Ghen kiểu trẻ con cũng đáng để suy nghĩ

Khánh Minh,
Chia sẻ

Cola nghĩ bà ngoại không còn yêu Cola nữa và anh cu Tí là lý do. Thế là, bà không để ý là Cola lại cấu cho anh khóc ré lên. Bà ngoại mắng, tủi thân Cola cũng khóc theo.

Ngày anh cu Tí "chui" ra khỏi bụng mẹ, khóc oe oe, bé Cola mừng lắm. Thế là từ nay bé sẽ có thêm anh cu Tí để cùng chơi đồ hàng và cùng ăn kẹo. Nhưng anh cu Tí bé quá, chỉ biết nằm và tu bình sữa, hết ị lại tè dầm, chán rồi thì khóc toáng lên đòi bế.
 
Mấy ngày đầu nhà bà có thêm anh cu Tí, bé Cola thích về nhà bà chơi lắm. Cứ đi lớp về là Cola lại đòi mẹ dẫn sang bà ngoại chơi, để được nhìn thấy và gọi: anh cu Tí ơi, lớn nhanh lên chơi với em nhé. Cola cứ đòi bế anh nhưng bà ngoại không cho bế, bà bảo: “Cola còn bé lắm, chưa bế được anh nên để bà bế anh nhé”. Thế là lúc nào bà ngoại cũng phải bế anh cu Tí rong rong khắp nhà. Thấy bà bế anh nhiều mà không bế mình, Cola cũng nũng nịu đòi bà bế, nhưng bà ngoại bảo: “Cola lớn rồi, phải tự chơi, anh cu Tí còn bé chưa chơi được nên bà bế anh”. Mặc dù cũng “ghen” với anh nhưng Cola không mè nheo bà nữa, vì Cola thấy bà nói đúng quá.
 
 
Anh cu Tí lớn dần, biết lẫy rồi biết ngồi. Bà ngoại của Cola vẫn ngày ngày cho anh cu Tí ăn và đẩy xe cho anh cu Tí đi chơi. Nhưng Cola ít sang nhà bà chơi hơn, cũng không tỏ ra yêu quý anh cu Tí nữa. Mỗi lần nghe mẹ rủ sang bà ngoại chơi là y như rằng Cola sẽ xị mặt: “Con không thích sang bà ngoại đâu. Bà ngoại không yêu Cola nữa rồi”.
 
- Bà không yêu Cola thì yêu ai chứ?! Bà yêu Cola nhất mà
- Không phải, bà yêu anh cu Tí, bà không yêu Cola
- Sao bà lại không yêu Cola?
- Bà không mua đồ chơi cho Cola, đồ chơi của anh cu Tí thôi. Bà bảo Cola là không được đánh anh không là bà đánh roi đấy.
 
Câu trả lời của Cola làm mẹ giật mình. Sao Cola lại để ý những cái đó, con bé mới 4 tuổi thôi mà. Nhưng hóa ra đúng là bà ngoại Cola có phân biệt đối xử thật. Trước đây, khi mới có mỗi Cola là cháu, bà chiều Cola lắm. Mẹ bận đi làm nên gửi Cola ở nhà bà. Ngày ngày, bà bế cháu đi chơi, mua đồ chơi cho Cola, lúc nào cũng nói yêu Cola nhất và không bao giờ đánh Cola. Nhiều hôm bà còn giữ Cola ngủ lại với bà hoặc ở nhà bà chơi mấy ngày mới về nhà mình. Chính vì vậy mà Cola bám bà lắm. Cứ có bà là Cola chẳng cần đến mẹ luôn. Có lúc mẹ Cola nghĩ, Cola có hư thì cũng là do bà, cháu hư tại bà cấm có sai bao giờ.
 
Giờ thì bà ngoại bận chăm sóc anh cu Tí nên có phần “xao nhãng” chăm sóc Cola. Có đồ chơi mới là bà nhường cho anh Tí đầu tiên. Bà thích đẩy xe cho anh Tí đi chơi hơn là dắt Cola đi bộ. Hai anh em chơi đùa với nhau, hễ thấy anh Tí khóc là thể nào bà ngoại cũng quát Cola:“Sao Cola lại bắt nạt anh. Còn bắt nạt làm anh khóc là bà đuổi về nhà đấy, không cho đến đây chơi đâu”. Hoặc như ngủ trưa, dù cho mẹ anh Tí có nhà nhưng bà ngoại vẫn nhất quyết bế anh Tí đi ngủ và bảo Cola nằm cạnh chứ không ôm Cola ngủ như trước. Cola nghĩ bà ngoại không còn yêu Cola nữa và anh cu Tí là lý do. Thế là cứ nhằm lúc bà không để ý là Cola lại cấu cho anh khóc ré lên. Bà ngoại mắng, tủi thân Cola cũng khóc theo.
 
 
Không biết từ lúc nào, Cola có ánh mắt buồn buồn mỗi khi sang bà ngoại chơi. Cola lớn rồi nên không khóc đòi bà bế vì mẹ dạy Cola vậy, nhưng cứ thấy bà bế anh Tí là Cola lại nhìn chăm chăm và có vẻ buồn. Cola cũng không tranh đồ chơi với anh nữa vì mẹ bảo anh còn bé nên Cola phải nhường anh, hai anh em cùng chơi. Cola không cấu anh vì như thế là không ngoan, không được ai yêu.
 
Với người lớn thì những chuyện này là hết sức bình thường. Bà ngoại chăm sóc anh cu Tí vì anh cu Tí bé hơn, như thế không có nghĩa là bà không yêu Cola. Còn sự thay đổi của Cola được đánh giá là bé ngoan, biết vâng lời mẹ dạy. Nhưng đây lại chính là sự vô tâm của người lớn. Cola vẫn còn là trẻ con, nên sự xuất hiện của anh cu Tí là một thay đổi lớn đối với bé. Từ chỗ được bà ngoại chiều chuộng, Cola phải “nhường” bà lại cho anh cu Tí, sự quan tâm của bà với anh Tí làm cho Cola “ghen”. Cola cảm thấy tủi thân và từ đó ghét lây sang anh cu Tí.

Đáng lẽ ngay từ đầu, ông bà cha mẹ nên giải thích để Cola hiểu và biết “chia sẻ” bà với anh cu Tí, để Cola không bị hụt hẫng và bị tổn thương quá nhiều. Một khi đã để tâm hồn trẻ bị tổn thương thì mọi giảng giải, bù đắp về sau dù có lấp đi phần nào ấm ức trong lòng trẻ cũng không giúp trẻ bỏ đi suy nghĩ tủi thân và mặc cảm bị xa lánh.
Chia sẻ