Gặp gỡ cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam

Giang Hoàng- Nguồn ảnh Afamily.vn,
Chia sẻ

Hai cụ bà sinh năm 1911, vừa tròn 100 tuổi nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng ánh lên nét hóm hỉnh, tươi vui.

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (tháng 5/2011) đã xác nhận hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc ở xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là đôi song sinh cao tuổi nhất Việt Nam.

Hai cụ bà song sinh Vi Thị Các và Vi Thị Đắc năm nay đều 100 tuổi.

Sinh năm 1911 nghĩa là năm nay hai cụ vừa tròn 100 tuổi nhưng trên khuôn mặt hai cụ bà Vi Thị Các và Vi Thị Đắc lúc nào cũng ánh lên nét hóm hỉnh, tươi vui. Mái đầu bạc trắng, làn da điểm đồi mồi nhưng ánh mắt vẫn sáng và nụ cười “móm mém” đầy hiền từ, ấm áp.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Vi Thị Các vào lúc giữa trưa, bà Nguyễn Thị Khánh (67 tuổi, con dâu cụ Các) bảo: "Bủ vừa mới nhặt lá ngô ở ngoài vườn vào. Đến bây giờ việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân bủ vẫn tự làm được”.

Cụ bà Vi Thị Các cười hóm hỉnh.

Thấy bóng khách lạ vào nhà, cụ Vi Thị Các chống gậy từ trong buồng “lộc cộc” đi ra. Ngồi xuống chiếc tràng kỷ, cụ cất giọng sang sảng hỏi người con dâu: Ai đấy? Ai đến chơi đấy? Đôi mắt giờ chỉ còn nhìn thấy mờ mờ, hết sờ tay, sờ mặt chúng tôi rồi cụ nói giọng ấm ức: “Mắt với mũi chả nhìn thấy chỉ thấy có bóng người thôi, chả biết ai vào với ai, khổ lắm”. 

Cách đó vài trăm mét là nhà cụ Vi Thị Đắc, em song sinh của cụ Các. Cả gia đình cụ Đắc bốn thế hệ sống trong một ngôi nhà ba gian nhỏ, hẹp. Trước mắt tôi là hình ảnh một bà cụ tuy cao tuổi nhưng còn khá tinh anh. Đầy một tô cơm nhưng cụ vẫn tự tay lấy thìa xúc ăn chậm rãi với vẻ ngon lành.

Cụ bà Vi Thị Đắc vẫn còn tinh anh.

Ông Nguyễn Văn Luyện con trai thứ cụ Các năm nay 71 tuổi cho biết: “Cả hai cụ đều đã móm hết rồi nhưng lợi còn khỏe lắm, quả gì cứng gắp dần dần cũng ăn được trừ mỗi mía là không ăn được thôi”.

Cả hai cụ tuổi đã cao nhưng hầu như không đau ốm, bệnh tật gì, cùng lắm chỉ cảm cúm chứ không phải đi trạm xá, bệnh viện bao giờ. Điều đặc biệt là hai bủ song sinh nên bủ này ốm hôm nay thì mai bủ kia cũng ốm. Ốm bé cùng nhau ốm bé, ốm to lại cùng nhau ốm to.

Cả hai cụ vẫn tự làm được những công việc cá nhân.

Tuy chẳng biết chữ nhưng hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc đều thuộc lòng nhiều bài ca dao, tục ngữ, bài vè quê hương. Ông Luyện bảo: “bủ Các không hài lòng còn mắng con, mắng cháu bằng những câu Kiều, nghe vừa hay lại nhẹ nhàng mà thấm thía”.

Thẻ hội viên Hội người cao tuổi Việt Nam xác nhận các cụ năm nay tròn 100 tuổi.

Làng Cam Chú nơi hai cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc lớn lên là một miền quê nghèo khó. Thời Pháp thuộc, nhà nghèo không có ruộng, hai chị em phải đi hàng chục cây số mót khoai, mót sắn, mò cua bắt ốc, bươn chải mưa gió, thậm chí làm cả những công việc nặng nhọc như đóng gạch chỉ mong kiếm được “đồng tiền, bát gạo” nuôi con, nuôi cháu.

Các cụ đã trải qua những năm tháng nghèo khó rau cháo nuôi con cháu.

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, mọi người trong gia đình hai cụ đều bảo chẳng có bí quyết gì ngoài việc các cụ luôn sống vui vẻ và thường xuyên lao động. Theo ông Nguyễn Văn Ất, con thứ năm của cụ Vi Thị Đắc thì: “Tuy cuộc sống thiếu thốn, nhưng các cụ luôn vui vẻ và thích lao động. Mãi đến năm chín mấy tuổi, các cụ vẫn làm việc lặt vặt giúp con cháu, mãi đến gần đây con cháu kiên quyết không cho làm nữa, các cụ mới thôi hẳn”.

Chế độ ăn uống của các cụ cũng rất đơn giản: Ngày ăn đủ ba bữa. Bữa sáng thường là bát cháo. Trưa và tối, mỗi bữa hai bát cơm đầy. Ngoài ra, các cụ còn ăn thêm các loại hoa quả và bánh ngọt… Ăn ngủ đủ giấc nên người khỏe mạnh.

Bốn thế hệ trong gia đình cụ Vi Thị Các.

Các cụ sống vui vẻ với con cháu.

Trong ngôi nhà ba gian ấm áp, nhìn cảnh gia đình ông Luyện, ông Ất cùng các con, cháu, chắt quây quần bên mẹ, bà mới cảm nhận được hết không khí “Tứ đại đồng đường” của một gia đình Việt. Điều quan trọng nhất để các cụ sống vui sống khỏe chính là tình yêu thương dành cho con cháu và sự hiếu thảo, yên ấm của cả gia đình.

Chia sẻ