Em có tiền mà, bán cho em chút thời gian của anh

Phong Linh,
Chia sẻ

“Em có tiền, cho em mua một chút thời gian của anh. Để cả nhà mình đi chơi, để anh đá bóng với con, để anh ăn cùng cả nhà bữa cơm, để mình nói chuyện với nhau một chút...” – đó là một trong nhiều điều ước thầm kín mà những người vợ đã gửi đến chồng mình thông qua Series Hộp kín, chiến dịch WE ARE FAMILY 2015.

Như một cầu nối giúp những người vợ gửi những điều ước, những tâm tình giấu kín, những cảm xúc khó biểu đạt… đến người bạn đời, Series Hộp kín – Điều ước của mẹ đã ghi nhận nhiều điều ước rất đỗi giản dị, thậm chí bé nhỏ đến lạ kỳ. 

Điều những người phụ nữ muốn “cải thiện” ở chồng, có khi là dành thêm thời gian vui chơi với gia đình, giúp vợ rửa bát, dọn nhà vào cuối tuần; là lời nhắc nhỏ chồng hãy rời điện thoại, laptop, bớt mải mê tụ tập bạn bè một chút để dạy con học; là mong ước chồng đừng cố gồng mình làm người hoàn hảo, hãy cho vợ cơ hội được san sẻ gánh nặng, được là bờ vai để chồng dựa vào... Những tâm sự tưởng chừng vụn vặt ấy chạm vào trái tim những người vợ, người mẹ chúng ta, bởi nó là những mảnh ghép bình dị nhất về một mái ấm chan hòa yêu thương.

Nghe trộm lời “thú tội” ẩn danh của một người vợ “trượt dài trong sự chán nản, mệt mỏi vì áp lực không biết gọi thành tên”, bởi “theo thời gian, những cảm xúc dần trở nên mờ nhạt. Yêu thương không phải bị mất đi, mà là không có điều kiện để được bộc lộ”, ta có thể thấy bóng mình trong đó. Từ một đôi tình nhân “đến bên nhau, trước rất nhiều sự phản đối, với những mịt mù của con đường phía trước. Lúc đó, chúng ta vẫn nắm chặt tay, bằng niềm tin và tình yêu để sẵn sàng vươn tới hạnh phúc. Dù mỗi đứa mỗi nơi, dù có không ít những trái ngược về tính cách, nhưng chúng ta vẫn vì nhau mà vượt qua. Chúng ta cùng nhau khóc, cùng nhau cười, cùng sẻ chia mọi nỗi niềm chất chứa, cùng giải quyết những khúc mắc vướng bận. Lúc đó, dù cách xa hàng trăm cây số, em vẫn cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm, lo lắng của anh. Lúc đó, dù có nhiều tủi hờn, cô đơn, hay quá nhiều phút giây chạnh lòng, em vẫn biết trái tim và lý trí của chúng ta cùng nhìn về một hướng…”, họ trở thành một tổ ấm, sống bên nhau hằng ngày, lúc nào cũng có thời gian, chẳng còn những gấp gáp, vội vã, những vụng trộm yêu thương hay những cản ngăn từ bên ngoài nữa, vậy mà, họ dần “ít những sẻ chia, hiếm những lắng nghe và mất dần đi những vang vọng của trái tim”.

a
Những khoảnh khắc hạnh phúc cứ hiếm hoi dần...(Ảnh minh họa)

Người đàn bà từng yêu chồng đến cuồng dại ấy, giờ có những mối lo toan khác, có những ưu tư khác, tự ép mình trở nên chai cứng, với những ngôn từ đanh thép, giọng nói trở nên lạnh lùng, đòi hỏi nhiều hơn, và trong mắt chị, chồng không còn là hạnh phúc duy nhất. Chị chẳng ngoại tình, không “say nắng” ai, có điều, như chị “tự thú”, chị dành trọn yêu thương, sự quan tâm cho những đứa con, một cách rất tự nhiên.

Chị viết: “cảm giác không được sẻ chia, không được bù đắp xứng đáng thật đáng sợ… Nó giống như một thứ sâu mọt anh ạ, cứ đục khoét dần, bào mòn đi những điều tốt đẹp, để trơ lại những khó chịu, những điều không hài lòng và những dấu ấn xấu… Đâu mất rồi, những hỏi han, ân cần, những lo lắng xót xa, những sẻ chia cùng nhau? Chỉ còn lại những va chạm cuộc sống, những lời qua tiếng lại, những tranh cãi, những ấm ức, những ngổn ngang ưu tư không nói ra… Cứ tích tụ, cứ hiện hữu thành định kiến…”. Đó có lẽ không phải người đàn bà duy nhất vướng vào sự khó xử trong việc san sẻ tình yêu giữa chồng và con. Đó có lẽ cũng không phải tổ ấm duy nhất đang biến dần thành “tổ lạnh” mà chẳng vì một tác nhân nào cụ thể, chẳng vì mâu thuẫn, không bởi kém yêu nhau…

Ta cũng nghe được trong Series Hộp kín những lời than phiền về các ông chồng không biết chăm lo cho sức khỏe, mải mê với thuốc lá, rượu chè, những cuộc vui bè bạn, hoặc thậm chí… ham ngủ mà chẳng để ý rằng, vợ cần san sẻ việc nhà, con cần người uốn nắn. Với những người phụ nữ ấy, niềm hạnh phúc của họ chỉ giản đơn là đi làm về nhìn thấy con cười tươi đưa tay ra đòi mẹ bế, là chồng đi làm về, nhặt giúp vợ mớ rau, tắm cho con rồi cả nhà vui vẻ ăn cơm cùng nhau, là cuối tuần cả nhà mình đi chơi hoặc về quê thăm ông bà... Có “không tưởng” đâu, mà sao khó vậy nhỉ?

Nhiều lời chia sẻ ẩn danh, thậm chí còn ước “mình bớt đủ đầy đi một chút, tiền anh đưa em hằng tháng ít đi một chút, tức là anh có thêm chút thời gian bên em”. Thời gian, đó có lẽ là món quà đáng yêu nhất mà người chồng có thể dâng tặng cho vợ, chứ không phải những món trang sức xa xỉ hay một thẻ ATM không bao giờ vơi tiền. Thẳng thắn yêu cầu “Em có tiền, bán cho em chút thời gian của anh” – một người vợ đã viết những dòng đầy chua chát như thế này: “Sáng em đi làm khi anh còn chưa dậy. Chiều tối em nấu cơm, chờ anh về nhưng không thấy anh đâu. Anh trở về nhà khi em và con đã say giấc… Em cũng đi làm, em có tiền, cho em mua một chút thời gian của anh. Để cả nhà mình đi chơi, để anh đá bóng với con, để anh ăn cùng cả nhà bữa cơm, để mình nói chuyện với nhau một chút... đã lâu quá rồi, mình không bên nhau như thế. Được không anh?

b
Thời gian có lẽ là món quà tuyệt nhất mà những ông chồng bận rộn có thể tặng cho vợ con. (Ảnh minh họa)

Cũng là vợ của một anh chàng tham việc, một phụ nữ khác kể chuyện: “Mỗi ngày ngồi chầu trực bên mâm cơm đợi anh về mà em rơi nước mắt. Một tuần có 7 ngày thì 6 ngày anh về lúc 9h, 10h, ngày chủ nhật anh để ngủ và tối thì đi nhậu… Em thương anh làm vất vả nên ngày nào cũng làm nhiều món ăn ngon, và một tuần hầu như thực đơn không trùng nhau. Nhưng khi anh tắm rửa xong, ngồi vào mâm cơm là ngáp nhắn ngáp dài, (chắc cũng chẳng biết em làm những món ăn gì đâu) cắm cúi ăn một bát cơm gọi là. Em có hỏi thì anh bảo, ăn ở công trường rồi, lần sau đừng có đợi anh. Nhưng em nghĩ, nhà có mỗi hai vợ chồng và con, con còn nhỏ, mỗi buổi tối bố về thì con đã đi ngủ rồi, còn hai vợ chồng mình, em không đợi anh ăn cùng thì gia đình mình một tuần chỉ có một bữa cơm sum họp thôi sao anh?

Người chồng quá bận rộn ấy có thể không vô tâm, nhưng anh có lẽ vô tư quá, khi ngay cả những ngày không bận lắm, anh cũng không về trước 8 giờ tối, vì “làm xong phải ngồi trà đá, nghỉ ngơi”. Câu hỏi khắc khoải “Chẳng lẽ về với vợ con không bằng ngồi uống trà đã và tán chuyện phiếm thôi ư?” và điều ước: “Em ước rằng , anh tham ít việc thôi!” của người vợ khao khát thời gian của chồng, có lẽ cần được các ông chồng chú tâm.

Người ta bảo, đàn ông là phái mạnh, là trụ cột gia đình. Nhiều người đàn ông nỗ lực bươn chải với cuộc đời, cố gồng mình để làm tròn vai trò trụ cột đó, cố thể hiện mình là phái mạnh, nhưng các anh có biết, được chứng kiến một chút yếu đuối, một chút mềm lòng của các anh với người phụ nữ của cuộc đời mình cũng là một điều ước thầm kín của chị em không? Người đàn ông sớm phải chăm sóc chu toàn cho mẹ và ba em gái vì bố bỏ đi từ sớm, người đàn ông đã làm đủ việc để kiếm tiền chính đáng từ chạy xe ôm, bán hàng, phục vụ bàn... ngoài giờ đi làm để mong người thân có cuộc sống tốt hơn mà chẳng bao giờ kêu than, một người đàn ông như thế tưởng chừng là hình mẫu hoàn hảo, đáng ngưỡng mộ của tất thảy phụ nữ trên đời, vậy mà, trong mắt vợ anh, anh vẫn có “tì vết”. 

Khuyết điểm lớn nhất của anh, đó là sự hoàn hảo, hay đúng hơn, là cố gắng chứng tỏ mình hoàn hảo, ngay cả với người mình yêu. Người phụ nữ của anh viết: “Nhiều lần nhìn anh mệt, anh đau mà không dám kêu ca với ai, em hiểu nên lòng em càng thắt lại. Anh có biết không, em mong anh hãy chia sẻ với em nhiều hơn để em có thể cùng anh cố gắng. Có thể, em không xóa đi gánh nặng trên vai anh nhưng em sẽ giúp nó nhẹ đi phần nào. Em muốn được là tri kỉ với anh đúng nghĩa, được nghe thấy anh kêu mệt, anh cần em giúp gì đó... và được thấy anh cười thực sự vui và thoải mái”. Cái ước muốn ngỡ như ngược đời của người phụ nữ ấy, thực ra rất có lý, chẳng phải vì, tình yêu nghĩa là cùng nhau chia sẻ cả ngọt bùi và đắng cay sao?

Có những khoảng cách vô hình, có những rạn nứt nho nhỏ trong tình yêu, mối quan hệ vợ chồng mà nếu ta im lặng, nó sẽ càng lớn lên, sâu hơn. Nếu khó nói thẳng, bạn có thể nhờ Hộp kín chuyển lời, viết nên điều ước của chính bạn. Bạn cũng có thể đọc những tâm sự, những điều ước của người khác và chia sẻ với họ tại tại http://waf.afamily.vn.

Series hộp kín - Bí mật của hạnh phúc!

Series hộp kín sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình tìm kiếm sự thấu hiểu thực sự giữa những nửa đích thực trong gia đình! Nếu các bạn đang tự hỏi: liệu mình có hiểu chồng/vợ mình nhiều như những gì mình đang nghĩ? Hay đơn giản là lo sợ sự hi sinh của mình dành cho anh ấy/cô ấy sẽ đến sai địa chỉ, mời các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi

WAF sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình tìm kiếm sự thấu hiểu thực sự giữa hai vợ chồng! Hãy gửi những chia sẻ của bạn cho chúng tôi tại địa chỉ:http://waf.afamily.vn/hop-kin.htm.


Chia sẻ