Ghê người công nghệ chế biến thực phẩm

Beau - Tổng hợp,
Chia sẻ

Để hút mắt người tiêu dùng, nhiều người kinh doanh đã sẵn sàng “ra tay” bằng cách ngâm, tẩm, tắm… phụ gia cho thực phẩm nhằm có được màu sắc như ý muốn.

Tẩy trắng thực phẩm bằng hóa chất

Hơn 170 kg chân gà thâm tím và khoảng 10 kg đang ngâm trong dung dịch ôxy già để làm trắng vừa được phát hiện tại một điểm kinh doanh ở quận 3, TP HCM, chiều 9/10.

Chân gà tẩy trắng bằng ôxy già.

Đại diện đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm quận 3 cho hay, toàn bộ số thực phẩm sắp được chế biến thành món chân gà nướng và gỏi chân gà nói trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Khai nhận với cơ quan chức năng, chủ hộ kinh doanh cho biết đã mua chân gà từ các mối quen nên không ghi hóa đơn. Người này cũng thừa nhận đã dùng ôxy già với mục đích tẩy tan các vết thâm tím trên nguyên liệu. Trước những sai phạm về vệ sinh thực phẩm, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tiêu hủy toàn bộ số chân gà nói trên.

Ngoài ra chỉ với 25.000 - 35.000 đồng, người chế biến thực phẩm dễ dàng mua được túi chất tẩy đường hoặc axit chanh tại chợ Đồng Xuân. Điều đáng nói là, các chất tẩy này được dùng để tẩy trắng lòng, dạ dày lợn, tẩy hoa chuối, ngó sen, gà, vịt làm sẵn, mòng giò… bán cho người tiêu dùng sử dụng.

Hoa chuối thâm đen và được tẩy đường cho đẹp mắt.

Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng Phòng Thí nghiệm trọng điểm, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam: “Tẩy đường hay còn gọi là Natri Hydrosulphite hay Sodium Hydrosulfite được dùng để tẩy đường cho trắng, nếu đường có màu, cho chút chất này vào đường sẽ trắng tinh. Nếu dùng tẩy thực phẩm ôi, thiu thì việc tẩy rửa này chỉ mang tính chất làm cho trắng sạch mà không làm mất mùi hôi thối, như vậy chỉ đánh lừa người tiêu dùng về màu sắc bên ngoài”.

Muốn măng ngon, đẹp, ngọt… người sản xuất cũng đang tâm cho hóa chất để được như mong muốn. Một cơ sở sản xuất măng ở TP.HCM đã dùng 3 loại phụ gia. Một túi màu vàng là phẩm màu dùng để tạo màu cho măng, đường hóa học để măng ngọt, gói màu trắng là bột tẩy. Công dụng giúp tẩy măng hư, giúp măng mềm, tạo độ dai.

Một chủ sản xuất măng từng cho biết, khi sản xuất măng chua, trước khi đem bán 2 ngày, búp măng luộc sẽ được ngâm một thứ bột màu vàng mà những người trong nghề gọi là bột măng. Tại một cơ sở sản xuất măng, P/V đã chứng kiến chủ cơ sở sản xuất giới thiệu gói bột màu trắng có mùi cực nồng. Theo chủ sản xuất này, khi làm măng chua nếu không tẩy nhựa cho măng vòi (loại chuyên dùng làm măng chua) thì sẽ nhanh bị đen và hỏng. Để tẩy nhựa, sau khi cắt lát, ngâm loại hóa chất đó vào.
 

Măng được tẩy trắng.

Ông chủ này nói: “Nếu muốn măng mau mềm, ngọt thì cứ cho nhiều đường hóa học vào. Nếu cần gấp cho thêm hàn the. Vài ngày là giao hàng được rồi chứ không cần đợi đến vài tháng như trước đây”.

Chính người chủ này nói thêm, một giờ trước khi đem bán, măng được vớt ra và ngâm thêm bốn muỗng hóa chất để “tắm trắng” cho măng. Muốn măng càng trắng, tăng độ giòn thì cho hóa chất nhiều. giá 25.000 đồng/kg hàng loại một, 20.000 đồng/kg hàng loại hai.

Ngày 9/4/2011, viện Công nghệ Hóa học TP.HCM này đã kết luận định tính cho chất bột trắng dùng ngâm măng là hai chất là sodium sulphite (Na2SO3) và sodium hyposulfite (Na2S2O3). Đây là hai chất có gốc sulphite, cực mạnh, dùng trong phim ảnh và tẩy trắng vải, len, xử lý mủ cao su và thuộc da. Còn gói bột màu vàng, kết quả định lượng phát hiện kim loại nặng với hàm với hàm lượng Cd (cadmium) 0,625mg/kg.

Bánh bao trắng nhờ bột lạ

Nhiều người thắc mắc đã thử làm bánh bao nhiều lần, nhưng bánh không những không xốp mà còn không trắng. Mấy ai biết được, chính người sản xuất bánh bao đã dùng chất tẩy trắng để tẩy màu nhờ nhờ của bột mì.

Loại bột tẩy trắng bánh bao có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá 70.000 đồng/kg. Còn gói bột xuất xứ từ Pháp có giá 115.000 đồng/kg. Lượng sử dụng 1 – 2 thìa cà phê/1 kg bột mì. Theo một người chuyên làm bánh bao, chất phụ gia dùng làm bánh bao trắng, xốp, nở  bao gồm bột nở (giúp bánh nở theo kiểu hóa học, không làm thay đổi hương vị bánh), men nở (khiến bánh nở theo kiểu sinh học, bản thân men là các vi sinh nên sẽ làm thay đổi mùi vị của bột) và… bột tẩy trắng.

Bột tẩy trắng bánh bao.

P/V đã mục sở thị tận cơ sở làm bánh, không khỏi giật mình khi thấy công nhân tay trần nặn bánh, nhân thịt lấy từ hàng ế và ngay cả trứng được để ở rổ không qua công đoạn lọc rửa, xưởng bánh ngổn ngang, bẩn thỉu.
 
PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Để tẩy trắng một số thành phẩm hoặc bảo quản hoa quả, các hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất ô xi hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất gây độc, có khả năng gây niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em."

Công nghệ làm giá đỗ bằng hóa chất

Để giá được đẹp, đáp ứng cho việc tiêu thụ được dễ dàng, hầu như các cơ sở sản xuất giá đỗ đều có sử dụng chung một loại hóa chất lỏng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Một chủ cơ sở sản xuất khẳng định: "Để cho giá được đẹp, tươi lâu, bắt buộc phải dùng hóa chất, như vậy mới dễ bán. Ngày trước thì dùng một loại hóa chất dạng bột có xuất xứ từ Nhật nhưng bây giờ, hầu như mọi người chuyển sang dùng một loại hóa chất dạng lỏng có nguồn gốc từ Trung Quốc vì loại này dễ sử dụng, giá cả cũng hợp lí mà cho sản phẩm thì... hết chê. Loại hóa chất này giúp cho cây giá trắng hơn, thẳng hơn, mập hơn và đặc biệt là khiến cây giá không mọc rễ. Giá mà mọc rễ nhiều thì mối lái sẽ chê, rất khó bán".


Công nghệ làm giá đỗ.

Loại hóa chất mà ông chủ cơ sở đó nhắc đến là một loại chất lỏng, được đựng trong những ống bằng nhựa có dung tích 2ml, mỗi hộp nhỏ có 20 ống, mỗi thùng lớn có 100 hộp nhỏ.

Trên bao bì của loại hóa chất này toàn những chữ Trung Quốc, không một chữ tiếng Việt hay tiếng Anh, không ghi thời gian sản xuất, cũng như bất kì một chỉ số, công thức hóa học nào. Được biết những dòng chữ này có nội dung: "Chất dùng cho việc làm giá đỗ không có rễ, tăng sản lượng, giữ tươi, làm trắng".

Một số chuyên gia cho biết, đó là một loại hóa chất tổng hợp kích thích tăng trưởng có tên thương mại là Wugendouyajisu, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cho thực vật.

Theo PGS.TS Trịnh Xuân Vũ, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Nông lâm TPHCM: "Nói chung chất kích thích tăng trưởng gây ra những biến đổi không bình thường cho cơ thể. Giá sống là một thực phẩm sinh trưởng ngắn ngày, có thể ăn sống, tác động trực tiếp như ngâm, phun chất sinh trưởng vào giá là rất không nên. Đặc biệt các chất sinh trưởng có vòng benzene như loại hóa chất này là tác nhân gây ung thư, rất nguy hiểm".

Cốm hóa xanh nhờ phun phẩm màu

Mới đây, người tiêu dùng lại thêm một lần nữa bàng hoàng, khi có thông tin về cốm Vòng nổi tiếng cũng dùng chất nhuộm để có màu xanh, nhằm hấp dẫn người mua.

Người làm cốm ở làng Vòng (Cầu Giấy – Hà Nội) không dấu giếm công nghệ sản xuất cốm dùng chất lạ. Sau khi cốm được rang chín, xát vỏ, hạt cốm chưa có màu xanh, người sản xuất dùng phẩm màu để tạo được màu xanh bắt mắt. Thậm chí, công đoạn nhuộm màu được thực hiện bằng bằng máy phun sơn hoặc dùng chổi vẩy nước phẩm màu lên cốm.

Hóa chất cho màu của cốm.

Loại phẩm màu xanh dùng để sản xuất cốm, được bán ở phố Hàng Buồm gồm 2 loại có giá 15.000 đồng/lạng hoặc 450.000 đồng/kg. Dẫn lời một người bán cho hay, loại phẩm nhuộm cốm 450.000 đồng/kg được phép sử dụng, công hiệu không cao nên người bán chỉ đặt khi có khách, còn loại 15.000 đồng/lạng là phẩm màu công nghiệp.

Phẩm nhuộm cốm có dạng khô và tinh dầu dạng nước. Tinh dầu cốm giúp cốm thơm, ngon. Những gia đình không có gạo nếp làm cốm có thể chế gạo tẻ và ướp nước tinh dầu. Với loại 15.000 đồng/lạng, người sản xuất chỉ cần pha với nước, sau đó quét hoặc phun lên cốm.

PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nếu dùng phẩm màu ngoài danh mục cho phép với những dư lượng kim loại nặng tồn đọng có thể gây hậu quả di truyền, biến dị xấu về gen cho những thế hệ sau. Nếu ăn phải thực phẩm có phẩm màu công nghiệp có thể gây độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng.

Bún trắng, dai, để được lâu nhờ hóa chất công nghiệp nhuộm

Đến lượt món bún được ăn hàng ngày để có màu trắng nõn, dai, để được lâu cần đến bột làm trắng, bột làm dai và phụ gia bảo quản.

Để có được bún lâu thiu, một hộ sản xuất ở TP Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai chỉ dẫn cho bột trứng mốc có giá 44.000 đồng/kg. Còn để bún có mùi gạo nếp thì người sản xuất chỉ loại chất lỏng “hương nếp”, giá 220.000đ/kg, với 50kg bột chỉ cần cho khoảng năm muỗng, sợi bún sẽ thơm phức mùi gạo nếp.
 
Hóa chất sử dụng cho bún ngon đẹp.

Còn để làm sợi bún dai, người sản xuất này cho hay, có 2 loại chất giúp sợi bún dai. Loại TKL – 40 tạo bún khô, dai, chống ẩm ướt trên bún, kéo dài thời gian bảo quản, chống các vi khuẩn làm hư sản phẩm. Chất này do công ty Gia Trúc nhập khẩu từ Indonesia, giá bán 120.000 đồng/kg, nhưng chính người sản xuất cũng không biết công ty Gia Trúc ở đâu. Loại thứ hai là bột “dai”, nhìn như đường trắng, được đóng vào từng bịch xốp nhỏ không nhãn mác, không địa chỉ, không nguồn gốc xuất xứ. Loại này được bán với giá 100.000đ/kg.

Để giúp sợi bún trắng nõn, người sản xuất trên đã dùng loại chất tẩy vàng có tên là tinopal, đây là hóa chất dùng trong công nghiệp vải và sợi bông và giá bán là 250.000 đồng/kg.

Bột sắt phù phép gà khoác “áo” vàng

Một người bán thịt gà từng chia sẻ với P/V: “Nếu nhuộm bằng nghệ, gà sẽ có màu vàng xanh, chứ không được vàng ươm như thế đâu. Nhuộm bằng bột màu thực phẩm thì tiền đâu ra, vả lại chỉ cần rửa, bột màu thực phẩm lại trôi đi hết. Dùng bằng hóa chất vừa rẻ, màu lại không bị phai”.

Một chủ hàng chuyên cung ứng gà làm sẵn cho biết: ”Để gà có màu vàng tươi ngon, bắt mắt, sau khi vặt lông, rửa sạch, trước khi đem đi phân phối cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, quán bình dân,… gà được nhúng vào nồi nước sôi trong đó có hòa trộn một ít bột công nghiệp, loại mà người ta hay quen gọi là “bột sắt”.



Mẫu bột sắt được các cửa hàng bán sơn trên phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết có tên là phẩm vàng sắt - một loại hóa chất công nghiệp cùng với vec-ni dùng làm bóng gỗ, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

BS. Nguyễn Xuân Mai – Nguyên phó viện trưởng viện y tế công cộng TP.HCM nhấn mạnh: "Những màu công nghiệp đều rất độc và đã được cấm dùng trong thực phẩm. Lý do độc là do không được tinh chế, không được tinh khiết, lẫn nhiều những hợp chất hữu cơ, những kim loại chứa nhiều chất độc hại. Gà, vịt có chất mỡ, chất béo nên sẽ thấm hút hóa chất rất nhanh. Khi màu công nghiệp được bôi, quết hoặc ngâm tẩm vào gà vịt, NTD ăn phải sẽ bị độc tiềm ẩn, độc tích lũy, về lâu dài rất nguy hại tới sức khỏe."
Chia sẻ