Gã thiên tài lập dị

Annie Trần ,
Chia sẻ

“Hài hước một cách lạ lùng, chơi vơi và có phần thi vị hóa” là đánh giá của ký giả báo New York Times về bộ phim The Social Network.

Hàng nghìn khán giả đã bình luận trên trang thư viện điện ảnh IMDb, hàng nghìn khán giả khác đã thảo luận về bộ phim này trên facebook cá nhân của họ. Một bộ phim không có ngôi sao nhưng đã thu về tiền vé gấp đôi chi phí sản xuất và hứa hẹn còn bán được nhiều vé hơn nữa khi phim đến các quốc gia ngoài Mỹ. Quan trọng hơn cả, The Social Network đang hứa hẹn là một ứng viên nặng ký của giải Oscar sắp tới. Tính đến thời điểm hiện nay, tác phẩm điện ảnh về mạng xã hội này đã giành một số giải thưởng đáng kể của các hiệp hội nhà nghề tại Mỹ. Và, nếu đúng như thông lệ hàng năm thì khả năng bộ phim "bỏ túi" vài giải Oscar là điều trong tầm tay.

Điều gì đã khiến tác phẩm điện ảnh kinh phí sản xuất 50 triệu USD này lại đình đám như vậy?
Trước hết, đó là tác động lớn lao của mạng xã hội Facebook. Mỗi thành viên mạng này đều tò mò muốn biết xem câu chuyện về sự ra đời của nó và cha đẻ của “cõi mê” mà không ít “con nghiện” đang đắm mình vào hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày như thế nào. Câu slogan của phim đã tạo được sự đồng cảm của không ít thành viên mạng xã hội: “Bạn không thể có được 500 triệu bạn bè mà không có một số kẻ thù.”
Thứ hai, bản thân phim là một tác phẩm điện ảnh hay và đủ sức níu mắt khán giả đến phút cuối cùng. Kể cả cái kết bỏ lửng của nó cũng là một vấn đề đáng để bàn cãi sau khi phim đã khép lại.
 
Bạn không thể có được 500 triệu bạn bè mà không có một số kẻ thù
 
Chuyện phim kể về tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg thực chất là một gã lập dị, vụng về trong giao tiếp, chỉ có một bạn thân duy nhất là Eduardo Saverin. Vào một đêm mùa thu năm 2003, Mark suýt bị đuổi học vì tạo ra Face Mash- một cơ sở dữ liệu có thể áp dụng để xếp hạng toàn bộ sinh viên nữ trong trường,  gây sập hệ thống máy chủ của Harvard. Thế rồi Facebook ra đời và thành công rực rỡ sau 6 năm, mạng này đã có 500 triệu người dùng trên toàn thế giới. Mark lại đối diện với vụ kiện ăn cắp ý tưởng của anh em Winklevoss.  
Mark lập dị, vụng về trong giao tiếp
 
Đạo diễn David Fincher, có lẽ, đã rút kinh nghiệm sự lê thê của bộ phim Dị nhân Benjamin nên tuyệt đối gọn gàng, nhanh chóng và cắt những nét dứt khoát khi dựng bộ phim này. Điều đó làm cho bộ phim về mạng xã hội ảo trở nên thực trước mắt khán giả hơn bao giờ hết. Nhịp phim nhanh, lời thoại sắc sảo, thông minh và câu chuyện dựa trên nền hiện thực khiến cho phim hấp dẫn tuyệt đối với khán giả vốn quen xem những bộ phim theo phong cách Mỹ: trực diện và thẳng thắn.
 
Jesse Eisenberg đã hoàn thành xuất sắc vai thiên tài lập dị Mark Zuckerberg

Diễn xuất của diễn viên là điểm sáng của bộ phim này. Jesse Eisenberg đã hoàn thành xuất sắc vai thiên tài lập dị Mark Zuckerberg. Diễn xuất của Jesse được đánh giá là đầy hấp lực với các giám khảo giải Oscar và xem ra, nếu từ nay đến hết năm không có một sự đột biến bất ngờ nào thì một tượng vàng Oscar thuộc về nam diễn viên trẻ này là gần như chắc chắn. Bên cạnh đó, Andrew Garfield đã hoàn toàn thuyết phục khán giả với vai Eduardo Saverin hiền lành, tốt bụng và có chút khờ khạo. Nam ca sĩ Justin Timberlake, người đóng vai Sean Parker láu lỉnh, tài năng và thức thời. Xem Justin đóng phim này, không ít khán giả lại mong anh bớt thời gian đi hát để đóng phim thêm nhiều nữa (!).

Cha đẻ mạng Facebook cho rằng phim thuần túy hư cấu

Điểm đặc biệt nhất của bộ phim này chính là việc ê kíp làm phim đã bị nguyên mẫu – cha đẻ mạng xã hội Facebook từ chối tiếp xúc và giữ thái độ vô can, không dính dáng đến quá trình làm phim, khi phim làm xong thì tuyên bố phim là sản phẩm hư cấu mặc dù nhà làm phim đã thực hiện bộ phim dựa trên quyển sách “Những tỷ phú tình cờ – sự hình thành Facebook”. Và quyển sách này được viết dựa vào hàng nghìn cuộc phỏng vấn người thật việc thật để có tư liệu về cha đẻ của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
 
Gã thiên tài lập dị có đánh cắp ý tưởng?

Tuy  báo New York Times đánh giá rằng các nhà làm phim có sự “thi vị hóa khi xây dựng hình tượng cha đẻ của Facebook” nhưng người viết bài  không hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Bởi lẽ, cái kết thúc mở của phim đã thể hiện rõ ràng thái độ của nhà làm phim. Mark là người tốt hay người xấu cũng không rõ, Mark bị phản bội và cũng nói xấu người khác, Mark đối diện với kiện tụng và câu chuyện bị bỏ lửng ở đó...

Gã thiên tài lập dị có đánh cắp ý tưởng? Gã thực chất là người như thế nào? Mỗi khán giả sẽ có một cách để nghĩ về Mark và kết luận thuộc về bản thân từng người. Chính thế mà The Social Network sẽ thu hút một lượng người xem đáng kể vì tò mò đi xem để trực tiếp có đánh giá chủ quan của mình rồi lại đem những ý kiến đó bàn luận lên facebook hoặc các mạng xã hội khác.
Vòng tròn lại tiếp diễn…
Chia sẻ