Giá của tình yêu

Hoài Thu,
Chia sẻ

Yến theo Công về ra mắt gia đình. Mẹ Công nhìn Yến một lượt từ đầu đến chân. Bà nhìn xoáy vào chiếc bụng phình to của cô, nơi mà đứa cháu nội của bà đang lớn lên từng ngày.

Như kế hoạch, sáng nay Công đưa Yến về trình diện bố mẹ. Họ yêu nhau cũng đã hơn năm. Gia đình Công biết điều đó. Tuy nhiên, họ không ưng thuận vì chê Yến công việc chưa ổn định, lương ba cọc ba đồng lại xuất thân trong một gia đình lao động bình thường. Nhưng rồi cái sự không vừa ý của họ cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà Yến và Công quyết tâm “vượt rào”, lấy cớ kết hôn, để rồi kết quả là một sinh linh nhỏ đang hình thành trong người Yến.

Yến là cô gái hiền lành, sinh ra trong một gia đình nền nếp. Cô làm cho một công ty tư nhân, nói chung, lương lậu cũng chỉ đủ chi tiêu và cô cũng có thể mất việc bất cứ lúc nào khi công ty đó giải thể.
Yến gặp và yêu Công cách đây hơn một năm. Cô cũng biết gia đình Công không ưng thuận mình, là người có lòng tự trọng nhiều lần cô đã nói lời chia tay với Công để tránh làm cho anh khó xử. Nhưng Công không chịu, anh yêu cô thật lòng. Cũng bởi cái tình yêu đó mới có sự thể ngày hôm nay. Anh thuyết phục Yến làm cho “sự đã rồi’ để bố mẹ phải chấp nhận. Cô cự tuyệt, nhưng anh khóc lóc van xin vì người duy nhất anh muốn cưới làm vợ chỉ có Yến mà thôi.
 

Biết mình đã không được lòng bố mẹ Công, họ khinh cô xuất thân trong gia đình lao động, nghề nghiệp cũng không ổn định, Yến đau khổ vô cùng. Nhưng vì tình yêu mà Công dành cho cô và lời thuyết phục: “Em gắng chịu thiệt thòi lần này, nhưng lấy nhau rồi em sống với anh chứ đâu phải bố mẹ anh. Chúng mình sẽ được hạnh phúc bên nhau. Bằng không, mất em rồi anh không sống nổi”.

Vậy là Yến nhắm mắt đưa chân, mặc danh dự của gia đình, của bản thân, mặc sự khinh bỉ của bố mẹ Công dành cho cô sẽ nhiều lên gấp bội. Cô chấp nhận tất cả vì cái hạnh phúc sau này của hai người. Khi bào thai lớn dần trong bụng cô, cô hiểu rằng, mình không có quyền dừng lại nữa, phải dành hạnh phúc cho chồng, cho con.

Yến mang đến nhà Công giỏ hoa quả để chuẩn bị cho bữa ăn. Cô vừa bước chân vào cửa, mẹ Công đã nhìn cô chằm chặp. Chiếc áo thun mỏng may rộng không đủ che đi chiếc bụng của cô. Mẹ Công nhìn, cái nhìn dài thườn thượt. Yến cố gắng tạo cho mình sự bình thản trước cái nhìn mà cô biết vừa như oán trách, khinh thường vừa như cố gắng chấp nhận của bà.
 

Yến hăng hái vào bếp, toan giúp mẹ Công chuẩn bị bữa ăn. Nhưng sự có mặt của cô trong gian bếp dường như trở nên thừa thãi. Hễ Yến đồng vào cái gì, bà cũng kêu: “Để đó, tôi làm”. Mẹ Công nói: “Tốt nhất cô ra ngoài đi, ở đây cô cũng không giúp được gì đâu, ngộ nhỡ có điều gì thất thoát, tôi chẳng gánh được trách nhiệm đâu”.

Yến hiểu sự cố gắng của mình cũng chẳng có ý nghĩa gì, cô lặng lẽ bước ra phòng khách ngồi. Công nhẹ nhàng ngồi xuống bên cô, nắm tay cô thật chặt để ngăn dòng nước mắt đang trực trào ra.

Từ gian bếp vọng ra những tiếng băm chặt chan chát, Yến cảm nhận thấy sự ê chề nhục nhã, lòng cô xót xa, tê tái.

Chia sẻ