Đột nhiên dẹp sự nghiệp kinh doanh đang "hái ra tiền", lý do của chàng giám đốc này khiến người ta phải suy ngẫm

Trang Trần. Ảnh: FBNV,
Chia sẻ

Chủ nhân “lều vịt” được yêu thích ở đảo Cô Tô trải lòng về việc dẹp bỏ mô hình kinh doanh “không thể hot hơn” này, sau 3 năm khai thác.

Là một trong những khu du lịch thân thiện với môi trường được đánh giá vào hạng “siêu hot”, đặc biệt với giới trẻ, Coto Eco Lodge (còn gọi là lều vịt) nằm trên bãi Hồng Vàn, Đồng Tiến, Cô Tô đã “hớp hồn” không ít khách hàng trong 3 năm qua. Với mô hình kinh doanh du lịch được thiết kế sáng tạo, gần gũi với thiên nhiên, nơi những du khách yêu thích thiên nhiên có thể trải nghiệm một không gian ít bị đụng chạm nhất, thuần chất nhất khi đến với Cô Tô, có một khoảng thời gian thư thái tách biệt với “thế giới” thông qua việc ở trong những căn lều gỗ hạn chế tối đa dấu ấn của tiện nghi như điều hoà, máy nóng lạnh, wifi…, Coto Eco Lodge được đánh giá là một trong những mô hình sáng tạo độc đáo và góp phần mở ra một hướng mới trong du lịch biển, được nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Cô Tô học tập.

Cô Tô
Khu "lều vịt" Coto Eco Lodge đang được giới trẻ "say như điếu đổ" vì vẻ đẹp hoang sơ cũng như những trải nghiệm du lịch đúng chất homestay.

Tuy nhiên, ít hôm trước, trên trang cá nhân của anh Vũ Thanh Minh – người sáng lập và chủ của mô hình này đã đưa ra thông báo gây sốc: sẽ dẹp bỏ toàn bộ những “lều vịt” này vào cuối tháng 11/2016, sau 3 năm xây dựng và khai thác. Anh chia sẻ: “Nguyên nhân chính là các vấn đề về rác thải, nước thải ngày càng tăng, gây ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng đến môi trường cảnh quan nguyên sơ của bãi biển. Bên cạnh đó, việc chặt cây, xâm lấn rừng phòng hộ ngày một nặng nề của các mô hình xung quanh Eco đang diễn ra rất bất cập. Và trong cái nhìn về chuyên môn của chúng tôi, môi trường của Cô Tô sẽ bị ảnh hưởng nặng trong một số năm tới với sự tham gia của nhiều đơn vị, cá nhân trong xây dựng các khu nghỉ dưỡng sát biển với quy trình xử lý rác không tốt, chưa được quan tâm và thô sơ.

Cô Tô
Những khung cảnh lãng mạn "như Tây" ở Coto Eco Lodge.

Cô Tô
Mô hình "siêu hot" này đang được rất nhiều đơn vị khác ở Cô Tô học tập.

Có thể các bạn, anh, chị cho rằng mô hình này đang “hot” và cứ tranh thủ mà “hót”. Nhưng với chúng tôi đó sẽ là sự thất bại trong nghề nghiệp và tư duy. Chúng tôi làm nghề và bằng chuyên môn để tạo ra lợi ích cho mình và mọi người, không có nghĩa sẽ tiếp tục tham gia vào việc huỷ hoại những gì mà hàng vạn năm tạo hoá làm ra. Và tiền thì chẳng bao giờ có thể làm được những gì mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất và quốc gia này. Chúc cho các bạn có một Cô Tô nguyên sơ, thuần chất để đến và yêu”.

Cô Tô
Người sáng lập, chủ của mô hình "lều vịt" ở Cô Tô - anh Vũ Thanh Minh.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh chàng tự nhận mình là “kẻ thần kinh ở Cô Tô” Vũ Thanh Minh về quyết định gây sốc này.

Chào anh Vũ Thanh Minh. Có vẻ quyết định hủy bỏ khu nhà gỗ bãi biển tại Hồng Vàn - dự án anh đã triển khai được 3 năm với rất nhiều tâm huyết và đang được yêu thích hơi đột ngột. Tôi chưa thấy ai "dại" hủy bỏ dịch vụ kinh doanh đang phát đạt, chỉ vì môi trường cả. Còn uẩn khúc nào sau đó không, thưa anh?

Cô Tô là một câu chuyện dài về công việc và nghề nghiệp. Tôi gần như là người đầu tiên khai phá du lịch ở hòn đảo này, từ khi chưa có tàu cao tốc, điện và nhà nghỉ còn là một khái niệm xa vời. Cô Tô năm 2008 vẫn còn là một hòn đảo lụp xụp. Khi khách đã đông hơn thì xuất hiện nhiều nhu cầu khác, và mô hình du lịch đặc thù sẽ là điểm nhấn cho Cô Tô cất cánh.

Tôi cũng tham khảo rất nhiều mô hình và tự nghiên cứu thêm để ra được mô hình eco lodge như bây giờ. Về căn bản, tôi không phải người làm kinh doanh mà đơn thuần là người làm chuyên môn. Khi thấy mô hình đã lỗi thời, không phù hợp với địa phương, môi trường thì cần phải bỏ nó đi.

Tôi biết, eco lodge của tôi đã mở ra một hướng đặc sắc về sản phẩm lưu trú ở Cô Tô, nhưng bản thân tôi thì thấy nên bỏ nó đi và trả lại bãi biển vốn có, vậy thôi.

Cô Tô
"Lều vịt" được thiết kế , gần gũi với thiên nhiên, nơi những du khách yêu thích thiên nhiên có thể trải nghiệm một không gian biển thuần chất nhất.


Cái “không phù hợp” anh nói đến, cụ thể là gì?

Nó không phù hợp với môi trường, mức độ an toàn chưa đủ cao và chiếm bãi biển. Bãi biển vốn là của chung, ai cũng có thể vào được, vậy thì nên trả nó về như thế: một bãi không bị che chắn để du khách có tầm nhìn thoáng hơn. Một phần cực kỳ quan trọng, mà tôi phải nói thẳng, là quá ít khách Việt Nam đủ tầm, văn minh, kiến thức và đánh giá giá trị của những căn nhà gỗ ít tiện nghi bên bờ biển và hưởng thụ hình thức ấy.

Nhưng 3 năm trước, khi bắt đầu mô hình này, anh đã kỳ vọng vào những điều tốt đẹp?

Tôi làm Cô Tô vì vẻ đẹp hoang sơ của nó, và nó ngày càng không hoang sơ. Khi bắt tay vào làm mô hình này, tôi hy vọng sẽ hỗ trợ cho Cô Tô đông khách hơn, thôn Hồng Hải mà tôi ở sẽ có nhiều việc làm hơn, thu nhập tốt hơn. Và điều đấy đã thành hiện thực, hơn cả những gì mà dân làng thôn tôi có thể tưởng tượng.

Tuy nhiên, một mô hình tốt thì mọi thứ song hành cũng phải tốt: người thực thi, văn hoá xung quanh, quản lý địa phương, xử lý nước và rác thải, ý thức người đi du lịch… Trong khi đó, mô hình của tôi đã khiến cho nhiều người chạy theo, làm theo vì lợi nhuận. Rừng phòng hộ bị san bằng, rất nhiều cây cối bị chặt phá. Tôi thấy mình đang dấn sâu và đồng loã với những cá nhân khác, nó trái với ý thức và mong muốn của tôi, nên tôi quyết định dẹp nó sau khi phục vụ nốt các khách đã đặt dịch vụ ở đây từ trước.

Du lịch là nghề nghiệp cả đời của tôi. Dẹp một thứ thì sẽ có một thứ khác tốt hơn xuất hiện, nên tôi không áy náy vì những gì sắp phá bỏ cả. Nó rất bình thường. Bạn không biết tôi bị coi là “thằng thần kinh ở Cô Tô” à?

Cô Tô
Sự chia cắt và "độc chiếm" bãi biển vốn là của chung tại mô hình "trong mơ" cũng như những tác động kém thân thiện với môi trường đã thôi thúc anh Minh dẹp bỏ khu "lều vịt" này vào cuối năm nay.


Anh dừng, điều đó đâu đồng nghĩa với việc những người đang ăn theo mô hình ấy cũng dừng, và Cô Tô sẽ trở lại ban sơ?

Họ không nhìn ra câu chuyện hậu quả phía sau đó. Còn tôi, nhìn thấy mà không làm thì quả là rất… khốn nạn. Ở Việt Nam, mọi người hay có thói quen nhìn xung quanh nhỉ? Tôi thì không quan tâm. Mình là mình, mình muốn làm việc ấy thì cứ làm. Nó tác động tốt đến tư duy của mình, đến cái nhìn của con cái mình, của những người văn minh, trong sự đánh giá của khách hàng chuẩn của mình về dịch vụ của mình.

Tôi có quan điểm, cách sống của mình sẽ là tấm gương cho con cái mình nhìn vào. Và tôi tìm kiếm một cuộc sống văn minh, không phải sự thừa mứa vật chất. Tôi may mắn hơn nhiều người vì các môi trường đã làm việc, những nơi mình đã từng đi, và nhận thức của mình tạo cho mình ưu thế, và tôi hoàn toàn có khả năng để biến nhận thức thành hành động.

Cô Tô
Khu ăn uống trước các "lều vịt" được bài trí đơn giản nhưng bắt mắt là một trong những điểm nhấn khiến mô hình này thu hút giới trẻ.

Cô Tô
Buổi tối, những chiếc đèn báo bão đã khiến khung cảnh "xa lánh" thế giới hiện tạo càng lung linh, huyền ảo.

Anh có nghĩ, việc mình hủy bỏ dịch vụ này là một hành động đơn độc vô ích (với Cô Tô) không?

Nó có ích, có ý nghĩa cho tôi là được, bạn ạ.

Có người hoài nghi, việc rút lui này chỉ là một cái cớ mỹ miều cho việc anh thất bại trong mô hình này, khi vấp phải quá nhiều cạnh tranh?

Tôi không quan tâm ai nói gì, thật đấy! Thất bại có nhiều tính chất. Với tôi, thất bại nhất là mình đã làm một thứ không đúng với tư tưởng của mình.

Bỏ khu nhà gỗ không có nghĩa là tôi sẽ bỏ luôn bãi biển này, mà sẽ thay bằng một mô hình khác phù hợp hơn. Mỗi sản phẩm đều có vòng đời của nó, và việc kết thúc nó còn giúp tôi sáng tạo hơn và làm tốt hơn.

Cô Tô
"Mỗi sản phẩm đều có vòng đời của nó, và với tôi, Coto Eco Lodge đã đến lúc cần được kết thúc".

Vậy là, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch, chứ không phải kiếm tiền từ du lịch ở những nơi mình “phải lòng”, đó mới là việc của anh?

Đầu 2008, khi tôi đi leo núi (Everest) về, tôi cần tìm một nơi nghỉ ngơi sau một năm vất vả núi non băng tuyết, tôi ra Cô Tô và tự hỏi, tại sao mình không làm gì ở đây? Hồi ấy, Cô Tô nghèo lắm. Tôi là người làm du lịch, tôi biết rất rõ về mức ảnh hưởng của nghề du lịch với sự thay đổi và phát triển địa phương, và tôi thấy mình làm được việc này dễ hơn nhiều người khác, vậy là làm thôi. Và đến giờ thì Cô Tô thay đổi hơn những gì người Cô Tô có thể tưởng tượng. Tôi thành công và mọi người đánh giá được việc mình đã làm, yêu quý mình.

Tôi “mát tay” với công việc tạo sản phẩm du lịch và khai thác vùng đất mới và sẽ làm công việc này cả đời, nơi nào mà tôi thấy ở đó cần, và mình có thể chiến đấu được. Tôi không phải là người thuần kinh doanh, không bằng mọi giá tạo ra lợi nhuận, mà là người tái tạo sản phẩm cũ, làm ra sản phẩm mới. Trên thực tế, cái gì cũng có thể tạo ra sản phẩm du lịch được, kể cả nhà của bạn. Khi làm nghề sâu, bạn sẽ phát hiện ra tính logic của nó và có thể đánh giá được mô hình, độ hot, mức độ phủ sóng của sản phẩm, mức giá bán ra và phải làm như thế nào. Đó mới là thế mạnh của tôi.

Cô Tô
Những chiếc "lều vịt" đã góp phần làm thay đổi diện mạo Cô Tô cũng như mở ra hướng du lịch trải nghiệm mới...

Cô Tô
... nơi tiện ích chỉ được cung cấp những thứ cơ bản...

Cô Tô
...và việc hòa mình với thiên nhiên được coi trọng hơn.

Câu chuyện gắn bó với nghề du lịch và kinh doanh du lịch của anh, hẳn là có một nguyên nhân thú vị lắm?

Không có gì thú vị cả! (Cười) Chỉ vì tôi thích đi đây đi đó, và quan điểm của tôi về mọi thứ là nếu đã theo thì phải theo đến cùng, làm đến cùng và triệt để. Tôi muốn có một cuộc đời đáng sống, và cứ bụi rậm mà lao vào thôi.

Tôi thích lao vào bụi rậm từ bé. Bạn có thể thấy, trong một nhóm đi với nhau, có khi may ra sẽ có một đứa sẵn sàng lao vào bụi rậm, còn những đứa khác sẽ ở ngoài để đoán và: “Đấy! Tao bảo rồi, mày ngu lắm! Trong ấy toàn gai với… phân chó thôi!” Và chỉ có Chúa và cái thằng lao vào trong bụi rậm mới thực sự biết, trong đó có gì!

Còn lợi nhuận từ việc kinh doanh du lịch ư? Việc của tôi là gieo, còn cây nó sẽ tự ra quả. Vấn đề là khi nào mình muốn hái, và hái bao nhiêu là đủ, bạn ạ!

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh thành công với những sản phẩm du lịch mới ở Cô Tô, và ở nơi nào đó làm anh “phải lòng”.

Chia sẻ