"Giải mã" anh chồng không đi đổ rác

Theo Sành điệu,
Chia sẻ

Anh Thành rất lười đi đổ rác. Vợ nói gì cũng mặc, với đủ loại lý do lãng xẹt, nào là anh đang cởi trần, nào là tay anh đau…

Họa hoằn lắm, khi chị Lan, vợ anh đang bận việc, mà thùng rác to đùng chất đống trong bếp, xe rác đang gõ kẻng ầm ĩ, chồng mới cực chẳng đã cuống quít mặc thêm quần áo, xách thùng rác đi.

Có trời mới biết lý do vì sao anh lười và sợ đổ rác đến thế. Chồng ậm ờ không giải thích, bảo làm gì cũng được, trừ đổ rác. Còn chị thì đi từ ngạc nhiên, thất vọng tới bực mình… 

Từ một việc “nhỏ như con thỏ” trong nhà, đổ rác bỗng nhiên thành việc quan trọng, thỉnh thoảng chị lại lôi ra kể tội chồng.

Từ khi lấy phải ông chồng lười đổ rác, chị bắt đầu “dõi theo” những ông chồng siêng đổ rác khác, lòng thầm ghen tị với các bà vợ tốt số hàng xóm. 

Một tối, tình cờ đọc entry của một nữ nhà văn kiêm blogger đình đám chia sẻ tâm trạng phấp phỏng khi chị luôn tin rằng mình sẽ gặp người chồng tương lai trong lúc đi đổ rác.

Chị không hiểu tại sao có anh đi đổ rác những vài tiếng đồng hồ (Ảnh minh họa)

Rốt cuộc vỡ mộng, nhưng vẫn khẳng định như đinh đóng cột, đại loại rằng, một người đàn ông sẵn sàng đi đổ rác cũng là người sẵn sàng chìa vai gánh vác những bần cùng vất vả nhất trong chặng đường dài hôn nhân. 

Chị ngồi lặng đi, nghĩ về ông chồng không mấy khi đổ rác nhà mình… lòng như vừa có cơn bão lướt, phải chăng mình lấy nhầm phải một người vô trách nhiệm?

Sáng thứ hai vừa đến văn phòng đã lập ngay một “diễn đàn” quanh bàn trà với chủ đề “Nhà anh/ chị ai đi đổ rác?”. 

Mấy chị ngẩn ra, bảo rằng quả thực không để ý, trong nhà ai tiện thì đi đổ thôi, mà hình như chỉ toàn mình tiện thể đang giờ nấu cơm thì chạy ù đi luôn. Mấy người đàn ông tiết lộ, vừa sợ vừa ghét việc này nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đi đổ vì bị vợ sai.

“Chiều nào anh cũng đi đổ rác. Đấy là việc anh làm tốt nhất và cũng được bà xã tán thưởng nhất, nên hôm nào anh cũng đổ rác từ 6h chiều đến 9h tối mà chị ấy chả kêu ca gì!”, anh Hòa khoan khoái kể. 

Không chỉ đám phụ nữ mà cánh đàn ông trong phòng cũng ngây ra, cố tưởng tượng một người đàn ông cao lớn, đẹp trai, chuyên dùng hàng hiệu, chiều chiều sẽ đi đổ rác trong bộ dạng ra sao. 

Một cô thỏ thẻ hỏi, sao anh đi đổ rác lâu thế? Anh Hòa cười khoái trá, đổ rác xong thì rẽ vào quán bia cạnh đấy, nhân tiện xem kết quả xổ số, ngồi với mấy ông bạn luôn.
 
Chị chợt nhớ đến chuyện của chị Liên – vợ anh chia sẻ: "Chị bảo, khó lắm cô ạ, nhìn ông chồng như thế chả ai bảo tôi khổ, thế mà tôi chả sung sướng gì. Ỷ vào chuyện lương tôi gấp 10 lần lương lão, lão ấy chả bao giờ đưa tiền cho vợ, có đồng nào đem nướng vào lô đề, cờ bạc, nhậu nhẹt hết. Mỗi tháng mua 10 cân gạo, thỉnh thoảng trả hóa đơn tiền điện hay nước lúc tôi vắng nhà là lão tự coi mình hết trách nhiệm với gia đình".

Chị Lan cười cười bảo, thế sao chị lại sắm cho anh ấy toàn hàng hiệu thế, đã sẵn đẹp trai, lại thêm khéo ăn nói, làm cho các bà cô say sóng hết lượt…

Chị Liên giật mình hốt hoảng: "Thì nhân viên, đối tác của mình cũng hay mua tặng, mà mỗi lần đi đâu với vợ, không lẽ để ông chồng ăn mặc lùi xùi. Mà ông ấy cũng chả chịu thua kém đâu, tôi không sắm thì ông… đòi sắm".

Hẳn là ông chồng lắm chiêu của chị Liên đã chọn đổ rác như một “khổ nhục kế” hòng đánh lừa bà vợ cả tin (chắc cũng tin vào lý thuyết, một người đàn ông đi đổ rác là ông chồng sẵn sàng chia sẻ với vợ những “bần cùng vất vả nhất trong chặng đường dài” mỏi mệt sóng bước bên nhau)… để rồi bỏ qua vô vàn thói xấu của ông chồng ham chơi. 

Chiều nay xách rác đi đổ, chị chuyển hướng điều tra, quay ra ngắm nghía mấy ông chồng siêng đổ rác nhà hàng xóm, thầm đánh giá xem “động cơ” của họ là gì, những mong lý giải được động cơ không đi đổ rác của chồng mình là sao...
Chia sẻ