Gần 46.000 trẻ tự tử mỗi năm, cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ mắc rối loạn tâm thần: BS chỉ rõ 11 dấu hiệu cho thấy con bạn đang “không ổn” và 2 việc bố mẹ cần làm ngay

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Cứ 11 phút lại có 1 trẻ em tự kết liễu cuộc đời mình.

Báo cáo của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy, tự tử là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất đối với lứa tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi.

Cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ vị thành niên trên toàn cầu bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Cứ 11 phút lại có 1 trẻ em tự kết liễu cuộc đời mình.

Nhưng bên cạnh rối loạn tâm thần, nguy cơ của hành vi tự tử ở trẻ còn có thể xuất phát từ rất nhiều vấn đề trong cuộc sống mà người lớn thường cho rằng "vặt vãnh": Đó có thể là áp lực từ gia đình, bạn bè, học tập...

Nguyên nhân nào thường thúc đẩy trẻ tìm đến cái chết?

Theo TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tự tử ở tuổi vị thành niên đều là do trầm cảm.

Ở Việt Nam, có khoảng 26,3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm, 6,3% trẻ có suy nghĩ về cái chết, 4,6% trẻ đã lập kế hoạch tự tử và 5,8% trẻ cố gắng tự tử...

sub-buzz-530-1642544308-27.jpeg

Khi phải chịu sức ép từ gia đình, bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục, thất bại trong chuyện tình cảm... trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát là một cách giải thoát.

Bên cạnh đó, một số căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự sát ở tuổi vị thành niên.

11 dấu hiệu cảnh báo trẻ có dấu hiệu trầm cảm/ đang có ý định tự tử

Trẻ vị thành niên khi bị trầm cảm và có ý định tự tử thường bộc lộ rất nhiều phản ứng bất thường. Tuy nhiên bố mẹ thường cho rằng đó là dấu hiệu của "tuổi dở dở ương ương" mà vô tình bỏ qua chúng.

Chị N.T.H (45 tuổi, Quốc Oai, HN) chia sẻ bản thân mình từng có con gái 18 tuổi muốn tự tử. Bản thân chị không phát hiện ra mà được người con lớn trong nhà thông báo. Lúc này để ý chị mới thấy còn có các dấu hiệu như: Thường xuyên thích ở trong phòng 1 mình, có thái độ chống đối bố mẹ, ghét trò chuyện với gia đình, trên cơ thể có những vết thương lạ do con tự làm đau cơ thể... Ngay sau đó chị đã đưa con đi thăm khám và điều trị tâm lý tại bệnh viện 103. Đồng thời gia đình cũng quan tâm hơn, chia sẻ với con nhiều hơn. Sau 1 thời gian điều trị tâm lý con ổn định hơn, chị H vẫn quan tâm, theo dõi con. Chị cảm thấy may mắn vì đã phát hiện và can thiệp để bảo vệ con kịp thời.

Hay như H.T (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ bản thân từng là nạn nhân của bệnh trầm cảm, điều đó khiến em đã nhiều lần tìm đến cái chết.

Theo T kể thì em đã từng có ý định tự tử mãnh liệt, nhất là khi sinh viên năm nhất Đại học. Em cũng đã viết thư để lại cho bố mẹ do mắc bệnh tâm lý và trầm cảm. Chia sẻ về dấu hiệu mắc trầm cảm, T cho biết: Một bạn mắc bệnh trầm cảm sẽ như thế này: Không còn quan tâm đến điểm số, vẻ bề ngoài, người ngoài đánh giá...; Luôn có suy nghĩ hướng đến cái chết. Ví dụ như em, khi đi trên một tòa nhà cao em sẽ nghĩ nếu nhảy xuống thì thế nào; Cho rằng không có ai hiểu được mình...

Gần 46.000 trẻ tự tử mỗi năm, cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ mắc rối loạn tâm thần: BS chỉ rõ 11 dấu hiệu cho thấy con bạn đang “không ổn” và 2 việc bố mẹ cần làm ngay - Ảnh 2.

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai: Trầm cảm là một hội chứng gồm các triệu chứng, dấu hiệu về rối loạn cảm xúc, tâm thần, hành vi. Các dấu hiệu trầm cảm cụ thể là:

1592318197-471-thumbnail.jpeg

1. Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng;

2. Mệt mỏi;

3. Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích;

4. Bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng;

5. Giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân;

6. Không thể tập trung, hoặc suy giảm trí nhớ;

7. Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều;

8. Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn;

9. Muốn chết, có ý nghĩ tự sát, cố gắng tự sát;

10. Có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể...

11. Trẻ vị thành niên đôi khi bị cáu kỉnh, giận dữ, không hợp tác.

Bố mẹ cần can thiệp như thế nào nếu phát hiện con có dấu hiệu trầm cảm?

Hầu hết nguyên nhân tự sát ở trẻ đều liên quan đến trầm cảm, đáng mừng đây lại là căn bệnh có thể điều trị được nếu như bố mẹ can thiệp kịp thời.

1. Khi phát hiện con có các dấu hiệu trầm cảm, cha mẹ nên quan tâm tới con cái, tâm sự cùng con, lắng nghe con để từng bước tháo gỡ các vấn đề mà con cảm thấy buồn chán, bi quan.

1574847461-330-tutu1-1574846188-width640height480.jpeg

2. Phụ huynh cũng nên đưa con đi khám chuyên khoa tâm thần ngay khi nghi ngờ con cái có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Đôi khi, phụ huynh không thể chia sẻ và tháo gỡ những vấn đề của con nhưng các chuyên gia tâm lý lại có thể làm được.

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh rằng khi có ý định tự tử, hầu như trẻ sẽ không nói cho gia đình biết. Nhiều trường hợp trẻ nói ra hoặc viết ra nhưng lại nhận được sự thờ ơ, thách thức của người lớn vì nghĩ "nó không dám làm".

Bố mẹ nên là người ở bên cạnh chia sẻ, tâm sự cùng con. Cần để ý những dấu hiệu kỳ lạ như trẻ buồn chán, cảm thấy tội lỗi, cảm thấy mình vô dụng, trẻ tích trữ thuốc ngủ và thuốc trừ sâu... Đừng để sự vô tâm của mình là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tự sát của trẻ vị thành niên, trở thành nỗi đau vô hạn trong lòng những người ở lại.

Trở lại trường hợp của H.T, cô bé cho biết, mỗi khi gặp khó khăn trong giao tiếp với bố mẹ, T cố gắng kìm nén mong muốn làm điều tiêu cực nhất. Khi đó em sẽ chạy ngay ra khỏi nhà, theo đúng nghĩa đen, tìm đến với những người có chung quan điểm với mình. Và có 1 thời gian, em đã không về nhà vì cảm thấy quá áp lực. Có đêm em đã ra khỏi nhà lúc 9h tối và đến nhà chị gái (lúc sau có nhắn tin xin phép bố mẹ), vì cảm thấy những lời nói của bố mẹ làm em bị tổn thương.

Khi suy nghĩ tiêu cực về bố mẹ đã bớt dần, T đã bình tĩnh lại được. Và lúc ấy, cảm giác là mình đã có thể thông cảm và hiểu cho lời nói của bố mẹ. Chính vì vậy, em đã nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ. Thật may là bố mẹ em đã đón nhận. Về chuyện học hành, lo lắng tương lai, em tự cho phép bản thân có thể đi chậm một chút. Thời điểm đó, em lập kế hoạch đi chơi với bạn bè nhiều hơn, nói chuyện với những người em yêu quý. Đó là cách em giải tỏa.

Khi được hỏi về mong muốn của mình đối với cha mẹ, T. chia sẻ: Nói chung với bố mẹ, khi chúng em gặp căng thẳng, em mong bố mẹ đừng phát xét những hành động dường như có vẻ "nổi loạn" của con cái, chẳng hạn đòi đi chơi với bạn, muốn nhuộm tóc… Sau một thời gian chúng em được làm những điều mình thích, tâm trạng bình ổn trở lại thì chúng em tự khắc muốn nói chuyện lại với bố mẹ thôi.

Gần 46.000 trẻ tự tử mỗi năm, cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ mắc rối loạn tâm thần: BS chỉ rõ 11 dấu hiệu cho thấy con bạn đang “không ổn” và 2 việc bố mẹ cần làm ngay - Ảnh 4.

Chia sẻ