Giá tăng, người bán cũng quay quắt lo đối phó

Theo VEF,
Chia sẻ

Giá cả tăng, người dân siết chặt chi tiêu khiến người bán hàng cũng khốn đốn vì việc buôn bán gặp khó...

Để cải thiện tình trạng này, tiểu thương ở các chợ đua nhau tìm nguồn hàng và các chiêu cạnh tranh, khuyến mãi để kích cầu...

Mua tận gốc, bán tận ngọn

Đã hơn tháng nay, vợ chồng chị Vân, chủ sạp rau quả lớn nhất nhì chợ Trương Định phải dậy từ 3h sáng để đi lấy hàng. "Trước đây tôi có hai nguồn, một là chợ đầu mối phía Nam, hai là các mối đưa hàng từ Đông Anh, Thanh Trì đưa đến. Tuy nhiên, giờ mà lấy lại bán thì lãi chẳng còn bao nhiêu nên phải sang tận ruộng, ngồi đầu bờ lấy hàng", chị Vân than thở.


Chị Vân cho biết, khi về khu vực Duyên Hà (Thanh Trì), thương lái đã vắng dần mà chủ yếu là người bán tại chợ tìm về lấy hàng. Với mỗi mớ rau, cân củ quả khi lấy qua thương lái sẽ bị lên giá từ 200 đến 500 đồng, tuy không phải nhiều nhưng nếu mua số lượng lớn sẽ là con số đáng kể. Theo chị Vân, hiện tại ở chợ việc bán hàng không dễ dàng như trước, khách thường mua nhiều lên để được giảm giá hoặc mua chia nhỏ ra để tiết kiệm chi tiêu.

Cả hai cách mua này đều khiến người bán phải cân đối từng trăm đồng nhỏ để đảm bảo lợi nhuận mà dễ bán hàng.

Chị Nguyễn Thị Yến, bán hàng khô ở chợ Châu Long nhăn nhó: "Khách chợ này trước đây ít khảo giá hay mặc cả, nay cũng tính từng đồng khiến chúng tôi rất khó bán. Mấy chị em cùng  ngành hàng khô cũng đã có thống nhất giá để dễ bán song họ lại bảo đắt hơn chợ khác. Chúng tôi lại phải lấy hàng bình dân về bán cho giá cả phải chăng. Từ trong năm chúng tôi cũng đã tính chuyện tìm mối trên vùng cao, đặt trực tiếp vận chuyển về, không mua qua mối buôn nữa".

Trước đây, mỗi cân nấm hương loại vừa chị mua vào khoảng 270.000đ và bán lẻ 3.000đ/lạng. Nay chị mua từ gốc giá 220.000đ/kg và bán ra 2.500đ/lạng vẫn khó bán. Theo chị Yến, khi các bà nội trợ cắt giảm chi tiêu, hàng khô là dễ ế ẩm nhất bởi họ sẽ chỉ mua thực phẩm thiết yếu như thịt, rau củ quả.

Tại cửa hàng hải sản của chị Chung, chợ Kim Liên, khách hàng vắng vẻ và hàng hóa cũng không phong phú lắm. Chạm đúng "huyệt", chị kể liên hồi: "Trước bán ào ào, chủ yếu khách yêu cầu tươi ngon, không nuôi tăng trọng. Nay tôm mua mặc cả từng lạng, cá cắt năm cắt bảy chứ ít bán được cả con. Chị em chúng tôi méo cả mặt. Giờ thay vì ngồi đợi thương lái, chúng tôi chia nhau đi lấy hàng tận gốc. Cũng chi viện nhau bán hàng để bớt ế ẩm hay có thống nhất tương đối về giá để tránh khách mua khảo giá hay mè nheo".

Giữ khách: Lấy công làm lãi

Hàng ngay đầu chợ lại lắm mối khách quen trong khu tập thể Kim Giang nên chị Phương, chủ sạp thịt bò chợ Kim Giang bán hàng theo "mặt" khách. Khách quen chị vẫn chấp nhận lãi tý xíu để giữ chân, khách lạ chị đôn lên cũng chỉ dám một chút để kiếm lời.


"Thật khó khăn ghê lắm. Càng ngày càng nhiều người dân ở quê tự mổ bò, lợn mang ra chợ ngoài Hà Nội kiếm sạp bán. Họ mua từ gốc, thậm chí của nhà, của hàng xóm nên giá rất mềm, chúng tôi chỉ còn nước đợi họ bán hết rồi ngồi cả ngày bán câu giờ. Trước thường tôi bán giờ cao điểm sáng và chiều, nay ngồi cả ngày chỉ nghỉ tý buổi trưa. Thêm khách và phục vụ cả ngày để bù vào chỗ lãi ít".

Thay vì ngồi chợ bán, chị Quyên làm thêm khâu nhặt rau, gọt củ quả và sắp vào túi đưa tới nhà cho khách quen ở khu tập thể Khương Trung. Sạp rau của chị ở chợ Khương Trung trước bán luôn tay giờ khá vắng nên chị giữ khách bằng cách phục vụ tận nhà.

"Cứ ai bận không ra chợ được chỉ cần alo là tôi làm sẵn, cho con hay nhờ chồng mang vào tận nhà. Bán thế hơi vất nhưng được cái không bị mặc cả. Khách cũng thấy thoải mái nên giữ được khách quen chứ bây giờ người ở quê ra bán nhiều lắm, cứ để trên xe dắt đi quanh chợ bán rẻ hơn nên hàng chúng tôi càng thêm ế ẩm".

Chị Quyên cũng bán hàng theo phương thức "mở" như mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, xé lẻ ra nhỏ mấy cũng bán. Theo chị, nhà có hai người mua cả mớ rau sẽ phí, trước 2000đ/mớ họ tặc lưỡi mua ngay, giờ 4000đ/mớ nên họ chỉ mua một nửa. Bán như vậy lãi chẳng bao nhiêu nhưng còn được cái đắt hàng, người bán bây giờ nhặt từng đồng lẻ.

Quầy ngan, vịt quay sắn của anh Chiến trước cổng chợ Định Công lèo tèo vài chú vịt, ngan. Anh Chiến than: "Chị em đi chợ bây giờ bảo không tiếc công, chỉ tiếc tiền nên mua sống về làm hơi ngại vẫn phải cố. Nhàn hơn tý mà mất tiền họ cũng không ham nên hang của tôi ế ẩm lắm. Trước bán 180.000/con ngan, ngày bán mấy chục con, nay giảm 170.000đ/con vẫn ế, trong khi đó, giá mua đầu vào lại tăng. Bị ép cả hai phía, tôi đang tính tạm nghỉ ít bữa". Anh Chiến cũng cho biết, đã có lúc anh phải bán ¼ con để cho chạy hàng, trước tối thiểu ½ con anh mới chặt.

Đầu vào tăng giá, đầu ra khó khăn khiến không ít tiểu thương ở chợ tạm đóng cửa, tuy vậy hầu hết số họ đều cố gắng trụ lại với nhiều chiêu thức mới nhằm kích cầu, giữ khách. Tuy nhiên, theo chị Phương, bán thịt bò ở chợ Kim Giang: "Cứ thế này cũng sẽ có thêm nhiều người tạm nghỉ. Chúng tôi cũng được an ủi một chút ở chỗ bà con chịu khó mua thực phẩm về chế biến và đi chợ hàng ngày, mua lẻ thay vì đi siêu thị hay mua nhiều một lúc. Túc tắc bán và tìm cách thoát khó thôi".
Chia sẻ