Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau?

Phong Linh ,
Chia sẻ

Xu hướng quay trở về với vòng tay bạo lực của các nạn nhân khiến người ngoài cuộc nóng mắt, cho rằng đó là những người phụ nữ ngu ngốc, tự đày ải mình, do họ có thiên hướng thích chịu đựng giày vò. Nhưng nguồn cơn cách hành xử đó, hóa ra lại sâu xa hơn nhiều!

Một bó hoa hồng, baby, cát tường đẹp rực rỡ được gói cẩn thận trong ba lớp giấy sang trọng, thơm nức, nhìn là biết đắt tiền được một anh chồng bảnh bao, thuộc thành phần tri thức đem đến tặng vợ. Lần nào cũng vậy, cứ gặp nhau là anh mang hoa, mua quà có giá trị đi cùng mình, nhưng người vợ không nhận. Quà và hoa cứ lay lắt ở “chốn hẹn hò” - phòng tham vấn của Ngôi nhà Bình yên.

Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau - Ảnh 1.

Nếu không biết nội tình, người ta sẽ nghĩ ngay rằng đó là một cô vợ kiêu căng hoặc chẳng biết trân trọng tình yêu, sự lãng mạn của chồng. Nhưng chỉ có cô ấy và những nhân viên xã hội đang trợ giúp cô mới hiểu, những bó hoa, món quà đó chỉ được gửi đến với mục đích “làm lành” khi người vợ sau những tháng bị bạo hành, ngột ngạt trong cuộc sống hôn nhân đã phải trốn đi, tìm sự giúp đỡ của xã hội.

Những bó hoa, món quà này hứa hẹn cho sự thay đổi thật sự hay đơn giản chỉ là thủ đoạn để đưa vợ về nhà rồi rất có thể lịch sử bạo hành sẽ lặp lại? Không ai biết! Chỉ biết rằng, khi từ chối quà và hoa, người vợ ấy đã từ chối quay lại cuộc sống cũ, bởi chị đã có đủ dũng khí và sự hỗ trợ để thoát ra. 

Nhưng nhiều nạn nhân khác của bạo hành thì không may mắn vậy.

“Anh ta xin lỗi, rồi tôi ở lại” 

Có một cô gái 21 tuổi tên N.T.K.N. ở Tây Ninh đã bị bạn trai giam lỏng, cấm tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tịch thu điện thoại và thường xuyên đánh đập. Khi được giải cứu khỏi bạn trai, N. nhập viện trong tình trạng gãy ngón chân, đa chấn thương và hoảng loạn. Cô kể lại mình đã nhiều lần bỏ trốn không thành, và khi phát hiện, gã bạn trai còn tấn công cả người bạn giúp đỡ cô, ép cô trở về. 

Có thông tin, sau khi ra viện, N. đã quay lại sống chung với bạn trai cũng là kẻ bạo hành mình. Nguồn tin này cũng cho hay, N. nói bạn trai hứa sẽ cưới cô, sẽ nâng niu, yêu thương cô và chấm dứt tình trạng bạo lực này.

Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau - Ảnh 2.

Chuyện của N. đã khiến nhiều người thương cảm và cũng không ít ý kiến cho rằng, việc quay về với gã bạn trai bạo hành, muốn tiếp tục gắn bó với hắn trong tương lai của N. là dại dột, thậm chí ngu ngốc. Điều đáng nói là N. không phải là nạn nhân bị bạo lực duy nhất phải hành xử như thế.

Chắc chúng ta chưa quên H., nữ nhà báo trẻ vừa sinh con bị người chồng “võ sư” bạo hành. Người chồng thẳng tay tát, đấm, đá liên tục… vào nạn nhân trước mặt con nhỏ. Camera ghi lại, cộng đồng mạng phẫn nộ, lên án, và người vợ sau đó rút đơn tố cáo, xin hòa giải, kẻ bạo hành không bị bỏ tù, cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật. 

Phần lớn các vụ bạo hành (mà chưa nghiêm trọng đến mức dẫn đến cái chết của nạn nhân) kết thúc theo một motip quen thuộc bằng “hòa giải”, bằng “rút đơn và quay về chung sống”, “cho thêm 1 cơ hội” đến mức người ngoài bức xúc thay, không hiểu tại sao các nạn nhân lại “yêu”, “tha thứ” được cho kẻ đánh đập, chấp nhận trở lại với kẻ mà họ thừa biết là có thể sẽ tiếp tục hành hạ mình?

Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau - Ảnh 3.

Bạo hành luôn là tội ác quỷ quyệt nhất trong tất cả các tội ác, bởi đa phần mọi người đều coi nhẹ nó. Cũng tương tự như các vụ xâm hại trẻ em, khi trẻ em nói chuyện chúng bị người khác tấn công tình dục, người tiếp nhận có xu hướng từ chối tin đó là sự thật. Nhiều phụ nữ bị bạo hành khi lấy hết can đảm thổ lộ câu chuyện của mình với bạn bè, gia đình, nhiều người phản ứng bằng cách đặt lại nghi vấn “Thật không? Cô có nghiêm trọng hóa vấn đề không, anh ta tốt lắm mà?”.

Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau - Ảnh 4.

Không ít người khi biết chuyện còn buông những lời dù vô tình nhưng đầy tính đổ lỗi “Cô đã làm gì mà để bị đánh?” hoặc bênh vực, dung túng cho hành vi bạo lực của nam giới “Chắc anh ta nóng nảy quá thôi!”. Với các cách đổ lỗi như vậy, nạn nhân không tìm thấy sự đồng cảm mà còn cảm thấy mất niềm tin vào quyền được an toàn, quyền được bảo vệ của mình. Cuối cùng, không ít người biết chuyện đã khuyên nạn nhân bỏ qua, thông cảm hoặc cho rằng chỉ cần anh ta xin lỗi, anh ta kiềm chế, tất cả sẽ ổn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. 

Chính vì thế, quay về với kẻ bạo hành, dường như là một cách xử lý “an toàn” hơn cả cho nạn nhân và những người họ yêu thương; vì trong sâu thẳm trái tim mình, nạn nhân vẫn nuôi hy vọng vào sự thay đổi của kẻ bạo hành, vẫn tin rằng rồi mình sẽ hạnh phúc theo cách “ông bà đã dạy”: “một điều nhịn, chín điều lành”; “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”.

Tại sao nạn nhân khó có thể rời bỏ kẻ bạo hành?

Sự thật là trong một mối quan hệ bạo lực, nhiều trường hợp người có vẻ đáng tin hơn lại là… kẻ gây ra bạo lực bởi hình ảnh tốt đẹp của mình trước nạn nhân và những mối quan hệ xã hội của nạn nhân. Đến mức không chỉ nạn nhân trước khi bị bạo hành mà tất cả người xung quanh đều tin rằng, hắn là người tuyệt vời.

M., một single mom vừa ly hôn với người chồng bạo lực sau 4 năm dai dẳng cứ ra tòa rồi lại hòa giải đã từng ở trong vòng luẩn quẩn đó. M. của hiện tại cảm thấy “nhẹ cả người” vì giành được quyền nuôi con, sống yên ổn ở nhà bố mẹ đẻ dù có hơi chật vật tài chính, khi chồng cũ của cô phớt lờ quy định chu cấp tiền cho con. 

M. không đòi, cũng chẳng tha thiết gì mấy đồng phụ cấp và M. coi đó là dấu hiệu của sự độc lập, không cần anh ta, M. vẫn nuôi con tốt. Hiện có một việc làm ổn định, đã kết nối lại gia đình, bạn bè mà trước đây cô tránh gặp và tự tin rằng mình xứng đáng có hạnh phúc mới. Nhưng để đến được hiện tại, đó là một hành trình rất dài.

Trước đây, khi bắt đầu bước vào tình yêu với T. - chồng cũ, T. săn đón M. nhiều đến mức nhiều người cảm thấy ghen tị vì M. được yêu thương, cho rằng M. thật có phúc, và M. cũng tin như vậy. T. mua tặng M. nhiều món đồ đắt tiền, nhiều món đồ hiệu đặt riêng có hình thêu hoặc khắc tên… T. trên đó. T. cài định vị trên điện thoại của cô, luôn hỏi M. đang đi đâu, làm gì, với ai, nổi giận nếu M. đi cùng ai đó mà anh ta không ưa. M. thậm chí chụp ảnh và quay video liên tục như một dạng “nhật ký” gửi cho T.

Nhưng M. bênh vực T. tuyệt đối, thậm chí nghỉ chơi luôn với những người nói với cô rằng T. có vấn đề, khuyên cô đừng để cả cuộc sống của mình xoay quanh việc làm vừa lòng T. Với M., T. là một người hoàn hảo: Giàu tình cảm, biết quan tâm, yêu cô đến mê cuồng và sẵn sàng “chống lại cả thế giới” để bảo vệ M.

Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau - Ảnh 5.

Sau khi kết hôn, M. gần như không còn bạn bè. Phần vì cô đã khước từ những người dám nói xấu T., phần vì cô quá bận rộn với việc cố gắng trở thành một “phiên bản hoàn hảo” của chính mình để xứng đáng với T. T. khen ngợi những đối tác của anh ta thông minh, M. điên cuồng đi học, tìm đọc đủ loại sách để có thể đối thoại chuyện công việc với chồng mà không bị anh ta chê non nớt. M. điên cuồng khiến bản thân trở nên xinh đẹp, sexy, nấu ăn ngon như người yêu cũ của chồng.

M. mang bầu bị nghén, T. gọi ship mang đến cho cô những món cô thích, không quên nhấn mạnh rằng M. thật may mắn khi có được anh ta, được anh ta yêu thương và quan tâm, rằng bố mẹ M. chưa chắc chiều cô được như thế. T. xin việc cho M. đi làm sau khi sinh con, ngày nào cũng nhấn mạnh rằng M. mang ơn anh ta, nhờ anh ta mới có công việc tử tế. Con ốm, T. nhiếc móc M. chưa được cha mẹ dạy cách trở thành một người mẹ tốt nên không biết chăm con. M. phải đi công tác, T. chỉ trích vợ yêu tiền hơn yêu con. M. nghỉ việc theo yêu cầu của T., anh ta hài lòng một lúc, rồi lại lên án M. ăn bám, vì M. mà anh ta khổ, phải làm việc đêm ngày để chu cấp cho gia đình...

Từng bước, từng bước, M. rơi vào vòng xoáy bạo lực của T. mà không thể nói với ai, vì M. đã từng hạnh phúc bởi những hành vi được coi là tử tế của T., đã từng khoe về T. để chứng minh T. tốt đẹp, và người ngoài sẽ nói rằng T. tuyệt vời thế, M. còn đòi hỏi gì hơn; hoặc M. sợ phải nghe câu “đã bảo rồi mà không nghe”, sợ bố mẹ mang tiếng gả con vào nhà giàu để rồi bị hành hạ. 

M. sống trong sự ngột ngạt, căng thẳng tinh thần và sự cô lập ấy chừng 1 năm thì cô bắt đầu bị đánh. Ban đầu nó chỉ là những cái tát nhẹ, lời chửi rủa nhẹ và sau đó luôn là những lời xin lỗi: Anh trót, anh nhỡ, do anh nóng quá… T. sẽ đưa cô ra ngoài đi ăn, chở cô về thăm bố mẹ, tặng một món quà đắt đỏ và hứa rằng mình sẽ không bao giờ đánh M. nữa. Rồi T. sẽ lại kể lể rằng mình cũng đau lòng ra sao, có những áp lực thế nào, rằng M. có lỗi, M. không đủ tốt, T. đang phải chịu đựng M., bảo M. phải thay đổi… và M. hoàn toàn tin rằng T. đánh mình là có lý do, rằng T. sẽ vui vẻ hơn nếu mình tốt hơn.

Giải mã chuyện bị đánh dã man vẫn trở về bên kẻ bạo hành: Có thật phụ nữ "thích bị đánh" hay còn nguyên nhân sâu xa đằng sau - Ảnh 6.

“Đến giờ tôi mới hiểu, tôi đã quá sợ mình sẽ bị bỏ rơi nên cứ bấu víu vào mối quan hệ đó mà không nhận ra nó độc hại đến cỡ nào. Sự thật thì, những lời hứa hẹn của T. chỉ là những tuần trăng mật dối lừa. Không có một lời hứa nào được thực hiện. Sau mỗi lời hứa của T. và một lần tha thứ vô điều kiện của tôi (vì tôi vẫn mong chờ sẽ lại sống bình yên với anh ta), chẳng có gì thay đổi ngoài việc mức độ bạo lực tăng dần, T. đánh tôi mà không cần lý do, không cần dỗ dành nữa. Nếu có ai đó can thiệp, T. sẽ chiến tranh lạnh với tôi, sẽ đưa con đi đâu đó cả tuần và tắt điện thoại để tôi không thể liên lạc.

Ngay cả khi bố tôi đến nói chuyện, hòa giải hai đứa, T. vẫn nhấn mạnh rằng do tôi không hòa hợp với gia đình chồng, không có kỹ năng làm mẹ, không kiếm ra tiền, không sex giỏi…, rằng T. phải chịu đựng tôi nhiều hơn là tôi phải chịu đựng anh ta. Tôi đã tin điều ấy 4 năm, cho đến khi nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt con mình mỗi lần mẹ bị đánh, khi những cơn ác mộng khiến thằng bé bật dậy giữa đêm, khóc nức nở mà tôi không dỗ nổi. Đó là khi tôi quyết định mình không thể tiếp tục sống với T. nữa”. 

Vậy đấy, M. đã mất 4 năm để cắt đứt tình trạng hôn nhân với chồng cũ, cũng ngần ấy thời gian và nhiều nỗ lực mới tỉnh táo nhận ra, mình đã bị thao túng như thế nào khi sống cùng T. M. cũng từng bị quy kết một cách ráo hoảnh là “ngu ngốc”, là “thích bạo lực”, “muốn sống với bạo lực”, vì cứ mỗi lần hòa giải, cô lại tin T. có thể thay đổi mà bỏ qua cảm nhận thật sự của trái tim mình, nơi ngập tràn cô đơn và bế tắc. 

Chuyện bạo hành không mới, nhưng chỉ đến khi có một vụ bạo hành ở mức độ nghiêm trọng xảy ra, dư luận mới lại xôn xao, chấn động, mới nháo nhác về tình tiết rồi lại chép miệng. Bạo hành có thể diễn ra quanh ta, và cái nạn nhân cần, chắc chắn không phải lời bao biện, không phải là lời hòa giải, và càng không phải là sự đổ lỗi. Ít nhất họ cần sự tin tưởng, không phán xét họ khi họ tỏ bày câu chuyện, tốt hơn nữa là trợ giúp để thoát khỏi sự kiểm soát của kẻ bạo hành, được hỗ trợ để ổn định tinh thần và thể chất, ổn định cuộc sống, nghề nghiệp, chỗ ở an toàn… Bởi bất cứ ai, đều có quyền được sống an toàn và hạnh phúc hơn thay vì bị giày vò và nguy cơ rủi ro hay cái chết rình rập.

CHUYÊN GIA LÊN TIẾNG

Chị Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và phát triển

Theo chị Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và phát triển (đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), chịu trách nhiệm vận hành Ngôi nhà Bình yên, nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình - những nạn nhân bị bạo hành đã luôn ngập trong sợ hãi đến mức, họ không dám nghĩ đến việc bỏ đi, họ không có lựa chọn nào khác ngoài bắt buộc quay về với kẻ bạo lực. Họ sợ rằng, nếu bỏ đi không thành, họ sẽ bị đánh nhiều hơn (mà N. là một minh chứng sống), họ sợ con cái, cha mẹ, gia đình mình sẽ bị tổn thương, sợ xấu hổ, sợ mang tiếng, luẩn quẩn trong vòng tròn bạo lực và bất lực…

Sự sợ hãi vì bị kiểm soát cao độ với các thủ đoạn của người gây bạo lực chính là những lý do khiến nhiều nạn nhân che giấu và âm thầm chịu đựng chuyện mình bị đánh đập. Thậm chí, nỗi sợ đã làm cho nạn nhân tin rằng phụ nữ thì phải nghe lời, tuân thủ yêu cầu của nam giới, rằng mình chưa đủ tốt như xã hội yêu cầu. Các định kiến giới đã được nuôi dưỡng hàng ngàn năm bởi xã hội phong kiến đã tạo nên hệ thống "chối từ quyền của bản thân" của người phụ nữ, trong khi đó, kẻ bạo lực (chủ yếu là nam giới) luôn tìm cách "cài đặt" vào suy nghĩ của nạn nhân (chủ yếu là nữ giới), để nạn nhân tin rằng mình là người kém cỏi, mình không đủ tốt, mình không có giá trị gì, "phải hy sinh vì chồng, con" và họ sẽ "buộc phải" biện minh rằng kẻ bạo lực làm thế là có lý do chính đáng.

Do bị phân biệt về vai trò (nam/nữ) sẽ dẫn tới sự phân biệt đối xử giữa giới nam và nữ trong đó nam giới có rất nhiều quyền, dần dần phụ nữ bị tước mất nhiều cơ hội và mất dần các quyền cơ bản nhất (học tập, phát triển và hưởng thụ cuộc sống, thậm chí mất cả quyền sống an toàn). Họ không được giáo dục, định hướng để nhận biết một điều: Giữ bí mật và che giấu, bao biện cho hành vi bạo lực (đôi khi bị hiểu nhầm là "bênh vực") kẻ bạo hành là một sai lầm và làm như vậy tức là đang "trao" cho kẻ bạo lực mình nhiều quyền lực hơn, nhiều kiểm soát hơn và để kẻ gây bạo lực thêm niềm tin rằng họ có quyền hành xử tồi tệ như thế, hành vi bạo lực (tinh thần, thể xác, kinh tế và tình dục) được dung túng, được chấp nhận.


Chia sẻ