Em chồng chê chị dâu quê

,
Chia sẻ

Ngay buổi đầu tiên ra mắt chồng tương lai, Giang đã bị cô em lườm nguýt tỏ ý coi thường "gái quê".

Về làm dâu, lúc cả nhà đi chùa đầu năm, cô em chồng lại gióng giả: "Bọn nhà quê về hết sướng thật, đường sá vắng tanh". Giang tím mặt vì biết cô em đang "ám chỉ" mình.
 
Phương gặp Giang tình cờ trong buổi lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Mặc dù khi đó anh đang có người yêu và hai người dự định sẽ làm đám cưới, nhưng Phương vẫn quyết định đến với Giang. Quyết định này đã khiến bố mẹ, bạn bè đôi bên bất ngờ và can gián. Song phản ứng gay gắt nhất là cô em gái của Phương. Lý do duy nhất vì Giang là "gái quê".

Ngay sau đêm tân hôn, Giang chưa kịp hồi sức vì phải đi hơn 100km về nhà chồng, cô đã bị tiếng dép loẹt quẹt của cô em đi lại trước cửa phòng đánh tiếng: "Nằm chờ bưng bát lên tận mồm à?". Giang vội vàng nhỏm dậy đánh răng rửa mặt rồi lao xuống bếp.
 
Từ hôm đó, sáng nào cô cũng đặt chuông báo thức chủ động dậy trước cả nhà. Để chiều mọi người trong gia đình nhà chồng, Giang đã hỏi Phương cặn kẽ sở trường món ăn và độ đậm nhạt của từng người, nhưng hầu như hôm nào cô nấu ăn cũng bị em chồng dài miệng lúc chê không ngon, khi chê chị dâu nấu không đúng vị.

Bực mình nhất là cô em chồng không chỉ soi mói chị dâu trong việc nhà mà ngay cả khi gia đình xem tivi, cô em cũng không quên nói "móc" những câu đại loại như: đúng là bọn nhà quê thế này, đúng là bọn nhà quê thế kia rồi không quên liếc xéo sang nhìn Giang cười nửa miệng. Giang buồn kể với chồng thì bị vặn lại: "Em cứ hay để ý vặt, cô ấy nói trên tivi chứ nói em đâu mà động lòng".
 

Hoài đi làm dâu không bị soi mói và đau đầu bởi câu nói xấc xược của em chồng giống Giang, nhưng lại bị đau ê ẩm thân xác vì thi thoảng lại bị cô em chồng xông vào... đánh. Lý do nhà chồng cho rằng chồng Hoài "đụt" quá, không biết dạy vợ nên để cô em chồng dạy hộ.

Hiền lại hay bị cô em chồng "xì đểu" khiến cô "mất điểm" trong mắt đằng nội. Do em chồng đã có gia đình nên Hiền luôn tâm niệm "nước sông không phạm nước giếng". Nhưng từ khi cô em mang con về nhà ngoại gửi thì mâu thuẫn nẩy sinh. Số là Hiền luôn mua sữa đắt tiền cho cu Bim nhưng thường bị em chồng tự ý lấy pha cho con cô ấy uống. Vậy là thay vì tiền sữa cho con một tháng hết hơn một triệu, giờ Hiền phải tăng lên gấp rưỡi.
 
Có hôm Hiền về sớm bắt gặp em chồng giằng đồ chơi từ tay con trai cô đưa cho con mình. Cu Bim khóc ăn vạ, em chồng tay thì phết vào đít thằng bé, miệng thì doạ: "Mày keo kiệt giống hệt con mẹ mày". Hiền chưa kịp kể lại chuyện với chồng đã bị chồng cô "phủ đầu": "Em sống thoang thoáng thôi, cân kẹo từng tí một ai chịu nổi".
 
Đối phó với "bà cô"
 
Theo chuyên gia tư vấn Minh Tâm - Trưởng phòng tư vấn, Trung tâm tư vấn tâm lý Ngàn Phố (CCPEN), xét về đặc điểm giới tính, những cô em chồng thường hay giành nhiều tình cảm cho anh trai. Vì vậy, khi người anh có vợ, các cô em gái thường cảm thấy hụt hẫng vì sự quan tâm của người anh với em bị chia sẻ, gây ra tâm lý ghanh tỵ với chị dâu. Từ đó khiến em chồng có tâm lý "soi xét", "bắt lỗi" chị dâu trước mặt mọi người.
Nếu chị dâu không đủ sự vị tha để hiểu những hành động của cô em chồng mà ấm ức và tìm cách "trả đũa" thì mâu thuẫn tất yếu xảy ra.

Để chung sống hòa thuận với em chồng, theo chuyên gia tâm lý Minh Tâm, ngay từ những ngày đầu ra mắt nhà người yêu (chồng tương lai), người chị dâu cần tạo mối quan hệ tốt với em chồng.
 
Hãy luôn tỏ ra là một người bạn, người chị thật sự, hãy tỏ rõ vai trò của mình với cô em. Thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tính cách, sở thích của em ấy... thông qua người chồng tương lai của mình.

Nếu có mâu thuẫn, người chị dâu nên là người chủ động và cố gắng thật sự để cải thiện mối quan hệ. Những lúc căng thẳng không nên nói nhiều, khi nào bình tĩnh thì vui vẻ nói chuyện, góp ý với em về cách ứng xử.
 
Trong trường hợp tự mình không thể dung hoà được mối quan hệ với em chồng, người vợ nên nhờ sự trợ giúp từ phía người chồng hay gia đình nhà chồng làm nhịp cầu nối với "bà cô" khó tính.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh khác, người em chồng cũng cần phải đặt vị trí của mình vào vị trí của chị dâu để hiểu những gánh nặng, áp lực mà chị dâu đang phải trải qua. Hãy coi đó là hình ảnh của mình vì cũng lập gia đình, cũng phải đi làm dâu.
 
Về lâu dài, tốt nhất nên giao nhiệm vụ cụ thể về công việc nhà cho mỗi người để có trách nhiệm chung.
 

“Kết hôn không đơn thuần là lấy một người chồng mà lấy cả gia đình nhà chồng. Bởi vậy, ngoài thời gian cho chồng, nàng dâu cũng cần quan tâm thành viên trong gia đình nhà chồng, đặc biệt là em chồng”.

Chuyên gia tư vấn Minh Tâm
 
Theo Gia đình
Chia sẻ