Đua nhau xả hàng tồn

Theo Đại Đoàn Kết,
Chia sẻ

Sức mua giảm, tồn kho tăng cao. Để cứu vãn tình thế hàng loạt các doanh nghiệp (DN), cửa hàng đang ra sức xả hàng tồn trong tháng cuối năm.

Đua nhau xả hàng tồn 1

Khách hàng lựa chọn hàng thời trang giảm giá tại siêu thị BigC

Thời trang xả hàng

Thời điểm này, các cửa hàng thời trang tại TP. Hồ Chí Minh ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng, kích thích mãi lực. Dạo quanh các tuyến Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 1 và 5), Hai Bà Trưng (quận 1)..., khách hàng bị "hút” bởi những tấm băng-rôn khá "sốc”: "Giảm giá 50%”, "giảm giá 30-80% các mặt hàng”, "Cơ hội mua sắm hàng hiệu”. Tinh tế hơn, một số cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 1 và 5), đường Phạm Thế Hiển (quận 8) "dụ” khách bằng cách ghi tấm bảng khá bắt mắt trước cửa hàng: "Giảm giá để trả mặt bằng”, "Giảm giá vì cố tình muốn bán hết hàng”… Nhân viên bán hàng của Công ty Vietphap Collection cho biết: "Cửa hàng bán nhiều sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau hợp với túi tiền của nhiều người. Đặc biệt có hàng giảm giá khá thấp cho công nhân mà vẫn đảm bảo hàng có chất lượng”. Không chỉ có sản phẩm Jean Comaxx của Công ty Vietphap Collection mới giảm giá, hàng loạt các hiệu thời trang khác cũng làm cho thị trường thời trang "xôm tụ” hơn: Việt Thy, Blue giảm 40-50% cho một số sản phẩm…

Đáng nói là nhiều cửa hàng, shop thời trang nhân cơ hội mượn danh khuyến mãi, giảm giá để giảm "giá ảo”. Không ít khách hàng bị "qua mặt” khi quần áo, kém chất lượng, quần áo xuất xứ từ Trung Quốc trộn lẫn quần áo chính hãng được giảm giá. Các cửa hàng sử dụng chiêu bài tự "độn” giá lên cao rồi treo bảng giảm giá 50% trên giá sản phẩm. Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, rất khó để đánh giá được chất lượng và giá cả mà người tiêu dùng sẽ được hưởng từ các chương trình khuyến mãi.

Điện máy ảm đạm

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm hết tháng 11, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước (tăng 20,9% so với cùng kỳ). Hiện nay tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng chuẩn bị đón tết.

Bà Dương Thủy, đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di động cho biết, thị trường điện máy trong tháng 11 vừa qua không khả quan, giảm từ 3–10%. Doanh số bán ra vẫn ì ạch vì sức mua cầm chừng, khách đến siêu thị vẫn chưa nhộn nhịp... Đồng cảnh ngộ, ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim cho biết, hàng tồn vẫn còn rất lớn, dù công ty đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, cộng với các chương trình hợp tác với ngân hàng bằng thẻ visa được giảm giá từ 10–20% nhưng thị trường tiêu thụ chỉ mới nhích lên được chút đỉnh.

Tháng 12 và tháng 1 được coi là tháng "vàng” của DN vì đây là thời điểm người tiêu dùng có thói quen mua sắm đồ mới vào dịp cuối năm. Song, hiện tại, hầu hết tất cả các hãng đều tung ra những "chiêu” cạnh tranh cả về giá và chất lượng nên người tiêu dùng sẽ chọn mua những siêu thị nào gần nơi họ ở để thuận tiện mua sắm. Do đó, sẽ không có nhiều bất ngờ xảy ra vào cuối năm. "Thời điểm bùng nổ dịp mua sắm cuối năm chưa thể xác định được chính xác do tình hình kinh tế chung còn phức tạp. Trong khi, lượng hàng tồn kho vẫn còn khá nhiều nên các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đều đang dè chừng trong kế hoạch sản xuất, "tiêu thụ”, ông Robert Vu, Giám đốc kinh doanh ngành điện tử Samsung Việt Nam quan ngại.

Chia sẻ