉ có lỗi lớn với bà khi nói dối bà, nhưng khi đó bà chỉ mới 30, còn cả một quãng đường dài, sợ gì không tìm được hạnh phúc mới. Cả cuộc đời còn lại của bà, chính bà mới là người tự làm mình đau khổ, thậm chí còn bắt tất cả mọi người trong căn nhà này phải đau khổ cùng với bà ..."


Hai chủ nhân của sân khấu Hoàng Thái Thanh là Thành Hội và Ái Như chỉ xuất hiện trong  những phút cuối của kịch bản nhưng cũng đủ khiến khán giả sụt sùi với tình cảm "răng long đầu bạc" của "cặp đôi yêu nhau mà đến già mới gặp được nhau". Hình ảnh "lấy áo của người phụ bạc đem cho người nặng tình" của cô Hạ là một tình tiết rất "đắt" khó bỏ qua dành cho những khán giả nào chưa từng xem qua vở kịch này.

Cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đấy và căn nhà không cần đàn ông cũng đã có đầy đàn ông - cả lớn lẫn bé. Xuân - Hạ - Thu, bà dì 50 tuổi và cả bà mẹ đều đã tìm thấy điều quý giá nhất của mình trong cuộc sống. Và dĩ nhiên, Không Cần Đàn Ông cũng đến lúc hạ màn. Khán giả kéo nhau ra về với một dư âm đẹp cho một ngày cuối tuần. Hy vọng, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ còn tiếp tục ưu ái dành cho suất diễn đặc biệt lúc 16h này những vở kịch hay và chất lượng như Không Cần Đàn Ông. Thế mới biết, chỉ cần có đầu tư, chịu để ý đến nhu cầu của khán giả thì sợ gì khán giả không biết đến!

Chia sẻ