Đừng biến con thành những cậu ấm, cô chiêu

Lucy,
Chia sẻ

Suốt ngày nghe ông bà, cô, dì... phàn nàn về con, chị Lam ngán ngẩm thở dài vì Tuyết – con gái chị, đã 16 tuổi, vậy mà không biết cầm cái chổi để quét nhà thế nào.

Dẫu rằng khi sinh được một đứa con trong đời, cha mẹ nào cũng muốn ôm ấp, cưng nựng, nâng như nâng trứng, thứng như thứng hoa để con ít ra cũng được hoặc phải hơn bạn hơn bè. Nhưng chính sự nuông chiều cầu kì tới mức không cần thiết của các bậc cha mẹ đã khiến con trở thành những cậu ấm, cô chiêu, lớ ngớ giữa cuộc đời khi không có cha mẹ bên cạnh.

Suốt ngày nghe ông bà, cô, dì, chú bác phàn nàn về con, chị Lam ngán ngẩm thở dài sườn sượt vì Tuyết – con gái chị, đã mười sáu tuổi, ấy vậy mà không biết cầm cái chổi để quét nhà như thế nào chứ đừng nói đến việc rửa chén bát, dọn mâm cơm. Hôm nào mẹ đi vắng, cắm sẵn cơm và nấu thức ăn cho rồi con cũng không biết đường lấy ra để ăn như thế nào vì vốn quen được mẹ phục vụ. Mỗi lần như thế, nghe con léo nhéo gọi điện mẹ lại đành phải cầu cứu sự giúp đỡ của bà ngoại.

Ở trên lớp học, lớn ngổng nhất lớp nhưng mang tiếng là gà cồ vì làm việc gì Tuyết cũng thụ động phải có bạn bè hoặc cô giáo chỉ tay, điểm việc cụ thể hướng dẫn kĩ càng thì Tuyết may ra mới bập bõm. Cả lớp cứ nhìn thấy Tuyết là lắc đầu ngán ngẩm, sợ phải lao tâm khổ tứ vì cô bạn này nên mỗi khi lớp có bài tập nhóm, là cứ bị chia sang nhóm này lại đẩy sang nhóm kia vòng vòng trong tất cả các nhóm nhưng cuối cùng không thuộc nhóm nào vì cái vẻ ngây ngô chả biết gì.
 
Cha mẹ hãy giúp con chủ động trong mọi việc (Ảnh minh họa).

Hay như trường hợp của Vinh, 14 tuổi, đi học bán trú ở trường, nhưng tới mỗi bữa ăn là cu cậu mè nheo đòi mẹ xúc cơm cho ăn và tới giờ ngủ trưa thì phải có người đọc truyện hoặc hát ru thì mới chịu ngủ. Lắm hôm đến đón con ở trường, nghe cô giáo phàn nàn, chị Dung lại xuề xòa thanh minh với cô giáo: “Cháu nó quen ở nhà được mẹ làm thế nên mong các cô giúp đỡ”. Hơn thế học ở lớp, cu Vinh học lẹt đẹt vì quen thói ỷ lại cho mẹ vì mỗi khi được giao bài tập về nhà, không muốn con lao tâm, vất vả, chị Loan lại cặn kẽ giải từng bài một ra giấy nháp rồi diễn giải qua loa cho con trước khi cho con chép vào vở bài tập. Do đó cứ đến hôm nào có bài kiểm tra là cu cậu như gà mắc tóc, ngồi cắn bút cả buổi.

Bé Phương cũng là một trường hợp tương tự. Gia đình Phương làm nghề mua bán thuốc Tây tại Hà Nội, nên cuộc sống rất khá giả. Việc đáp ứng và cưng nựng đầy đủ cho cô con gái là điều vô cùng dễ dàng với bố mẹ Phương để con có thể chuyên tâm vào học hành.

Thế nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn, vì cuộc sống được đáp ứng quá đầy đủ, đòi gì được ấy nên Phương suốt ngày chỉ mải mê xúng sính váy áo, hết búp bê nọ đến búp bê kia, học hành ngày càng xuống dốc, khi nào bố mẹ nhắc nhở thì Phương mới bị động ngồi vào bàn học còn lại toàn bộ thời gian Phương dành để chơi với các em búp bê.

Con trẻ do được quá nuông chiều, đùm bọc trong gia đình từ nhỏ nên mất dần đi tính chủ động trong mọi công việc. Đáng lí cha mẹ phải là người giúp con tạo lập thói quen làm những việc lặt vặt giúp đỡ cha mẹ như dọn nhà, tự thu xếp giờ giấc học bài, tự chủ động trong việc ăn uống… thì nhiều ông bố bà mẹ do sợ con khổ đã ôm đồm làm tất cả mọi việc cho con dẫn tới con lúc nào cũng lớ ngớ trước những việc rất dễ dàng. Do đó khi nuôi dạy con cái cha mẹ không nên tạo điều kiện quá tốt, quá hoàn hảo cho con, hãy để con tự thân vận động, làm những việc vừa với sức và độ tuổi, có như vật trẻ mới có được những bài học đơn giản nhưng cần thiết giúp con hình thành những hành trang cần thiết cho cuộc sống về sau.

Chia sẻ