Đường hóa học thay thế, ngọt hay... đắng?

,
Chia sẻ

Tình trạng lạm dụng đường hóa học trong chế biến nước giải khát và thực phẩm là nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Một số nhà sản xuất vì lợi nhuận đã bất chấp những quy định của Bộ Y tế và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cứ cho ra sản phẩm giải khát bao gồm hương liệu và đường hóa học rồi quảng cáo hấp dẫn "chiết xuất từ thiên nhiên”. Một trong những loại đường hóa học bị cấm được sử dụng nhiều nhất là sodium cyclamate.

Con đường của sodium cyclamate?

Sodium cyclamate được phát hiện năm 1937 bởi Michael Sveda, một sinh viên ở Trường đại học Illinois (Mỹ). Sau đó cyclamate được Abbott mua bản quyền sản xuất. Báo cáo của phòng thí nghiệm Abbott còn cho hay  cyclamate có tác dụng như một chất kháng khuẩn và an thần.
 

Từ năm 1958 cyclamate được cấp phép sử dụng tại Mỹ là chất tạo ngọt thay thế đường mía với tên gọi “sucaryl” và được sử dụng rộng rãi không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lúc đó ở Mỹ người ta sử dụng với tỉ lệ 1 phần cyclamate thay thế 40-50 phần đường.

Năm 1966 những nghiên cứu ở Mỹ tìm ra một số vi khuẩn trong ruột dưới tác dụng của cyclamate sinh ra sản phẩm cyclohexylamine một chất gây độc tính trường diễn trên chuột. Vì thế các nghiên cứu không dừng lại ở đó mà phải tiếp tục.

Năm 1969 nghiên cứu thực nghiệm trộn cyclamate với sarcharin với tỉ lệ 10:1 thì thấy chuột thí nghiệm xuất hiện ung thư bàng quang. Công bố chỉ ra rằng 8 trong số 240 con chuột nuôi bằng hỗn hợp này tương đương với một người uống 350 lon nước ngọt ăn kiêng một ngày làm phát triển ung thư bàng quang rõ ràng. Nghiên cứu khác công bố clohexylamine làm phì đại tinh hoàn của chuột nhắt trắng.

Vì những bằng chứng khá thuyết phục trên nên Cơ quan thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) đã cấm sử dụng chất tạo ngọt cyclamate trên toàn nước Mỹ. Từ đó đến nay Abbott đã 2 lần xin phép sử dụng lại nhưng đều bị FDA từ chối.

Tuy nhiên ở 44 quốc gia khác cyclamate vẫn đang được sử dụng trong chế biến thực phẩm và là chất tạo ngọt dùng để đánh lừa cảm giác thèm của bệnh nhân tiểu đường. Ở nước ta cyclamate cũng nằm trong danh mục cấm sử dụng.

Cyclamate trong thực phẩm ở Việt Nam

Nếu mô tả việc sử dụng cyclamate trong chế biến thực phẩm ở Việt Nam lâu nay thì có thể dùng hai chữ của đồng bào Nam bộ là “tùm lum”. Các nhà sản xuất sử dụng cyclamate vì hai yếu tố: nó ngọt gấp 500 lần đường mía, nhập khẩu chủ yếu từ biên giới phía Bắc, giá thành hạ, phí vận chuyển thấp, đương nhiên lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn.
 
Với trẻ nhỏ chức năng thải độc của gan, thận đều kém nên các hóa chất sẽ tích lũy lại
 

Một số cơ sở sản xuất bánh, kẹo, nước ngọt, chè, sâm lạnh, sữa đậu nành, ngay cả các quán cơm cũng dùng chất tạo ngọt cyclamate cho rẻ vì nó không bị phân hủy bởi nhiệt độ khi nấu nướng.

Bà con mình vô tư ăn vì cyclamate là chất không màu, không mùi, tuy nhiên khi bạn uống nước ngọt xong thì lưỡi sẽ vương lại vị đắng.

Thạch hoa quả với mùi vị thơm ngon có sức hấp dẫn với trẻ em, giá thành hạ là món quà hợp túi tiền với mọi gia đình. Màu sắc thì đủ loại, bắt mắt. Chúng ta cho trẻ ăn như thể hiện tình yêu thương mà ít khi nghĩ đến hậu quả đang rình rập.Thạch hoa quả vốn được làm từ trái cây nguyên chất nhưng ở đây có nhà sản xuất chế chúng từ chất xơ carrageenan của rong biển. Họ cho vào đó những hóa chất như sodium alginate (chất nhũ hóa), bột agar, gelatin, phẩm màu và hương liệu.

Nhiều bậc phụ huynh tưởng rằng con mình được “ăn” vitamin nhưng thực chất là món chỉ có xơ và hóa chất. Với trẻ nhỏ chức năng thải độc của gan, thận đều kém nên các hóa chất này sẽ tích lũy lại. Một số trẻ tự nhiên biếng ăn bởi những hóa chất “dỏm” cản trở khả năng hấp thu protein, sắt, kẽm khiến trẻ chậm lớn.

Đa số người buôn bán nhập thạch hoa quả từ biên giới phía Bắc về tiêu thụ tại thị trường cho tiện. Thiết nghĩ bà con mình cũng nên biết thông tin của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc: có 19 lọai thạch hoa quả của 7 nhãn hiệu đang lưu hành trên thị trường thì 9 loại có chứa chất tạo ngọt cyclamate, 7 loại có hàm lượng chất tạo ngọt vượt quá tiêu chuẩn quy định.
 

Lạm dụng chất tạo ngọt có ảnh hưởng đến sức khỏe

Đơn giản chúng ta hiểu rằng ăn nhiều bất kỳ thứ gì cũng không tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn ăn nhiều chất béo, chất ngọt thì gây béo phì. Béo phì lại ảnh hưởng đến toàn thân đặc biệt là gây bệnh lý tim mạch, tiểu đường, đau nhức xương khớp và rối loạn tâm lý… Ăn nhiều đường mía cũng không tốt huống hồ là đường hóa học. Khi vào cơ thể các chất tạo ngọt không sinh năng lượng, chẳng mang lại dinh dưỡng mà còn có thể tích lũy gây độc cho gan, thận.

Chất tạo ngọt cyclamate vào cơ thể được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi, dị dạng bào thai trên thực nghiệm.

Ngay cả những chất tạo ngọt được phép sử dụng như sarcharin, acesulfarm K, aspartame, isomalt, sorbitol, sucraloza vẫn phải dùng trong giới hạn cho phép. Vì vậy khi sử dụng phải chú ý đến quy định liều lượng (ADI) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). ADI là quy định liều lượng có thể dùng được đối với 1kg cơ thể trong ngày. Chẳng hạn aspartame có ADI là 40mg thì mức tiêu thụ tối đa nếu bạn 60kg là 60×40 =2.400mg, nhưng WHO vẫn khuyên bạn chỉ nên sử dụng 30% liều lượng cho phép tức là 800 mg/ngày để bảo đảm an toàn cho gan, thận.

Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hay các sở y tế không thể "canh me", kiểm soát được nguồn thực phẩm ở tất cả mọi nơi. Vì thế các bà nội trợ Việt hãy trở lại là những người của bếp núc, tự nấu nướng, lựa chọn thực phẩm tươi sống mới hi vọng đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình bạn.

 
 
Theo TS.BS Lê Thúy Tươi
Tuổi trẻ
Chia sẻ