Gạt bỏ tư duy làm "sếp" khi tìm việc

MÂY TRINH,
Chia sẻ

Chủ động đối phó với nghịch cảnh, dám thừa nhận hạn chế của bản thân sẽ giúp ứng viên từng giữ vị trí quản lý tăng khả năng cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết hiện chỉ chú trọng tuyển dụng thay thế, thay vì tuyển mới. Tuy nhiên, tiêu chí tìm người ngày càng được nâng cao và chọn lọc kỹ càng hơn. Những ứng viên ít cập nhật kỹ năng, dù từng giữ vị trí quản lý nhưng năng lực không tương xứng vẫn khó được chọn.

"Lệch pha" với nhu cầu thực tế

Khi bị cắt giảm lao động vào cuối năm 2022, anh Trần Tiến Hùng (38 tuổi, quê Phú Yên) không nghĩ rằng sẽ khó tìm việc đến vậy. Hơn 10 năm trong nghề xây dựng, có 5 năm làm chỉ huy trưởng, anh rất tự tin với kinh nghiệm mình có. Nhưng cảm giác này nhanh chóng biến mất khi nhiều tháng phỏng vấn thất bại.

Suốt 10 năm làm việc tại một công ty với quy mô nhỏ, anh Hùng nhận ra kỹ năng tích lũy được chưa đủ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng hiện tại. Do đó, khi đọc mô tả công việc, anh cảm thấy nhiều yêu cầu "quá sức" so với năng lực. "Dù cùng tuyển cho vị trí chỉ huy trưởng nhưng có những công việc trước đây tôi chưa làm bao giờ. Nhà tuyển dụng cũng lo ngại tôi có thể rơi vào "lối mòn" trong công việc khi làm một chỗ quá lâu" - anh Hùng kể.

Gạt bỏ tư duy làm sếp khi tìm việc - Ảnh 1.

Bà Đào Hạnh Giang tại một khóa đào tạo cho quản lý nhân sự về cách thu hút ứng viên cấp cao. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tương tự, chị Trần Thị Ái Nhi (45 tuổi, TP HCM) từng giữ vị trí trưởng phòng nhân sự tại một công ty nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Khi DN thiếu hụt đơn hàng, chị nằm trong nhóm đầu tiên bị cắt giảm. Gắn bó với công ty 15 năm, nên khi thất nghiệp, chị khá sốc khi bắt đầu tìm việc mới.

Sau 3 tháng loay hoay chưa có việc, chị phải cầu cứu người bạn là cố vấn nghề nghiệp. Nhờ đó, chị mới biết mình tuy ở vai trò quản lý nhưng dành phần lớn thời gian giải quyết các sự vụ, hành chính cơ bản. Thêm vào đó, môi trường làm việc không yêu cầu quá khắt khe nên lâu dần chị sao nhãng việc học hỏi, cập nhật kiến thức mới. Gặp nhà tuyển dụng đòi hỏi cao, chị thấy e dè, sợ bản thân không đủ khả năng đảm đương.

Theo các chuyên gia, vấn đề của anh Hùng và chị Nhi nằm ở sự bị động và quá ỷ lại vào chức danh, dù năng lực có thể chưa tương xứng. Điều này khá phổ biến với những ứng viên nắm giữ vị trí cao và làm việc lâu năm tại một DN không có nhiều cải tổ, cập nhật quy trình, công nghệ, không áp dụng các phương thức sản xuất làm việc mới. Một lý do khác nữa đó là ứng viên quá tự tin vì giữ vị trí cao nên không đầu tư đủ thời gian, nỗ lực học hỏi và cải thiện. Cách làm việc theo lối mòn, thiếu năng lực quản lý, điều hành dẫn đến tình trạng "lệch pha" với nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng khi chuyển việc.

Cần nâng cấp bản thân

Ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House, TP HCM), phân tích thị trường lao động liên tục thay đổi, một vị trí công việc không được đánh giá đơn giản bởi chức danh dựa trên công việc giải quyết và giá trị đóng góp cho tổ chức.

Do vậy, đối với những ứng viên năng lực không song hành cùng chức danh, bị cắt giảm, đi tìm việc sẽ gặp không ít trở ngại, đôi khi do chính bản thân tạo ra. Đơn cử là ứng viên có thể bị giới hạn việc lựa chọn cơ hội mới vì chỉ tập trung ứng tuyển vị trí cao, vốn cũng không có nhiều. Trong khi đó, họ lại không đánh giá được năng lực và kiến thức bản thân so với vị trí đang tuyển dụng mà chỉ chú trọng vào chức danh.

Điều này dẫn đến hệ quả họ dễ bị từ chối do không đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn. "Nếu nhận thấy khả năng và vị trí trước đó không phù hợp với yêu cầu thị trường mới, ứng viên nên xem xét điều chỉnh định hướng nghề nghiệp. Xu thế hiện nay là yêu cầu sự thích nghi cao, đa năng trong công việc, ứng viên có chức danh cao không chỉ biết một công việc mà phải đảm nhiệm nhiều công việc khi cần thiết" - ông Tuấn khuyên.

Bà Đào Hạnh Giang, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Build Talents (TP HCM), cho rằng tư duy đúng mới đưa đến suy nghĩ, hành động và kết quả đúng. Bên cạnh việc tự trau dồi chuyên môn, ứng viên có thể gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia nghề nghiệp để nắm bắt xu hướng và tri thức mới.

Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hay thị trường khó khăn, ứng viên cần chủ động, linh hoạt đối phó với nghịch cảnh. Tiếp cận vấn đề với tâm thế lắng nghe, đón nhận các ý kiến góp ý trái chiều. Đồng thời, trau dồi các kỹ năng quan trọng mà thế giới đang đòi hỏi như tư duy phân tích, sáng tạo, khả năng phục hồi và tính kiên cường…

"Ứng viên cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ, nỗ lực nâng cấp bản thân. Chức danh cao nhưng nếu năng lực kém thì cũng khó cạnh tranh với những người ở cùng vị trí hoặc thấp hơn vì kém hiệu suất và khả năng xử lý công việc" - bà Giang nói.

Kỹ năng công việc sẽ thay đổi

Theo kết quả khảo sát về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, do PwC Việt Nam (công ty kiểm toán, TP HCM) thực hiện vừa công bố, tại Việt Nam có 61% người lao động tin rằng các kỹ năng cho công việc của họ sẽ thay đổi trong 5 năm tới. Nhiều người cho rằng kỹ năng về con người quan trọng hơn các kỹ năng kỹ thuật hoặc kinh doanh, bao gồm khả năng linh hoạt (70%), kỹ năng hợp tác (70%), tư duy phản biện (68%) và kỹ năng phân tích (66%).

Chia sẻ